Nền dân chủ vô sản gắn chặt với cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội, cho nên, nó chỉ có thể được thực hiện bằng con đường thiết lập quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản đối với toàn bộ xã hội thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản. Chỉ có giai cấp vô sản và Đảng tiên phong của mình, với cơ sở xã hội rộng lớn là quảng đại quần chúng nhân dân lao động mới có khả năng thiết lập được nền chuyên chính vô sản, vừa bảo đảm dân chủ và lợi ích căn bản của đông đảo quần chúng lao động, vừa triệt tiêu mọi khả năng phục hồi chế độ bóc lột và nô dịch...
Trước thềm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, các thế lực thù địch, phản động tìm trăm phương nghìn kế, với nhiều chiêu trò thâm hiểm để phá hoại cuộc bầu cử. Họ tận dụng triệt để các trang mạng xã hội, các diễn đàn để đả kích, bôi nhọ, phủ định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam-nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Việc xây dựng nền dân chủ ở nước ta nói chung, bầu cử nói riêng-một quyền cơ bản của công dân, một hình thức sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, trở thành hướng tiến công, phá hoại chủ yếu của các thế lực thù địch, phản động.
Cả lý luận và thực tiễn đã khẳng định, chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta chỉ có thể được xây dựng, thực hiện một cách đầy đủ, toàn diện, triệt để dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của một chính đảng duy nhất-Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng mác-xít lê-nin-nít chân chính.
Ảnh minh họa / qdnd.vn
Dân chủ là một giá trị xã hội, là khát vọng của nhân loại. Trình độ dân chủ phát triển cùng với tiến bộ xã hội là một tiêu chí đánh giá tiến bộ xã hội. Dân chủ theo nghĩa chính trị-xã hội là hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội dựa trên việc thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thừa nhận và thực hiện nguyên tắc bình đẳng và tự do của mọi công dân trong xã hội. Thuật ngữ dân chủ được dùng để chỉ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của một loại tổ chức xã hội cụ thể, trong đó xác định và thực hiện quyền bình đẳng tham gia của mọi thành viên. Vì thế, dân chủ trở thành một nguyên tắc trong các mối quan hệ xã hội, là mục tiêu, là một động lực của sự nghiệp đấu tranh cách mạng.
Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân chủ là thế nào? Là dân làm chủ (1); “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn, cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đày tớ của dân”(2). Như vậy, theo Hồ Chí Minh, chế độ dân chủ thực chất là chế độ ủy quyền của nhân dân vào Nhà nước và Nhà nước là cơ quan quyền lực của dân, thực thi sự ủy quyền của dân.
Nền dân chủ vô sản gắn chặt với cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội, cho nên, nó chỉ có thể được thực hiện bằng con đường thiết lập quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản đối với toàn bộ xã hội thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản. Chỉ có giai cấp vô sản và Đảng tiên phong của mình, với cơ sở xã hội rộng lớn là quảng đại quần chúng nhân dân lao động mới có khả năng thiết lập được nền chuyên chính vô sản, vừa bảo đảm dân chủ và lợi ích căn bản của đông đảo quần chúng lao động, vừa triệt tiêu mọi khả năng phục hồi chế độ bóc lột và nô dịch. Việc Đảng Cộng sản ở các nước vươn lên khẳng định vị trí đảng cầm quyền duy nhất sau khi đã giành được chính quyền là một quy luật gắn với tiến trình đấu tranh vì nền dân chủ. Một đảng cầm quyền như vậy sẽ luôn luôn thống nhất từ trong bản chất, mục tiêu, phương thức của một nền dân chủ vì quyền lực và lợi ích của đa số người lao động. Sự cầm quyền (tức vai trò lãnh đạo của Đảng) và quyền lực của đông đảo nhân dân gắn bó hữu cơ, khăng khít với nhau.
Xã hội dân chủ hay không dân chủ, không phụ thuộc vào số lượng các đảng chính trị, vào việc áp dụng hay không áp dụng chế độ “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Chế độ một đảng hay nhiều đảng, không phải là dấu hiệu, càng không phải là bản chất của dân chủ hay không dân chủ. Không phải cứ đa đảng là dân chủ, còn một đảng thì không dân chủ. Điều cốt yếu là ở chỗ, đảng cầm quyền đó có thực sự cách mạng, có thực sự vì lợi ích của nhân dân hay không.
Dân chủ phụ thuộc một cách quyết định vào lý tưởng và bản chất chính trị của đảng cầm quyền. Tính chất và trình độ dân chủ của một nước, một xã hội được quyết định chủ yếu bởi tính chất của nền dân chủ, bản chất của đảng cầm quyền và ở việc phát huy quyền làm chủ của đại đa số nhân dân, thực hiện lợi ích và ý chí của đại đa số nhân dân. Nếu một đảng cầm quyền, dù “mang danh cộng sản”, nhưng thoái hóa biến chất, xa rời quần chúng, xa rời nhân dân, không có bộ máy và phương thức hoạt động bảo đảm được dân chủ; không có cơ chế kiểm soát, giám sát quyền lực; nếu đảng đó không có khả năng xây dựng được một nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân…, thì chắc chắn không thể bảo đảm được dân chủ.
Mặt khác, cần thấy rằng, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động là bản chất, quy luật hình thành, phát triển và tự hoàn thiện của Nhà nước Việt Nam XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo-một “Đảng cách mạng; ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”(3). Đảng Cộng sản Việt Nam không hề áp đặt vai trò độc quyền lãnh đạo của mình. Để được nhân dân thừa nhận là người lãnh đạo, Đảng đã phải trải qua một quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ, đầy thử thách, hy sinh với biết bao người con ưu tú của Đảng và dân tộc đã ngã xuống. Thực tế đến nay, chưa có lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ khả năng và điều kiện lãnh đạo cách mạng Việt Nam thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó không phải là ý chí chủ quan về chính trị, mà là một tất yếu khách quan của lịch sử. Mọi mưu toan hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là trái với yêu cầu khách quan của quá trình phát triển đất nước và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Là đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam có trách nhiệm xây dựng và chuẩn bị cán bộ cho cả hệ thống chính trị, trong đó có nhân sự cán bộ để giới thiệu bầu làm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp theo đúng Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Vì rằng, việc giới thiệu ứng cử viên là đảng viên của đảng mình ra tranh cử là một trong những chức năng cơ bản của các đảng chính trị. Theo đó, cơ chế “Đảng cử dân bầu” là hoàn toàn phù hợp với thể chế chính trị ở Việt Nam.
Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể được xây dựng với thể chế chính trị nhất nguyên chính trị, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Giai cấp công nhân chỉ có thể thực hiện vai trò chủ thể lịch sử của mình khi được Đảng Cộng sản lãnh đạo và trong hệ thống chính trị không có các đảng phái đối lập, đại diện cho những lợi ích khác nhau. Do vậy, chỉ có sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản dựa trên nền tảng học thuyết Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là bảo đảm không gì thay thế được cho thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, một “chế độ dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản”. Mọi mưu toan thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, hay hướng vào con đường xã hội-dân chủ, chỉ là sự mất phương hướng chính trị-giai cấp, mơ hồ bản chất giai cấp của chế độ xã hội chủ nghĩa và tự mình từ bỏ chủ nghĩa xã hội.
PGS, TS NGUYỄN VĂN CẦN
(Theo QĐND Online)