(QK7 Online) - Trở về thăm vùng đất Củ Chi trong những ngày tháng 4 ngập tràn nắng và gió. Nơi chúng tôi dừng chân là căn nhà của một nữ đồng đội, một nữ chiến sĩ giao liên nội thành Sài Gòn trong những năm 1970 – 1975 Lê Thị Lý tại xã Tân Phú Trung.
Trong buổi gặp gỡ thân mật này có tới 9 nữ chiến sĩ giao liên nội thành đã từng tham gia công tác và chiến đấu từ những năm 1970 – 1975. Đó là các chị: Nguyễn Thị Lý, Huỳnh Thị Liên, Nguyễn Thị Phương, Phạm Thị Hương, Nguyễn Thị Xuân...
Chị Nguyễn Thị Lý (ngồi thứ 2 từ phải qua) cùng các nữ giao liên chụp thời trong chiến khu
Những chiến công âm thầm lặng lẽ của các chị không kém phần hy sinh gian khổ như các chiến sĩ cầm súng chiến đấu ngoài mặt trận, nhiều lúc còn nguy hiểm hơn vì phải đối diện trực tiếp với kẻ địch.Không chỉ gan dạ, dũng cảm mà còn phải mưu trí khôn khéo mới qua mặt được lớp lớp tình báo mật vụ của địch..., các chị vẫn thường nói với nhau: “Vào sống ra chết”. Nhưng dù sống hay chết cũng phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vậy mà những câu chuyện đã qua đi gần năm mươi năm giờ đây mới được các chị kể lại. Và nếu không kể ra sợ rằng sẽ không còn thời gian để mà kể lại, bởi các chị giờ đây đã ở tuổi ngoài sáu mươi, có chị đã bảy mươi và hơn nữa...
Đó là chị Lê Thị Lý, với gương mặt trắng trẻo phúc hậu của một người bà, nhưng giọng nói vẫn trong trẻo nhẹ nhàng. Chị kể: “Hồi những năm 1970 xã Tân Phú Trung là vùng địch xây dựng ấp chiến lược, thanh niên tham gia chiến đấu hy sinh gần hết, còn lại toàn người già và con gái, chị tham gia hoạt động cách mạng từ năm 14 tuổi tại địa phương với công việc vận động thanh niên nhập ngũ... Tháng 2 năm 1972, cơ sở cách mạng đưa chị vào chiến khu học công tác biệt động thành. Từ năm 1993 đến năm 1995 chị Lý nhiều lần nhận nhiệm vụ đưa cán bộ từ chiến khu vào nội thành nghiên cứu tình hình địch, xây dựng cơ sở bí mật trong nội thành, rồi lại đưa cán bộ từ nội thành ra chiến khu.
Một lần chị nhận nhiệm vụ chuyển tài liệu và thư của Ban chỉ huy vào nội thành. Khi vào tới Tây Ninh chị phát hiện có mật vụ của địch bám theo. Trên đường từ Tây Ninh về tới Sài Gòn chị vẫn không cắt đuôi được tên mật vụ, trong lúc đó xe đã tới điểm hẹn tại chợ Vườn Chuối khu vực Bàn Cờ, nhưng chị không xuống mà cứ ngồi trên xe. Xe tới Bệnh viện Từ Dũ chị xuống xe cùng với người phụ nữ mang bầu nặng nề, Lý bước tới nhanh nhảu: “Chị đưa giỏ em xách cho...”. Người phụ nữ bụng bầu vui vẻ trao giỏ xách cho Lý, hai người cùng xuống xe đi thẳng vào phòng khám. Sau lời chào cảm ơn người phụ nữ, Lý tìm cách quay lại chợ Vườn Chuối, kịp trao thư cho người của cơ sở cách mạng và nhận báo cáo từ cơ sở trở về chiến khu an toàn. Tháng 4 năm 1975 chị cùng đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn.
