Theo Người, cách mạng là việc chung của dân chúng chứ không phải là việc của một hai người, đã là con dân của nước Việt thì đều phải phấn đấu vì lợi ích chung của dân tộc, không phân biệt người có đạo, người không có đạo. Tháng 8/1962, khi đến thăm một lớp cán bộ do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, Người đã nói: “Phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hòa thuận, ấm no, xây dựng Tổ quốc”. Trong thư gửi Hội nghị đại biểu giáo hữu toàn miền Bắc, Hồ Chí Minh đã viết: “Người công giáo tốt phải là người công dân tốt. Kính Chúa và yêu nước là nhiệm vụ không thể phân chia; có hết lòng phục vụ Tổ quốc thì mới làm sáng danh đạo Chúa… Lương giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng, nhân dân ta nhất định thắng lợi trong công cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất Tổ quốc và xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương - giáo đã tạo ra hiệu ứng tích cực, lan tỏa sâu rộng đối với cả dân tộc. Tuyệt đại đa số tín đồ các tôn giáo trong cả nước đã hưởng ứng các phong trào yêu nước, ủng hộ chính quyền cách mạng, tích cực tham gia kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Giám mục Hồ Ngọc Cẩn đã dâng thánh giá bằng vàng trong “Tuần lễ vàng” để xây dựng đất nước. Nhiều sư sãi đã cởi bỏ áo cà sa trở thành những chiến sĩ cách mạng, nhiều tín đồ các tôn giáo đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Hòa thượng Thích Đôn Hậu đã nói: “Tôi là một tu sĩ có tham gia hoạt động cách mạng, tôi nguyện suốt đời đi theo con đường yêu nước, yêu dân mà Hồ Chủ tịch đã vạch ra… Nhớ ơn Người, không có gì quý hơn thực hiện lời dạy bảo của Người”. Là lãnh tụ, nhưng Người rất gần gũi với mọi người dân, luôn nhất quán giữa lời nói và việc làm, thể hiện rõ sự quan tâm, tình cảm dạt dào, không phân biệt người có đạo, người không theo đạo. Người đến tận nơi đồng bào giáo dân sinh sống, thăm hỏi ân cần, động viên mọi người sống “tốt đời, đẹp đạo”, tuân thủ pháp luật, hăng hái lao động sản xuất, tích cực xây dựng đời sống mới. Dù bận trăm công, nghìn việc, Người vẫn viết thư, hoặc điện thăm hỏi ân cần, chu đáo đối với các chức sắc tôn giáo với lời lẽ tha thiết, trân trọng. Người khéo léo và tinh tế lồng việc đạo và đời với thái độ khiêm tốn, chân thành: “Nhân dịp Noel, tôi kính chúc cụ (Giám mục Lê Hữu Từ) mọi sự lành để phụng sự Đức Chúa và để lãnh đạo đồng bào công giáo tham gia kháng chiến, đặng tranh lại thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”. Người ca ngợi, động viên những giáo sĩ, tín đồ có cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Bằng tấm lòng chân thành, sự ân cần, quan tâm sâu sắc đối với các vị chức sắc và tín đồ giáo dân đã tạo nên phong cách ứng xử độc đáo, mẫu mực của Người đối với tôn giáo.
Bác Hồ với các đại biểu Hội Phật giáo Việt Nam, ngày 3/1/1957
Hồ Chí Minh luôn sử dụng nhuần nhuyễn phương pháp biện chứng khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin trong xem xét, đánh giá, ứng xử với tôn giáo. Người thấy rõ những giá trị tiến bộ, nhân văn của tôn giáo, nhưng cũng cực lực phê phán, bóc trần dã tâm của kẻ thù xâm lược, bọn phản động và tai sai lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng, làm tổn hại lợi ích dân tộc. Người đã vạch trần bộ mặt thật của Ngô Đình Diệm: “Tự xưng là công giáo nhưng nó đang ra tay khủng bố đàn áp, giết hại đồng bào miền Nam. Vì vậy, Diệm là tay sai của Sa tăng chứ nào phải tín đồ của Đức Chúa”. Người đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm điều xấu; giải pháp quan trọng nhất là phải luật hóa tín ngưỡng, tôn giáo. Sắc lệnh ban hành vào tháng 6/1955, Điều 7 có ghi: “Pháp luật sẽ trừng trị những kẻ nào mượn danh nghĩa tôn giáo để phá hoại hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, tuyên truyền chiến tranh, phá hoại đoàn kết, ngăn trở tín đồ làm nghĩa vụ công dân, xâm phạm đến tự do tín ngưỡng và tự do tư tưởng của người khác, hoặc làm những việc khác trái pháp luật”. Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào đề cao cảnh giác, không mắc mưu những kẻ tuyên truyền lừa bịp. Người tỏ rõ lập trường “Bảo vệ tự do tín ngưỡng, nhưng kiên quyết trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo để phản Chúa, phản nước”, chống phá sự nghiệp cách mạng, lợi ích chung của cả dân tộc.
Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên thực hiện tốt chính sách tôn giáo, không vi phạm quyền tự do tín ngưỡng của Nhân dân, nghiêm khắc phê phán những cán bộ vi phạm chính sách của Chính phủ. Người kịp thời khen ngợi các giáo sĩ và tín đồ đã giúp cán bộ sửa chữa sai lầm, thực hiện đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Chính phủ. Người kiên nhẫn, tế nhị, bao dung khi giải quyết những vướng mắc trong quan hệ tôn giáo.
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đồng thời cũng là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo. “Bức tranh” tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta có cả nội sinh và ngoại nhập đan xen vào nhau rất phong phú, đa dạng và khá phức tạp. Kẻ thù của cách mạng Việt Nam luôn triệt để lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết, chống phá độc lập dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, cần phải nhận thức và giải quyết vấn đề tôn giáo đúng đắn, khoa học, thận trọng; không được chủ quan duy ý chí, nóng vội, phiến diện, máy móc dẫn đến sai lầm, để cho các thế lực phản động, thù địch lợi dụng chống phá sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.
Tư tưởng và phong cách ứng xử đối với tôn giáo của Hồ Chí Minh là di sản quý giá, độc đáo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đó là những vấn đề có tính nguyên tắc, chuẩn mực trong ứng xử với tôn giáo và cũng là cơ sở lý luận, phương pháp luận khoa học giúp cho Đảng và Nhà nước ta hoạch định chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo. Đồng thời cũng là “cẩm nang” để mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nghiên cứu, học tập và làm theo trong bối cảnh tình hình mới hiện nay.
Đại tá Nguyễn Công Sơn
Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu