(QK7 Online) - Trong cuộc đời quân ngũ của mình, tôi may mắn được tiếp xúc, làm việc với nhiều cán bộ chỉ huy có phong cách bình dị, gần gũi, phương pháp làm việc sâu sát, cụ thể, hiệu quả. Và một trong những người ấy là đồng chí Lê Khả Phiêu.
Giai đoạn 1983 - 1985, tôi là Trợ lý cho đồng chí Nguyễn Thới Bưng, Tư lệnh Chiến dịch biên giới thuộc phạm vi hai tỉnh Bát-tam-boong và Pu-sát (Campuchia) - địa bàn trọng điểm của Quân tình nguyện Việt Nam, do Mặt trận 979 (Quân khu 9) phụ trách. Vì vậy, tôi được gặp đồng chí Lê Khả Phiêu, lúc bấy giờ là Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận 719 (Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam) ở Campuchia.
Đồng chí Lê Khả Phiêu (đứng giữa) cùng dự thông qua quyết tâm tiến công căn cứ Các-đa-mon (mùa khô 1984-1985). Ảnh: Tư liệu
Trung tuần tháng 2/1985, sau khi cùng cơ quan tham mưu, cán bộ cơ quan Quân khu và Mặt trận khảo sát chuẩn bị cho trận đánh căn cứ Các-đa-mon - trung tâm đầu não của Trung ương Pôn Pốt, với hệ thống chỉ huy, tổng kho hậu cần và cách tổ chức phòng thủ tương đối hoàn chỉnh, Tư lệnh Chiến dịch Nguyễn Thới Bưng và đoàn về Sở Chỉ huy Chiến dịch tại “Năm nhà”.
Đêm trước khi Tư lệnh Mặt trận 719 - đồng chí Lê Đức Anh, thông qua quyết tâm đánh căn cứ Các-đa-mon, Cơ quan Mặt trận 719 cũng nghỉ lại ở Sở Chỉ huy chiến dịch tại “Năm nhà”. Tôi được bố trí nghỉ cùng với đồng chí Lê Khả Phiêu trong một hầm âm. Đêm hôm đó, đồng chí tâm sự với tôi rất nhiều, hỏi thăm về tình hình gia đình, hoàn cảnh công tác của vợ tôi, tôi cảm thấy sao ông quá thân thiết. Trầm tư một hồi lâu, ông lại tranh thủ hỏi tôi rất nhiều, từ tình hình trên hướng Bát-tam-boong sau khi Sư đoàn 330 của Quân khu 9 và Sư đoàn 196 của bạn làm chủ toàn bộ tuyến biên giới trên hướng này, đến cách đánh địch trên tuyến biên giới mà Tư lệnh Mặt trận 719 đã chỉ thị. Tôi bày tỏ và khẳng định đây là cách đánh tốt nhất với đặc điểm chiến trường, núi rừng hiểm trở cùng đối tượng địch có “đất thánh” bên kia biên giới. Cũng chính từ thực tiễn này đã hình thành cách đánh cho trận Các-đa-mon. Nhưng với Các-đa-mon phải chuẩn bị kỹ hơn, công phu hơn, vì đây là một căn cứ lớn, địa hình hiểm trở. Hơn nữa, từ điểm xuất phát tiến công đến mục tiêu rất xa. Ông bày tỏ đồng tình, dặn dò tôi tiếp tục nghiên cứu, có gì báo cáo thêm. Tôi cũng không quên báo lại việc khai thác tên tù binh của Trung đoàn 12 Pôn Pốt. Đồng chí hỏi tôi tại sao nó khóc? tôi trả lời: “Nó khai thêm cha mẹ nó cũng đang ở trong căn cứ này. Chắc chắn là dân. Trinh sát của Trung đoàn 9, Sư đoàn 339, báo cáo có rất nhiều khu dân cư trong căn cứ này”.
Sau này, khi về công tác ở Quân khu 7, rồi Quân đoàn 4, tôi cũng nhiều lần được gặp gỡ, làm việc với đồng chí Lê Khả Phiêu. Ông vẫn vậy: gần gũi, cởi mở tâm sự.
Còn nhớ, vào tháng 3/1996, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đoàn 4 lần thứ V, đồng chí Lê Khả Phiêu, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đến dự và chỉ đạo đại hội. Trong nội dung phát biểu chỉ đạo, đồng chí phân tích kỹ tình hình thế giới, khu vực, âm mưu của các thế lực thù địch đối với nước ta. Ông biểu dương những nỗ lực phấn đấu với tinh thần tự lực, tự cường, chủ động khắc phục khó khăn, thực hiện khá tốt mọi nhiệm vụ trong hoàn cảnh vừa hoàn thành nghĩa vụ quốc tế về nước, thời gian tập trung xây dựng chưa nhiều. Nói về nguyên nhân của các kết quả đạt được, ông đặc biệt nhấn mạnh đến đoàn kết nội bộ.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của đồng chí Lê Khả Phiêu, sau đại hội, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn nhanh chóng hoàn chỉnh các quyết định, chỉ thị, quy định xác định rõ một số biện pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, xây dựng đơn vị, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện các chỉ thị, quy định diễn ra cũng không thật thuận lợi; có ý kiến phản ánh về cơ quan chức năng của Tổng cục Chính trị, cho rằng những nội dung quy định quá cụ thể, không thật cần thiết… Xoay quanh vấn đề này, đồng chí Lê Khả Phiêu có ý kiến “Cứ để các đồng chí làm, cơ quan cần theo dõi giúp đỡ chỉ đạo sơ kết, rút kinh nghiệm, vấn đề là tính hiệu quả…”.
Vậy đó, đồng chí Lê Khả Phiêu - một người cán bộ bình dị, gần gũi, có phương pháp làm việc sâu sát, cụ thể, hiệu quả; luôn tôn trọng, lắng nghe cấp dưới và mang đến cho cán bộ, chiến sĩ sự tin tưởng, ấm lòng. Sau này, có dịp gặp gỡ và làm việc với ông kể cả khi tôi đã nghỉ hưu, ông vẫn vậy: luôn gần gũi, cởi mở tâm sự với sự tin cậy như buổi ban đầu tôi mới gặp ông.
Trung tướng Lưu Phước Lượng
Nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh về Chính trị Quân khu 9