Cùng với đó là công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1); Tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi (Nhà thiếu nhi thành phố, Quận 3)... Đây là những di tích, địa danh, công trình hiện hữu-một trong những điểm nhấn của Không gian văn hóa (KGVH) Hồ Chí Minh. Chỉ tính riêng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP Hồ Chí Minh hiện đang lưu giữ 30.923 tài liệu, hiện vật, được ghi chép, lập hồ sơ, dữ liệu đưa vào phần mềm quản lý, nhằm xây dựng đề cương tuyên truyền, trưng bày, triển lãm cố định và lưu động để quảng bá rộng rãi về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ trưng bày nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật quý giá có sức lan tỏa sâu rộng niềm tôn kính Bác, ở các di tích, địa danh này còn hội tụ cả giá trị nghệ thuật, kiến trúc trong điêu khắc, xây dựng thể hiện tình cảm sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo TS Trương Đức Thuận (Tạp chí Cộng sản), những công trình này vừa là nơi để người dân trên mọi miền Tổ quốc, bạn bè quốc tế đến tham quan, chiêm ngưỡng, vừa là "địa chỉ đỏ" cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, LLVT thành phố đến dâng hương, tham quan. Nhiều đơn vị còn xem đó là điểm đến để thực hiện các hoạt động chủ điểm, sinh hoạt chính trị gắn liền với tấm gương, đạo đức của Bác, thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Trong hành trình du lịch thành phố, các địa điểm gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng trở thành điểm đến lý tưởng, không chỉ đẹp về cảnh quan, hài hòa trong tổng thể mà còn mang đậm ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng. Các tour du lịch khép kín, bao gồm nhiều di tích, địa danh, như: Bến Nhà Rồng, Cột cờ Thủ Ngữ, Bến Bạch Đằng, công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội trường Thống Nhất, Nhà lưu niệm Bác Hồ... luôn có sức hút đối với du khách thập phương khi tham quan TP Hồ Chí Minh.
Trong chủ trương xây dựng KGVH Hồ Chí Minh, các di tích, địa danh gắn với Bác Hồ được thành phố xác định đầu tư, bảo tồn để những KGVH vật thể này ngày càng phát huy giá trị trong KGVH Hồ Chí Minh. Cùng với đó là KGVH phi vật thể gồm những di sản, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... được học tập, quán triệt, trở thành hồn cốt trong mỗi người dân thành phố. Ngay tại những di tích, địa danh này phải bao hàm đầy đủ giá trị tư tưởng, di sản Hồ Chí Minh nhằm thẩm thấu, lan tỏa mạnh mẽ niềm tôn kính Bác một cách tự nhiên, sâu sắc. TS Đào Tuấn Hậu (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), cho rằng: Về lâu dài, các di tích, địa danh ghi dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố cần được xem xét, dành sự quan tâm thỏa đáng trong một tổng thể hài hòa của KGVH Hồ Chí Minh để phát huy cao độ giá trị lịch sử, văn hóa trong cộng đồng.