(QK7 Online) - Ngày 20-2-1946, tại Lạc An, Bộ Tư lệnh Khu 7 mở hội nghị đặc biệt về tổ chức cơ quan và chương trình hành động. Khu trưởng Nguyễn Bình triệu tập hội nghị tổ chức các cơ quan trực thuộc Khu bộ. Trong Nghị quyết của hội nghị có điều khoản thành lập Phòng Tham mưu, Phòng Chính trị thay cho Võ phòng và Văn phòng. Một số cán bộ chính trị được điều về để xây dựng Phòng Chính trị. Về tổ chức, Phòng Chính trị do đồng chí Phạm Thiều phụ trách chung, kiêm trưởng Ban Tuyên truyền; Ban Công tác Chính trị quần chúng do đồng chí Phan Đình Công làm trưởng ban; Ban Công tác chính trị nội bộ do đồng chí Vương Anh Tuấn làm trưởng ban và ngày 20-2-1946 trở thành ngày truyền thống của cơ quan Cục Chính trị Quân khu 7.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp
Ngay sau ngày thành lập, Phòng Chính trị Khu 7 tập trung xây dựng củng cố phòng về tổ chức. Ban tuyên truyền xây dựng các tiểu ban: Báo chí, hội họa và ấn loát. Buổi đầu, chức năng một số bộ phận chưa rõ ràng nhất là trong công tác bảo đảm hoặc như việc chưa phân biệt rõ chức năng chính ủy (lúc ấy gọi là “chính trị bộ”, chính ủy viên, chính trị viên, lý viên) và chủ nhiệm chính trị. Cho đến cuối năm 1947, bắt đầu hoạt động chủ yếu với nhiệm vụ thông tin tuyên truyền và huấn luyện.
Cùng với sự ra đời của Khu Sài Gòn – Chợ Lớn, Phòng Chính trị Khu Sài Gòn – Chợ Lớn được thành lập vào tháng 13 năm 1948. Trong giai đoạn 1947 – 1950, Phòng Chính trị Khu 7, kế đó là Khu 7 và Khu Sài Gòn – Chợ Lớn đã tập trung thực hiện nhiệm vụ xác lập sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong lực lượng vũ trang. Công tác phát triển Đảng được đẩy mạnh, chế độ chính trị viên được thực hiện chặt chẽ khắp các đơn vị vũ trang.
Xưởng in tại Chiến khu Đ năm 1947
Bộ đội và Nhân dân xem triển lãm điện ảnh bưng biền năm 1948
Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai (tháng 1 năm 1951), Trung ương Cục miền Nam thành lập thay cho Xứ ủy Nam bộ, “chế độ Đảng ủy” được tái lập thay thế cho “chế độ chính ủy tối hậu quyết định”. Chiến trường Nam bộ chia làm hai Phân liên khu miền Đông, miền Tây và Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn. Phân liên khu miền Đông thành lập mới Phòng Chính trị, Đặc khu Sài Gòn – Chọ Lớn chia Phòng Chính trị thành 3 ban, nhập với 3 ban của Phòng Tham mưu thành các ban Tham – Chính. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Phân liên khu, Đặc khu, Phòng Chính trị Phân liên khu miền Đông, các ban chính trị Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn đã làm tham mưu cho Đảng ủy cấp trên, hướng dẫn lực lượng vũ trang thực hiện công tác đảng, công tác chính trị trong hoạt động bám trụ, hỗ trợ cho Nhân dân đấu tranh giữ vững phong trào chiến tranh du kích, tham gia xây dựng căn cứ địa và làm công tác địch ngụy vận; đồng thời đẩy mạnh hoạt động tác chiến phối hợp với chiến trường chính trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954, tuyên truyền thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ và tổ chức lực lượng ở lại, lực lượng tập kết chuẩn bị cho thời kỳ đấu tranh mới.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Trên địa bàn miền Đông Nam bộ, hình thành Quân khu 7 và Quân khu Sài Gòn – Gia Định, theo đó Phòng Chính trị của các Quân khu được tái thành lập. Trong giai đoạn chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Phòng Chính trị Quân khu 7 và Phòng Chính trị Quân khu Sài Gòn – Gia Định đã triển khai công tác đảng, công tác chính trị trong hoạt động xây dựng, kiện toàn hệ thống chỉ huy quân sự và tổ chức Đảng từ quân khu xuống cơ sở, thực hành chiến đấu hỗ trợ cho cao trào phá ấp chiến lược và chống địch bình định nông thôn.
Khi Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, trực tiếp đưa quân Mỹ và đồng minh vào tham chiến tại miền Nam Việt Nam, Phòng Chính trị Quân khu 7 và Phòng Chính trị Quân khu Sài Gòn – Gia Định tập trung triển khai công tác giáo dục chính trị xác định quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, tham gia đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô của Mỹ – ngụy. Từ năm 1967, Quân khu 7 và Quân khu Sài Gòn – Gia Định giải thể để thành lập 6 phân khu (các phân khu 1,2,3,4,5 và phân khu nội đô thành phố Sài Gòn). Phòng Chính trị hai Quân khu chia nhỏ về các phân khu. Tại các phân khu, cơ quan chính trị làm tham mưu và triển khai công tác đảng, công tác chính trị trước, trong và sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, góp phần thắng lợi chiến lược tạo nên bước ngoặt quan trọng của cuộc chiến tranh.
