“Mời các chú, các bác, các anh, các chị ra nhận cơm trưa”; “Sáng nay, chú thấy đỡ hơn không ạ?”; “Mời chị Minh Lý, quê ở Long An, ra nhận hàng tiếp tế”; “Các cô nhớ giữ khoảng cách, đừng ngồi quá gần nhé!”… Đó là những câu nói thường thấy ở Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Củ Chi (TP Hồ Chí Minh).
Những câu nói ấy do các chiến sĩ thuộc Trường Quân sự (Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh) đảm nhiệm vai trò hộ lý ở các khu cách ly và cách ly đặc biệt của bệnh viện. Họ đều còn rất trẻ, nhưng bất kể ngày đêm, luôn tận tình, chu đáo phục vụ người bệnh với tình cảm, tình thương và trách nhiệm của Bộ đội Cụ Hồ.
Chiến sĩ Phan Văn Trường Dũng, 20 tuổi, quê ở huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), đã làm nhiệm vụ tại khu cách ly và Bệnh viện dã chiến này tròn 17 tháng khi vừa hoàn thành đợt huấn luyện chiến sĩ mới. Dù là con trai duy nhất trong gia đình, lại còn rất trẻ, được cha mẹ cưng chiều, nhưng khi được phân công phục vụ bệnh nhân và người cách ly, Dũng vẫn vui vẻ chấp hành, rồi còn động viên đồng đội yên tâm làm nhiệm vụ.
Các chiến sĩ dọn vệ sinh rác thải độc hại trong bệnh viện.
Khi gặp chúng tôi, Dũng đang mặc bộ đồ bảo hộ kín mít thu gom rác thải từ các phòng bệnh. Tháo cặp kính bảo hộ, lấy chiếc khăn đã được khử khuẩn lau vội những giọt mồ hôi chảy vào khóe mắt, Dũng tâm sự: “Khi mới nhận nhiệm vụ, tôi gọi điện thoại về báo tin cho gia đình. Mẹ tôi lo lắng, vừa khóc vừa khuyên tôi xin đổi công việc khác. Tôi phải động viên mẹ: “Trong đại dịch thế này, bà con nhân dân rất cần chúng con. Với lại, chúng con đã được tập huấn kỹ các biện pháp bảo đảm an toàn và trang bị đồ bảo hộ, nên mẹ cứ yên tâm”. Minh chứng là, gần 1 năm rưỡi làm việc tại thành trì chống "giặc" Covid-19, chúng tôi vẫn an toàn, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Khử khuẩn hàng tiếp tế trước khi chuyển tới bệnh nhân.
Dũng cười, mắt nheo nheo. Dù không nhìn rõ gương mặt của anh, nhưng tôi cảm nhận được sự vô tư qua ánh mắt trong veo ấy! Chứng kiến công việc hằng ngày của các “hộ lý - chiến sĩ”, chúng tôi thực sự cảm phục bản lĩnh, nghị lực của các anh. Từ dọn dẹp vệ sinh khu vực, thu gom rác thải tại các phòng bệnh; nhận, chuyển hàng tiếp tế của gia đình gửi vào cho bệnh nhân; hỗ trợ mua sắm những vật dụng thiết yếu khi bệnh nhân cần; giúp bệnh nhân thu dọn hành lý chuyển phòng, chuyển khu điều trị…, đến phục vụ cơm ăn, nước uống tới từng phòng; nhắc nhở người bệnh chấp hành các quy định phòng dịch và phun thuốc khử khuẩn trong khuôn viên bệnh viện… Tất cả đều là những công việc phải thường xuyên tiếp xúc gần với các trường hợp F0, F1 nguy cơ cao. Dù vậy, 100% cán bộ, chiến sĩ đều yên tâm, tận tình làm việc.
Chia suất ăn đưa về các phòng bệnh.