Và đây, một nữ giao liên nữa cùng sinh ra và lớn lên trên đất Củ Chi chị Huỳnh Thị Liên.Chị Liên sinh năm 1951 tại xã Trung Lập Hạ, ba chị tham gia bộ đội Củ Chi hy sinh năm 1962, gia đình có năm chị em, ba trai, hai gái. Cũng như chị Lý, chị Liên tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương, đến năm 1969 được cơ sở đưa vào chiến khu, thuộc A30 do anh Năm Thành phụ trách.Lúc đó chị vừa tròn 18 tuổi. Sau thời gian học tập nghiệp vụ, năm 1970 – 1971 Liên nhận nhiệm vụ đưa các cán bộ chủ chốt của đơn vị vào Sài Gòn nghiên cứu tình hình địch. Trong đó phải kể đến chuyến đưa ông 5 Nhượng cán bộ tham mưu và ông Lê Minh Nẵng lúc đó là chủ nhiệm Phòng Chính trị Phân khu 6 (I4). Khi qua bót Cầu Ván thấy lính xét giấy, Liên liền xuống xe, lại gần mấy người lính tươi cười hỏi chuyện một lúc Liên chỉ ông Hai Nẵng và nói với mấy người lính: “Ba tôi đó ổng già rồi mấy anh có xét giấy không”... Một tên thượng sĩ có lẽ là chỉ huy nhìn ông Hai Nẵng rồi nhìn Liên cười: “Thôi đi đi em”. Liên lên xe vẫy tay chào mấy người lính Sài Gòn mà trong lòng rộn bao niềm vui.
Một lần đưa anh Hai Dân, một cán bộ lãnh đạo từ nội thành ra, khi tới bót Cầu Muối cũng gặp lính xét giấy, Liên rất lo lắng vì anh Hai Dân còn trẻ. Suy tính một lúc Liên bèn dẫn anh Hai Dânxuống xe đi bộ theo mấy người bán hàng vô xóm. Mấy tên lính nhìn Liên hỏi bâng quơ: “Hai người đi đâu”. Liên trả lời: “Dạ chúng em đi thăm gia đình trong xóm nè anh...”. Nhờ mưu trí và lanh lẹ nên Liên đã nhiều lần che mắt địch hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Năm 1975 trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Liên được phân công về nội thành trước một tháng để nắm tình hình, kịp thời báo cáo về Bộ chỉ huy. Khi tới đồng bưng Mỹ Hạnh, Liên bị lính địch phát hiện, một tên dùng xe Honda đuổi theo Liên, Liên liền chạy xuống cánh đồng lúa nên tên lính không đuổi bắt được Liên. Sau đó Liên lọt vào nội thành và mỗi ngày Liên đều gặp cơ sở và đưa tin tức cho đơn vị tại Ngã tư Bảy Hiền. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 một cơ sở cách mạng là bà Chín Xuân gặp lại Liên kể: “May quá, nếu chậm mấy ngày chưa giải phóng là Liên đã bị bắt vì có mật vụ địch theo sát Liên”.
Không những chỉ bản thân Liên tham gia hoạt động cách mạng, Liên còn đưa cả 4 người em tham gia cách mạng, trong đó, Huỳnh Thị Dung cũng là chiến sĩ giao liên B14 Sài Gòn Gia Định, và người em trai của chị là Trần Văn Hùng tham gia nhập ngũ, nguyên là Thiếu tướng, Phó Chính ủy Quân khu 7.
Và đây nữa, một người con gái sinh ra và lớn lên trong nội ô Sài Gòn, chị là Nguyễn Thị Tâm sinh năm 1956, tại Quận 10, là nữ sinh lớp 9 trường Trần Hưng Đạo.Ba chị là Nguyễn Long Biển làm việc tại Tổng nha Cảnh sát chế độ Sài Gòn thuộc bộ phận công xa, chuyên sửa xe cho Tổng Nha, nhờ vậy, ông che mắt địch là cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ ngay trong nhà mình. Năm 1972lúc đó Tâm 15 tuổi, được cơ sở cách mạng tại nhà dẫn Tâm ra vùng giải phóng tại ấp Ràng, huyện Trảng Bàng đơn vị H2 của anh Út Minh. Trước Tết 1972 chị được phân công về nội thành, lúc này địch hoạt động rất gắt gao, chị đã tìm mọi cách che mắt địch liên lạc được với các cơ sở cách mạng, truyền đạt các chỉ thị của cấp trên để chuẩn bị hoạt động cho năm 1973 ký kết Hiệp định Pari, chiều 29 Tết chị trở về đơn vị an toàn, lúc đó Tâm vừa bước vào tuổi 16.
Nếu Tâm, Liên, Lý là những nữ giao liên mưu trí, gan dạ, lanh lợi, luôn tìm mọi cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thì Nguyễn Thị Phương một nữ giao liên trung kiên bất khuất: Lúc đó đầu năm 1970. Sở chỉ huy tiền phương của lực lượng vũ trang quân khu Sài Gòn Gia Định (I.4) chuyển về hoạt động ở vùng Mỏ Cày Bến Tre, Phương là thư ký đánh máy và là người viết và mở các mật mã truyền đạt các mật lệnh chiến đấu của Tư lệnh Trần Hải Phụng từ căn cứ vào Sài Gòn và ngược lại.
