Các nữ chiến sĩ Trường Sơn hôm nay.
Tại buổi lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1/3/1923-1/3/2023) vừa tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM, chúng tôi rất xúc động khi gặp các nữ chiến sĩ Trường Sơn từng là lính của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Các chị cho biết: cái tên “Nữ chiến sĩ Trường Sơn” bao gồm tất cả những chị em phụ nữ đã từng sống, chiến đấu tại Trường Sơn đỏ lửa. Các nữ chiến sĩ Trường Sơn vừa cầm súng chiến đấu, vừa có mặt trên tất cả các mặt trận như: rà phá bom mìn, san núi mở đường, làm cầu, lái xe, dân công hỏa tuyến, tiếp lương, tải đạn, giao liên, hậu cần, quân y… Đa số là những cô gái trẻ lứa tuổi 18, đôi mươi luôn lạc quan yêu đời và đầy khí thế ra trận. Dù chị em mỗi người một quê nhưng thương yêu nhau như chị em một nhà. Những cô gái Trường Sơn ngoài tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường, họ còn mang vẻ đẹp dịu dàng, nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam.
Gặp lại những nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa, tôi như gặp những cô gái huyền thoại từ trang sách bước ra… Trước mắt tôi, các chị tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn mang vẻ đẹp mà chỉ những cô gái Trường Sơn mới có được, đó là tấm lòng yêu thương rộng mở và bản lĩnh phi thường.
Thiếu tá Cao Thị Thanh Thủy, nguyên Trung đội trưởng Tiểu đoàn 21, Trung đoàn 529, Sư đoàn 472 là một trong những nữ chiến sĩ có mặt tại Trường Sơn đỏ lửa trong những năm chiến tranh khốc liệt, khi mà mỗi ngày địch dội hàng ngàn tấn bom và chất độc hóa học xuống Trường Sơn hòng hủy diệt sự sống con người để ngăn bước tiến như vũ bão của quân giải phóng. Thế nhưng không sức mạnh bom đạn nào có thể nào lay chuyển nổi ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân ta với lời thề thiêng liêng: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn thì chúng ta cũng phải giải phóng cho được miền Nam ruột thịt…” như lời Bác Hồ đã dặn.
Một buổi họp mặt của các nữ chiến sĩ Trường Sơn.
“Giải phóng miền Nam rồi các đồng chí ơi…”
Nhớ lại những ngày đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, nữ Thiếu tá Thanh Thủy không khỏi bồi hồi: “Bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, toàn quân và toàn quân ta phấn khởi lắm em ạ. Lúc đó khí thế ra trận tưng bừng, ai nấy đều quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đơn vị công binh của chị ngày đêm mải miết xẻ núi, đào đất, san nền…khẩn trường mở tuyến đường phía Đông Trường Sơn thuộc khu vực tỉnh Quảng Nam. Khi mở đến những “khúc cua khủy tay” đầy khó khăn hiểm trở, nhưng chị em vẫn quyết tâm hoàn thành để đảm bảo thông xe. Cho đến nay chị vẫn nhớ mãi buổi trưa ngày 30-4-1975 hôm ấy, khi mọi người đang cắm cúi mở đường thì nghe có tiếng reo hò: “Quân ta đã giải phóng Sài Gòn rồi các đồng chí ơi! Hoan hô miền Nam hoàn toàn giải phóng…”. Phải mất vài giây sững sờ trước “sự thật mà cứ ngỡ trong mơ”, hồi sau tụi chị mới bừng tỉnh và vội quăng hết cuốc xẻng, lao đến ôm chầm lấy nhau mà reo hò mừng vui đến khản cả tiếng. Sau giây phút vui mừng thì chị em lại bỗng òa khóc nức nở vì nhớ đến những đồng đội mới hy sinh chỉ mới ngày hôm qua thôi…”
Khoảnh khắc “vui sao nước mắt lại trào” ấy thật xúc động, bởi ai cũng thấm thía cái giá quá đắt phải trả cho chiến thắng hôm nay. Chị Thanh Thủy rưng rưng: “Cho tới tận bây giờ, chị vẫn không quên được cái ngày định mệnh ấy, đó là lúc chị em đang ngồi ăn trưa thì bỗng có tiếng nổ ầm trời kéo theo một tảng đá lớn đổ ập xuống vùi lấp 7 cô gái mở đường khi họ còn quá trẻ, chỉ mới 19, 20 tuổi...”. Thấy chúng tôi đau lòng, chị giải thích thêm: “Rừng Trường Sơn ngày ấy tuy rất đẹp nhưng cũng rất khốc liệt em ạ, ở đó ngoài bom đạn của kẻ thù trút xuống giết hại, còn biết bao tai ương khàc gây chết chóc như: bom đạn, chất độc hóa học, sốt rét rừng, lũ cuốn trôi, núi đá vùi lấp, đói khát.. Nếu không có sức mạnh của lòng yêu nước và ý chí chiến đấu quật cường và tình đoàn kết đồng chí, đồng đội… thì khó mà vượt qua. Nhắc đến tình đồng đội, chị Thủy nhớ kỷ niệm: “Một lần, chợt có cơn lũ lớn bất ngờ tràn về cuốn phăng mọi thứ, trong đó có chị. Đang bị lũ cuốn trôi xa, chị thấy có ai đẩy chị vào bờ, khi vào đến nơi quay lại xem cứu mình thì chỉ thấy dòng lũ cuồn cuộn…Cho tới tận bây giờ chị vẫn mang ơn người đồng đội ấy đã chết thay cho mình được sống, vì thế với chị hai chữ Trường Sơn rất đỗi thiêng liêng…”
