Cách viết báo của Bác vừa gần gũi, giản dị nhưng khúc chiết, uyên bác, thể hiện rất rõ ràng quan điểm đấu tranh vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho đất nước mình, đồng bào mình và cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Mỗi bài nói, bài viết của Bác thường chỉ từ 150 đến 200 từ nhưng có sức mạnh tư tưởng rất lớn, cổ vũ hàng triệu đồng bào và chiến sỹ. Trước hết, Bác quan niệm “tiếng mẹ đẻ” là tài sản vô cùng quý báu của dân tộc, bởi qua hàng ngàn năm, ông cha ta đã nâng niu, chắt lọc và phát triển ngôn ngữ Việt phong phú như ngày hôm nay. Bác luôn nhắc nhở mọi người có trách nhiệm quý trọng, giữ gìn và phát triển để tiếng Việt ngày càng hoàn thiện. Qua nhiều bài báo của Hồ Chủ tịch, chúng ta thấy Người rất coi trọng cách diễn đạt. Muốn viết một bài báo, trước hết phải xác định rõ chủ đề, đối tượng và mục đích. Bác thường nhấn mạnh: Viết về cái gì? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Viết cho ai đọc? Theo Người, có nắm vững đối tượng của bài viết và hiểu thấu đáo bài báo đó, mới tìm ra cách viết phù hợp. Trong từng bài viết của Người chúng ta đều thấy rõ, với đối tượng là nhân dân lao động thì ngôn từ ngắn gọn và giản dị, với những người có trình độ học vấn cao thì Người lại có cách nói uyên bác nhưng nói ít hiểu nhiều. Hai yếu tố quan trọng trong cách viết của Bác là chân thực và ngắn gọn, các nội dung thông tin phải thiết thực và bắt nguồn từ thực tế cuộc sống. Những sự kiện và con số phải rõ ràng, chính xác, có đầu có đuôi và phải được xem xét, kiểm tra kỹ lưỡng. Văn phong của Bác luôn luôn trong sáng dễ hiểu, bởi Người luôn gần gũi, gắn bó với nhân dân, học hỏi tinh hoa đạo đức, cách nói, cách làm của nhân dân, lắng nghe cán bộ, chiến sĩ, đồng bào... Chưa nghe, chưa thấy, chưa kiểm tra chính xác thì Người chưa viết. Từ kinh nghiệm của bản thân, Bác khuyên nên viết ngắn và phải có lập trường phân biệt “ta, bạn, thù” thì bài báo mới trở thành vũ khí sắc bén. Quan điểm của Bác “văn không chỉ là văn, văn cũng chính là người”…
Bác có thói quen khi đọc, mắt vừa xem và ngón tay vừa đưa theo theo dòng chữ, thỉnh thoảng dừng tay ghi chép hoặc đánh dấu để dễ nhận biết những chỗ cần chú ý, những số liệu và thông tin cần xử lý. Đọc báo, nếu thấy có gương người tốt việc tốt, Bác dùng bút chì màu đỏ đánh dấu để thưởng huy hiệu, chỗ nào cần lưu ý Bác đánh dấu (X) hoặc dấu (?)… Một bài báo, có những chỗ Bác phải đọc lại nhiều lần để hiểu cho kỹ hoặc trích tư liệu vào cuốn sổ nhỏ để sử dụng khi viết báo. Sách báo đọc xong, Bác thường gửi biếu những nơi đang cần. Sách báo cần làm tư liệu, Bác giữ lại nhưng sử dụng xong lại gửi đi. Những năm cuối đời, dù sức khoẻ rất yếu nhưng sách báo vẫn là món ăn tinh thần và phương tiện thông tin không thể thiếu của Bác.
Bác Hồ còn là một tấm gương tự học, Người từng nói: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”. Phát biểu với sinh viên một trường Đại học ở nước ngoài, Người nói: “Khi còn trẻ, tôi không có dịp đến trường học. Cuộc sống và công việc là trường đại học của tôi. Trường học ấy đã dạy cho tôi khoa học xã hội, khoa học quân sự, lịch sử và chính trị. Nó dạy cho tôi yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ và hòa bình; căm ghét áp bức, ích kỷ…”. Bác học ngoại ngữ, học viết báo, nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin; nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, đặc biệt là văn hóa Phương Đông và văn hóa Phương Tây. Người biết và sử dụng thông thạo trên mười ngoại ngữ nhờ tự học chứ không qua một trường đào tạo chính quy nào. Người học ở sách báo, đồng nghiệp, bạn bè, nhân dân. Người còn học từ thực tiễn sinh động ở các nước đế quốc, thuộc địa, ở phong trào cách mạng trên thế giới.
Kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam trong khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc thực hành theo phong cách viết báo, đọc báo của Người là một hành trình đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực của mỗi cá nhân. Đó là một quá trình liên tục, gian nan, tự đấu tranh để hoàn thiện bản thân để làm tốt hơn trách nhiệm xã hội. “Muốn tiến bộ, muốn viết hay thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện”, lời của Bác thật ngắn gọn, dễ hiểu, vừa như dạy bảo, vừa như khuyên nhủ, động viên đối với mỗi chúng ta, không chỉ trên lĩnh vực báo chí mà trên mọi nhiệm vụ của người chiến sĩ cách mạng trước Tổ quốc, trước Đảng và nhân dân. Chính vì vậy, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, mỗi cán bộ, chiến sĩ cần noi theo tấm gương tự học của Bác, càng cần thiết phải học tập cách nói, cách viết báo, đọc báo của Người.