MỘT
Tập sách chia thành ba phần. Phần một gồm gần 90 bài thơ mà phần lớn, Trần Thế Tuyển sáng tác từ năm 2014 trở lại đây, có nhiều bài lần đầu công bố.
Đó là lúc anh cho xuất bản tập trường ca Phía sau Mặt trời (NXB QDND) như là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời cầm viết và cầm súng của anh. Phần 2 gồm 46 bài thơ của anh đã được các nhạc sỹ phổ nhạc. Phần 3 là những bài viết của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo về thơ Trần Thế Tuyển.
Sau 11 năm, kể từ ngày tôi viết lời tựa cho tập TUỔI THƠ TÔI của anh, nay tôi lại được góp phần nhỏ vào tủ sách của Trần Thế Tuyển như một người đồng hành thân thiết .
Có thể nói, nhiều bài thơ và thơ phổ nhạc của Trần Thế Tuyển làm người đọc suy ngẫm. Riêng tôi, tôi ấn tượng bởi những bài thơ gần gũi với cuộc sống đời thường của tác giả.
Bài “Hương Lúa” là một tác phẩm như thế. Bài thơ ngắn chỉ 5 khổ nhưng đã bộc lộ hết chiều sâu suy tưởng của những người lính Cụ Hồ mà phần lớn xuất thân từ những người nông dân cày sâu, cuốc bẫm. Người lính ấy sinh ra vào đúng mùa hoa gạo nở, cũng là lúc hương lúa thơm ngát nơi làng quê nghèo khó. Tác giả cũng như các chàng trai khác lớn lên và khoác trên mình tấm áo người lính, cùng đồng đội lên đường vào đúng mùa lúa chín, hoa gạo nở. Những tháng ngày trong quân ngũ, những dặm đường "xẻ dọc Trường Sơn " vào miền Nam chiến đấu, tất cả vì sự nghiệp chung, hành trang của người lính trẻ năm ấy, là nỗi nhớ cha mẹ vất vả với việc đồng áng, mảnh ruộng và mùi hương lúa gắn liền với tuổi thơ.
Tôi cảm nhận được nỗi nhớ da diết về gia đình của Trần Thế Tuyển , đó cũng là tâm trạng chung của tất cả những người lính khi rời xa quê hương, xa gia đình. Đấy là những tình cảm thật nhất, khơi nguồn cho cảm hứng sáng tác của anh. Những bài thơ mộc mạc, dung dị, không sáo rỗng, tả thực về tình cảm thiêng liêng đối với quê hương, đất nước.
Tuy sống và chiến đấu trong giai đoạn đầy máu và nước mắt, nhưng tôi vẫn thấy được niềm lạc quan - sự thi vị trong thơ của anh; khi miêu tả người đồng đội nữ như là những “Nàng công chúa nón tai bèo áo màu cỏ úa”, xen lẫn với những buồn vui vất vả chiến trường.
Là một nhà báo chuyên viết bút ký, phóng sự, thơ Trần Thế Tuyển toát lên nét tình cảm chân thật, sinh động và lạc quan trong từng câu chữ. Đọc thơ anh, tôi đã để cảm xúc của mình trôi bồng bềnh theo nhịp chảy lãng mạn, những suy nghĩ tản mạn của anh về đất nước:
“Mấy ngàn năm đánh giặc”, “Mấy ngàn năm vượt thác”.
Thực sự quý trọng anh, bởi anh đã nói hộ người đang sống sự kính trọng và tri ân các anh hùng liệt sĩ, các người Mẹ anh hùng đã hy sinh cho Tổ quốc, cho độc lập tự do của dân tộc.
Tôi, người con đất Việt, cũng xúc động nghẹn ngào, nặng trĩu nghe “đau nhói tận đáy lòng như anh. Xin chúc mừng anh có đôi câu thơ - cặp vế đối tri ân những người con ưu tú đã hy sinh vì đất nước mà thân thể họ đã tan biến thành đất đai của Tổ quốc”. Đôi câu thơ này tôi đã đọc cách đây gần 10 năm, nay đã thực sự đi vào cuộc sống và được anh sáng tạo theo cách mới làm lay động lòng người:
Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc
Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia!