Thượng úy QNCN Trương Quốc Vinh, Y sĩ của Trường Quân sự, trực tiếp phụ trách lực lượng “hộ lý – chiến sĩ”, chia sẻ: “Tham gia công tác tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 ngay từ ngày đầu bệnh viện được thành lập, chúng tôi xác định rõ tư tưởng, phối hợp chặt chẽ với các bác sĩ, nhân viên y tế, phục vụ và chăm sóc chu đáo cho bệnh nhân. Đây là việc làm ý nghĩa, nhân văn, thiết thực chăm lo sức khỏe cộng đồng, cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh”.
Nhiều năm công tác trong quân ngũ, có lẽ chưa có thời điểm nào Y sĩ quân y Trương Quốc Vinh phải căng sức như lần này. Mỗi ngày, anh cùng 32 chiến sĩ làm việc căng thẳng, cường độ cao để phục vụ và chăm sóc sức khỏe cho hàng trăm bệnh nhân đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Có những trường hợp bệnh nhân lo lắng quá dẫn đến hoảng loạn, đập phá, to tiếng với các bác sĩ, nhân viên y tế. Những lúc đó, chính các anh – những “hộ lý-chiến sĩ”, Bộ đội Cụ Hồ phải hỗ trợ các bác sĩ, nhẹ nhàng khuyên nhủ, động viên bệnh nhân, chia sẻ, đồng cảm với tâm trạng bệnh nhân như người thân ruột thịt. Bác sĩ chuyên khoa I Lưu Triều Đạt, đang công tác tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Củ Chi, bộc bạch: “Các anh bộ đội rất hiểu tâm trạng lo lắng, khó kiềm chế của bệnh nhân, nên luôn ân cần động viên họ với sự đồng cảm, sẻ chia. Chúng tôi rất tin tưởng, yên tâm khi có được sự hỗ trợ hiệu quả từ các anh – những “hộ lý-chiến sĩ” tận tâm, tận tụy”.
Phục vụ suất ăn tới tận cửa phòng bệnh nhân.
Khâm phục những việc làm cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Củ Chi, bà Lê Thị Rảnh, 84 tuổi, ngụ tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh), bệnh nhân vừa được điều trị khỏi tại bệnh viện dã chiến, giãi bày: “Tôi nhiễm Covid-19, phải nhập viện ngày 16-6-2021. Khi mới vào đây, tôi lo lắng lắm! Lo mình tuổi cao, sức yếu, nhiều bệnh nền nên cơ hội sống mong manh... Thế nhưng, được các bác sĩ, nhân viên y tế, nhất là các chú bộ đội tận tình chăm sóc, phục vụ hằng ngày; dù không được đến gần nhưng mỗi buổi sáng các chú đều hỏi thăm, động viên chúng tôi yên tâm điều trị, làm phòng bệnh thêm nghĩa tình, ấm áp. Nay được ra viện, tôi nhớ mãi hình ảnh các chú bộ đội cùng những lời động viên ân cần ấy”.
Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 tại Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) được thành lập từ tháng 2-2020. Tính đến nay, bệnh viện này đã tiếp nhận và điều trị 5.856 bệnh nhân, trong đó có 768 người dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện tại, bệnh viện đang điều trị cho 298 bệnh nhân. Đại tá Nguyễn Văn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường Quân sự (Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh), kiêm Phó giám đốc bệnh viện, cho biết: “Để tạo thuận lợi cho các y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện làm việc, nhà trường đã nhường doanh trại, cơ sở vật chất; đồng thời cử 41 cán bộ, chiến sĩ, nhân viên quân y trực tiếp làm việc tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 ngay từ ngày đầu, nhằm hỗ trợ các bác sĩ, phục vụ và chăm sóc bệnh nhân. Với tình cảm, trách nhiệm của Bộ đội Cụ Hồ, chúng tôi luôn sát cánh cùng thành phố và đội ngũ y, bác sĩ xông pha trên tuyến đầu chống dịch, góp phần mang lại bình yên cho thành phố thân yêu”.
Bài và ảnh: THÀNH CƯỜNG
Nguồn: qdnd.vn