Tháng 5 năm 1970, địch đánh hơi có lực lượng Sài Gòn Gia Định di chuyển về Bến Tre, nên chúng mở các cuộc càn quét và đánh vào khu vực Ba Vát, ấp Phước Lý cầu Cá Trê( căn cứ của Bộ Tư lệnh tiền phương I.4). Đại đội bảo vệ đã kiên cường chiến đấu từ sáng sớm đến chiều tối, tiêu diệt nhiều tên địch, chúng phải điều trực thăng đến chở xác lính chết. Song vì lực lượng chiến đâu quá mỏng, đồng thời để bảo vệ Bộ Tư lệnh, nên đơn vị đã rút quân ra khởi căn cứ, chỉ để số người công tác hợp pháp ở lại địa bàn và nắm tình hình địch.
Thấy không còn tiếng súng đánh trả, lực lượng địch càn vào trong ấp lùng sục các nhà dân. Tại đây chúng bắt Phương tại nhà má Mười. Má Mười là dân tại chỗ và là cơ sở cách mạng, má nhận Phương là cháu nội, nhưng địch không tin, chúng đánh đập và tra tấn Phương tại chỗ, nhưng Phương nhất quyết không khai báo. Tra tấn không có kết quả, chúng nhấn Phương xuống mương nước, chúng cho Phương uống no nước, sặc sụa rồi lại năm tóc kéo lên, rồi lại dìm xuống, cứ như thế cho đến khi Phương ngất đi, nhưng chị vẫn chỉ có một câu trả lời: “Tôi là cháu nội má Mười”.Không lay chuyển được Phương nên khi rút quân chúng giải Phương theo đơn vị địch đang hành quân.Phương thầm nghĩ trong bụng “chuyến này mình sẽ chết; nếu không chết cũng bị tàn phế vì roi đòn và bị bọn lính địch hãm hiếp”. Nhưng giá nào Phương cũng phải giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng dù Phương còn rất trẻ, lúc đó Phương mới 16 tuổi. Phương là Việt Kiều Campuchia tham gia cách mạng Xuân Mậu Thân lúc Phương 14 tuổi.
Suốt hai ngày một đêm theo đơn vị địch hành quân Phương đã chứng kiến trận đánh đụng độ giữa bọn địch với lực lượng của Thành ủy Sài Gòn, cũng đóng quân tại Mỏ Cày. Bọn địch bị thất bại phải lui quân, Phương tưởng rằng mình sẽ bị trúng đạn của quân ta.
Và thật may thay, trên chặng đường hành quân một viên trung úy địch còn trẻ và đẹp trai, hình như anh ta thương hại Phương còn quá trẻ mà đã bị tra tấn đánh đập dã man, nên y xin với cấp trên của anh ta cho anh được nhận Phương để đưa về làm vợ. Kể từ đó Phương được anh ta bảo vệ, kể cả khỏi bị hãm hiếp của đồng bọn và bản thân anh ta cũng không cưỡng em và đụng đến thân thể của Phương. Qua sự khôn khéo của Phương, tới ngày thứ hai viên trung úy đã thả cho Phương về, anh ta còn đưa Phương ra tới đầu lộ đá đỏ. Phương lẫn vào hàng dừa trở về căn cứ trong lòng trào dâng bao cảm xúc và niềm tự hào bởi Phương đã giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, đặc biệt với niềm vui bảo vệ được bí mật căn cứ và các tài liệu quan trọng tuyệt mật của Bộ Tư lệnh và của Tư lệnh chú Ba Trần Hải Phụng.
Giờ đây đã gần năm mươi năm đi qua mỗi lần nhớ lại Phương vẫn thầm cảm ơn người lính bên kia chiến tuyến đã giúp đỡ và bảo vệ Phương, biết đâu anh ta chẳng là một cơ sở cách mạng được gài vào hàng ngũ địch.
Đâu chỉ có tinh thần kiên trung bất khuất, mưu trí dũng cảm của các chị: Lê Thị Lý, Huỳnh Thị Liên, Nguyễn Thị Phương, và còn các đồng đội của các chị như: Phạm Thị Hương, Nguyễn Thị Dợt, Bùi Thị Hậu, Nguyễn Thị Xuân v.v... đều là những chiến sĩ giao liên nội thành trung kiên bất khuất. Những chiến công thầm lặng của các chị như những bông hoa nở lặng thầm góp phần làm nên vòng hoa chiến thắng mùa Xuân 1975, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Xuân Hòa