Hội trường Phòng Chính trị năm 1966
Báo Quân Giải phóng số đặc biệt năm 1969
Đoàn Văn công phục vụ bộ đội
Từ giữa năm 1971, các phân khu quân sự giải thể để tái thành lập Quân khu 7 và Quân khu ủy Quân khu Sài Gòn – Gia Định. Phòng Chính trị Quân khu 7 và Phòng Chính trị Quân khu Sài Gòn – Gia Định tái thành lập. Hệ thống cơ quan chính trị trong lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ và Cực Nam Trung bộ trở lại tổ chức như giai đoạn trước năm 1967 và về cơ bản tồn tại ổn định đến hết cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Sau Hiệp định Paris, cơ quan chính trị phổ biến quán triệt nội dung Hiệp định, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị khắc phục những biểu hiện nhận thức không đầy đủ về nội dung Hiệp định Paris, thực hiện kế hoạch mới, chuyển sang tiến công giành thế chủ động trên chiến trường; tạo thế, tạo lực, xúc tiến mọi mặt công tác chuẩn bị trong mùa khô 1974 – 1975, chủ động phối hợp tiến công và nổi dậy giải phóng từng địa bàn và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng thành phố Sài Gòn.
Sau đại thắng mùa Xuân 1975, Quân khu 7 được tổ chức lại bao gồm cả Quân khu Sài Gòn – Gia Định trước đây. Phòng Chính trị Quân khu phát triển thành Cục Chính trị Quân khu 7. Trong điều kiện lịch sử mới, Cục Chính trị nhanh chóng triển khai thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động quân quản, phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương và Nhân dân đánh bại nhiều tổ chức phản động, phá hoại thành quả cách mạng của Nhân dân ta bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhân dân, góp phần giữ vững ổn định an nin chính trị, góp phần tạo điều kiện để kinh tế xã hội của đất nước phát triển.
Niềm vui đất nước thống nhất chưa được bao lâu, thế lực phản động Khơme đỏ phát động cuộc chiến tranh xâm lấn trên toàn tuyến biên giới với Việt Nam gây ra nhiều đau thương, mất mát cho Nhân dân Việt Nam. Ngày 30/04/1977, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam do bọn phản bội Pôn-pốt tiến hành đã bắt đầu diễn ra quyết liệt, nhất là từ tháng 9 đến tháng 11/1977. Ngay khi cuộc chiến tranh biên giới do bọn phản động Khơme đỏ phát động, Cục Chính trị Quân khu 7 cử cán bộ thành lập cơ quan chính trị của Sơ chỉ huy tiền phương. Cục Chính trị đã chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác đảng, công tác chính trị trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đánh bại các cuộc tiến công xâm lấn biên giới của tập đoàn Khơme đỏ phản động, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh tổ của Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế .
Cơ quan Chính trị tiền phương Quân khu 7 sau Ngày giải phóng Campuchia 1979
Giữ vững truyền thống vẻ vang
Với chức năng là cơ quan tham mưu giúp cho Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Quân khu 7 trong xây dựng lực lượng vũ trang về chính trị, đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội. Cục Chính trị Quân khu 7 luôn giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ tập thể, bảo đảm công tác đảng, công tác chính trị có tính Đảng, tính giai cấp, tính chiến đấu cao; đúng đường lối, quan điểm của Đảng, sát với từng đối tượng; kếp hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, công tác tổ chức, công tác chính sách; có tính quần chúng rộng rãi; có tính kế hoạch, chủ động và sáng tạo.
76 năm chiến đấu, công tác và xây dựng, trưởng thành, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Cục Chính trị Quân khu 7 đã tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân, luôn đặt lợi ích của Đảng, lợi ích của giai cấp lên trên lợi ích cá nhân, dũng cảm ngoan cường trong chiến đấu, khoa học, năng động, sáng tạo trong hoạt động tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn công tác đảng, công tác chính trị, góp phần cùng lực lượng vũ trang Quân khu 7 thực hiện hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Phòng đọc Thư viện Quân khu 7 năm 1985
Lịch sử qua đi, nhưng những giá trị truyền thống mà các thế hệ cán bộ chiến sĩ Cục Chính trị Quân khu 7 đã tạo ra trong 76 năm qua thì còn lại mãi mãi. Phát huy những thành quả đã đạt được, ứng dụng những bài học kinh nghiệm ấy vào thực tiễn hôm nay, cán bộ chiến sĩ Cục Chính trị tiếp tục vững bước trên con đường đã chọn, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên quyết thực hiện và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ Quân khu 7 trong sạch vững mạnh, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, thường xuyên mài sắc ý chí chiến đấu, ra sức rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần hoàn thành hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì cho Cục Chính trị
Cục Chính trị nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì của Chủ nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19
Thiếu tướng Hoàng Đình Chung, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu thăm hỏi gia đình chính sách
Đại tá Nguyễn Như Trúc, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu tặng quà cho các gia đình chính sách huyện Côn Đảo
Đại tá Nguyễn Công Anh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu dự khánh thành công trình thể dục thể thao do Quân khu tặng các cơ sở tôn giáo
Đại tá Trần Đức Thắng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu tặng quà cho cán bộ, nhân viên bị ảnh hưởng bợi dịch bệnh Covid-19
Tuấn Anh