Chuyện của chị Lê Thị Luận, nữ Thanh niên xung phong (TNXP) mở đường Trường Sơn cũng đầy máu và nước mắt. Chị nhớ hồi cùng các nữ chiến sĩ TNXP trong đơn vị mở tuyến đường 15, 20 qua khu Phong Nha của tỉnh Quảng Bình, bất ngờ núi đá đổ sập vùi chết 80 người chiến sĩ mở đường. Trước sự hy sinh mất mát quá lớn đó, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ra lệnh xây ngay các hầm chữ A để tránh bom và tránh núi sập, từ đó quân ta được đảm bảo an toàn tình mạng hơn. Có mặt ở chiến trường những ngày đỏ lửa ấy, các nữ Trường Sơn mới hiểu giá trị của ngày hòa bình hôm nay. Có cô gái dũng cảm nào hơn những cô gái Trường Sơn khi mà máy bay địch đến đội bom, các cô leo lên ngọn cây đếm từng quả bom rơi để đợi máy bay địch bay đi, các cô lao ra lấp hố bom, phá những quả bom chưa nổ để đảm bảo thông cho đoàn xe bộ đội đi qua. Có những nơi vẫn còn bom đạn, các cô cầm cờ đứng làm cọc tiêu để bộ đội đi qua an toàn. Ở những nơi cầu bị phá sập, các cô dầm minh dưới sông làm “cầu người” để chở thương binh và vũ khí qua sông…
Chị Nguyễn Thị Bình và chị Trần Thị Ngọc Minh là đôi bạn cùng ở Sư đoàn bộ 473 chuyên lo về vật tư, khí tài. Mỗi lần nhắc lại kỷ niệm Trường Sơn, các chị vẫn rưng rưng nước mắt. Câu nói vô tình của chị Bình cứ theo tôi suốt dọc đường về: “Em ạ, làm sao mà kể xiết những kỷ niệm không thể nào quên trong những ngày sống chiến đấu ở Trường Sơn, chỉ biết rằng nơi ấy vừa đẹp, vừa thiêng liêng, vừa hết sức khốc liệt…đến nỗi chị đã dặn con chị rằng: “Trước khi nào mẹ qua đời, các con cứ mở các bài hát về Trường Sơn để tâm hồn mẹ thanh thản bay lên nhé…”. Ôi, các chị đã dành cả thanh xuân và trái tim mình cho Trường Sơn cũng như công cuộc các mạng giải phóng miền Nam, như thế thì quả là “không kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi...”
Ngọn lửa yêu nước cháy mãi…
Hôm đến gặp các nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa đang sinh sống tại TPHCM, tôi tình cờ được dự buổi họp giao ban của Ban Liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn TPHCM. Trước mắt tôi là các chị vẫn còn khỏe, rất khí thế và rất dịu dàng, nhân hậu...
Nói về cuộc sống của những nữ chiến sĩ Trường Sơn từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay, Trung úy Vũ Thúy Hòa, nguyên Tiểu đội trưởng đội Công binh, Đại đội 14, Trung đoàn 6, Sư đoàn 473, hiện là Phó Chủ tịch Hội Chiến sĩ Trường Sơn đường Hồ Chí Minh toàn quốc; Phó ban liên lạc truyền thống Trường Sơn TPHCM, kiêm Trưởng ban liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn TPHCM cho biết: “Hiện có gần 33.000 hội viên nữ chiến sĩ Trường Sơn đang sinh sống trên địa bàn cả nước. Riêng TPHCM có gần 300 hội viên, chị em đang sinh hoạt tại các Phân ban liên lạc của các quận, huyện trong TP…”. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, các nữ chiến sĩ Trường Sơn tạm rời tay cuốc tay xẻng và vũ khí để lao vào sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ đã dặn. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ nơi công tác, các chị nghỉ hưu trở về đời thường nhưng vẫn tiếp tục tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh tại địa phương, đồng thời tham gia nhiều hoạt động từ thiện xã hội khác…Nhờ tác phong, đức độ chuẩn mực nên các chị được bà con tín nhiệm bầu vào nhiều “chức danh không lương” chuyên “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”như: cấp ủy Đảng, Hội đồng Nhân dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng dân phố… nhiều năm liền.
Trong đợt dịch covid vừa rồi, các chị tham gia trực chiến các chốt chặn, vận động được hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men… giúp đỡ bà con nghèo vùng tâm dịch. Các chị còn trao tặng hàng chục nhà tình nghĩa, tình thương, khám chữa bệnh giúp đỡ người nghèo, trẻ em mồ côi bất hạnh… Đặc biệt, các chị còn mở các cuộc “hành quân” mới từ suốt dọc đường Trường Sơn (nay được đổi tên thành đường Hồ Chí Minh mang tên Bác thiêng liêng) để chăm lo đời sống cho đồng đội cũ là các chiến sĩ Trường Sơn năm xưa. Chiến công trong thời bình của các nữ chiến sĩ Trường Sơn hôm nay không thua kém gì chiến công thời bom đạn năm xưa, chính vì thế các chị đã được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền khen tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó phần quà đáng quý nhất mà các chị để lại cho lớp trẻ là ngọn lửa yêu nước cháy mãi đến muôn đời sau…