Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
67 năm trôi qua, Chiến dịch Điện Biên Phủ là một chiến dịch điển hình trong lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đánh thắng quân viễn chinh Pháp có tiềm lực quân sự mạnh, vũ khí trang bị hiện đại cùng với sự giúp đỡ của Mỹ. Khẳng định ý nghĩa, tầm vóc của Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng ta nhận định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một mốc son chói lọi, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân”.
Bác Hồ trở về với núi rừng Việt Bắc tiếp tục lãnh đạo toàn dân tộc đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Ảnh: Tư liệu
Tạp chí Times (Mỹ) số ra ngày 22/11/1954 đã đăng trên trang bìa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và dành 5 trang nói về thân thế và sự nghiệp của Người cùng với việc Việt Nam chiến thắng Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tạp chí này nhấn mạnh: “Với thắng lợi, uy tín của ông, Hồ Chí Minh đã vươn tới đỉnh cao mới tại châu Á. Các nhà dân tộc chủ nghĩa tại nhiều nước… lấy làm tự hào trước chiến công của một quân đội một nước châu Á đánh bại những kẻ từng là ông chủ của họ từ châu Âu tới”.
Năm 1955, Hội nghị 29 nước Á - Phi họp ở Bandung (Indonesia). Lần đầu tiên trong lịch sử những dân tộc hàng trăm năm bị gạt ra ngoài rìa lịch sử đã liên kết lại để công khai lên án chủ nghĩa thực dân và hợp tác giúp đỡ nhau vì mục đích hòa bình, độc lập dân tộc. Tại hội nghị này, các đại biểu Việt Nam được chào đón như những người anh hùng.
Hồ Chủ tịch với các chiến sĩ Điện Biên. Ảnh: Tư liệu
Sau 8 năm kiên trì, bền bỉ tranh đấu (1954 - 1962), nhân dân Algeria đã buộc chính phủ Pháp phải thừa nhận độc lập, toàn vẹn lãnh thổ. Sau này, Abdelkader Bensalah (sinh năm 1941), Chủ tịch Đại hội đồng nhân dân Algeria (1997 - 2002), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Algeria (2002 - 2019), đã nhận định rằng: “Chiến thắng Điện Biên Phủ trả lời cho chúng tôi câu hỏi Nhân dân Việt Nam có thể chiến thắng đế quốc thực dân, thì tại sao Algeria lại không thể?”.
Đặc biệt, chỉ 4 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1960 đã đi vào lịch sử nhân loại với tên gọi “năm châu Phi” với 17 nước châu Phi tuyên bố độc lập. Đến 1968, có tới 39 nước ở châu lục này (gồm 85% lãnh thổ và 93% dân số) đã giành được thắng lợi trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc.
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời vào ngày 2/9/1969, Tuyên bố của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp ngày 4/9/1969 viết: “Với sự đau thương và lòng tôn kính, Đảng Cộng sản Pháp nghiêng mình trước anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo kính mến của Nhân dân Việt Nam anh hùng, người bạn rất quý mến của nhân dân Pháp, người đồng chí của chúng ta, tượng trưng cho cuộc đấu tranh thắng lợi của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa đế quốc”.
Trong thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta khi biết tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Bí thư Đảng Cộng sản Tunisia Mohamed Hartman viết: “Tên tuổi của Người sẽ gắn liền với thắng lợi Điện Biên Phủ… Chúng tôi biết rằng, chính cuộc đấu tranh thắng lợi của Nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp đã đóng góp vai trò quyết định trong việc thúc đẩy phong trào dân tộc ở châu Phi và trong thế giới Arab, mở đầu sự tan rã của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.
Nhận được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Ahmed Sékou Touré, Tổng thống Cộng hòa Guinea giai đoạn 1958 – 1984, nhận định: “Xuất sắc và dũng cảm, người anh Hồ Chí Minh là tấm gương tốt đẹp đối với các dân tộc Á - Phi trong cuộc đấu tranh cao cả chống đế quốc, chống thực dân cũ và mới”.
Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất và khuyến nghị các nước thành viên tổ chức kỷ niệm Người trên toàn thế giới vào năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người.
Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng họp bàn kế hoạch tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu