Khi mới 20 tuổi, ông đã cùng quần chúng nhân dân đấu tranh giành chính quyền xã, huyện ở Quảng Nam trong cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông tham gia công tác ở xã nhà, là cán bộ giao thông, thuế nông nghiệp, sau đó là đội phó du kích, bí thư thanh niên xã, vào Đảng lần thứ nhất ngày 18/8/1951.
Từ tháng 01/1952, ông là chiến sĩ lục quân, chuyên về sử dụng súng trường, giữ chức tiểu đội trưởng bộ đội chủ lực ở Khu 5, tham gia đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến. Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ông tập kết ra Bắc. Ông chuyển ngành ngày 11/11/1955, tham gia sản xuất, công tác tại Nông trường Thanh Hóa, được bầu là tổ trưởng sản xuất tại Nông trường Phúc Do thuộc Liên hiệp Công đoàn tỉnh Thanh Hóa.
Lần đầu ông chuyển về Ban Thống nhất ngày 18/8/1964. Ông về Nam công tác, giữ kho cấp phát cho bộ đội tại Quảng Ngãi, Sơn Trà, làm nhiệm vụ của người cán bộ tiền phương, cán bộ thương nghiệp mậu dịch Kon Tum, ông đã bền bỉ phấn đấu, trung thành với lý tưởng cách mạng của người đảng viên, tại đây ông được kết nạp Đảng lần 2 vào ngày 20/8/1973. (sở dĩ như vậy là vì khi tập kết ở Quy Nhơn không kịp làm giấy tờ sinh hoạt và cũng ko tìm lại được đơn vị cũ của mình nên không đủ cơ sở để được sinh hoạt Đảng tại cơ quan mới). Cũng trong năm 1973, ông ra Bắc chữa bệnh, năm 1974 ông lại tiếp tục trở về Nam công tác.
Khi kể về gia đình, cha ông là Trần Văn Ấm (đã mất), mẹ là Dương Thị Tấn. Trước cách mạng tháng Tám, gia đình không ai làm gì cho đế quốc, lam lũ làm ăn nhưng vẫn thiếu ăn. Sau sách mạng, được xã cấp ruộng công điền và một căn nhà lá nhỏ… Ông có hai người em, là Trần Thị Tỵ, đã mất không rõ lý do và Trần Văn Mỹ đã hy sinh năm 1967.
Kể từ lúc tham gia hoạt động cách mạng đến khi đi B trở về Nam lần 2, với gần 30 năm công tác, có lẽ những trang hồ sơ không đủ diễn tả hết những ký ức trong hành trình của ông nhưng xem lại những kỷ vật về ông và về gia đình, gồm giấy tờ lý lịch cá nhân, thẻ cán bộ, giấy khám sức khỏe… các kỷ vật vô giá là chứng minh thư quân nhân, thẻ đoàn viên công đoàn, hai Huy chương, 2 kỷ niệm chương, 8 bằng khen, giấy khen, 85 ảnh người thân, bạn bè, đồng đội, 4 phiếu tiết kiệm… và 1 Bảng Gia đình vẻ vang do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký ngày 02/5/1958 tặng cho bà Dương Thị Tấn (mẹ của ông), càng cảm kích hơn những chiến sĩ, những cán bộ và gia đình cách mạng thời oanh liệt của cả dân tộc.