Càng đọc thơ anh, tôi càng bị lôi cuốn theo những trang nhật ký của người lính. Anh gợi tả rất mộc mạc, bình dị nhưng sâu sắc lạ thường. Hình như tôi đang sống cùng ký ức của anh mỗi ngày với những cung bậc cảm xúc:
“Mẹ mua áo mới và hoa tươi
Áo mới cho con đi chúc tuổi
Hoa tươi cúng cụ đêm ba mươi
Rồi anh lớn lên đi khắp bốn phương”cũng đón tết, nhưng ở “Biên cương, xuân đại dương”:
“Áo mới hoa tươi đào ngậm sương
Nguồn thơ của Trần Thế Tuyển dạt dào, phong phú, theo những rung cảm bất chợt, chạnh lòng chân thật nhất của anh. Nỗi quay quắt, nhớ thương về cha mẹ, về làng quê nghèo:
“Cha đi xa, tình người ở lại
Luống cày xưa, mẹ vun xới mỗi ngày”
Thương, Mẹ chắt chiu – thân cò lặn lội cho “Nồi vẫn khói cơm thì trốn hết”
Chỉ có “Chóc với khoai, búp sắn, đọt lang” để nuôi các con khôn lớn, rồi lại ra chiến trường...
Nỗi day dứt nhớ cha, niềm bâng khuâng nhớ me, nỗi hối tiếc khi cả một đời trai trẻ, chưa trọn một ngày chăm sóc mẹ cha. Chắc hẳn, không chỉ anh mới có những cảm xúc đan xen như thế, mà ở trong lòng đồng đội, anh em người lính cũng ắp nặng nỗi lòng.
Chiến tranh kết thúc, Trần Thế Tuyển may mắn sống sót trở về, nhưng những người đồng đội, người em trai của anh đã vĩnh viền nằm lại cánh rừng xa... Đó là nỗi khắc khoải khôn nguôi của anh bật thành thơ. Mỗi bài thơ có nhiều kích cảm xúc khác nhau, nói hộ chúng ta sự khắc khoải, tri ân đối với những người con ưu tú đã hiến trọn tuổi thanh xuân vì đất nước.
HAI
Thơ Trần Thế Tuyển mang trái tim nhân hậu, nhân văn của một người lính. Bút pháp của anh không đặc biệt, vì thế nên rất thật, dung dị, rất dễ vào lòng của người đọc. Mỗi bài thơ tiềm ẩn những giai điệu mà mỗi người đọc nói chung và các nhạc sỹ nói riêng dễ dàng nhận ra. Đó có lẽ là nét rất riêng không lẫn vào đâu được trong thơ Trần Thế Tuyển .
Tôi có cảm giác như cái chất trữ tình, lãng mạn ấy đã truyền qua tôi bằng những giai điệu rất ngọt ngào và ấm áp.Thiết nghĩ, đó cũng là điểm xuất phát, nhân tố tiên quyết về sự giao thoa giữa tâm hồn nhà thơ và nhạc sỹ .
Chắc các nhạc sĩ khác, cũng như tôi đều có những cảm xúc riêng khi đọc thơ của anh. Sẽ có người lắng lòng suy nghiệm về chiến tranh, về sự nghiệp giải phóng và giữ gìn đất nước, có người lắng lòng khi nhớ về Bác Hồ, có người lại trở về tuổi thơ, và cả nơi lưu dấu hồi ức chiến khu, nhớ thương đồng đội. Thơ Trần Thê Tuyển đa dạng về chiều cỡ cảm xúc nhưng thống nhất ở dòng chảy tình cảm. Thể hiện rất rõ trong những bài thơ được các nhạc sỹ phổ nhạc về đề tài người lính, về mối quan hệ của người lính với người yêu, cha mẹ...Những tứ thơ ấy với lối diễn tả giàu nhạc điệu đã chạm đến thanh âm thi ca, bật lên giai điệu muôn màu của cuộc sống. Đó cũng là mối lương duyên để tôi đã nhiều lần phổ thơ Trần Thế Tuyển. Đó là các ca khúc: Ngày về thành phố; Đêm pháo hoa; Trăm năm còn mãi ...
Được biết tất cả các ca khúc phổ thơ Trần Thế Tuyển đều do các nhạc sỹ đều bất chợt gặp đâu đó trên báo chí, sách vở. Đó là mối lương duyên, mặc định giữa thơ và nhạc.
Xin chúc mừng “đứa con tinh thần” mới của Đại tá, nhà báo, nhà thơ Trần Thế Tuyển, đúng dịp sinh nhật anh và kỷ niệm 73 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam.