Đại tá Huỳnh Tấn Hùng, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu (thứ 2 bên phải) báo cáo với Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu về tiến độ thành lập Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5.
Ngành Hau cần Quân khu tham mưu Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo PCD; Ban chỉ huy lâm thời phòng thủ dân sự; xây dựng kế hoạch về điều chỉnh tiếp nhận, cách ly, đáp ứng từng cấp độ dịch Covid-19; kịp thời ban hành các chỉ thị, quy định về công tác PCD Covid-19. Điều chỉnh nội dung, chương trình, kế hoạch huấn luyện bảo đảm giãn cách, phù hợp với quy định PCD. Chỉ đạo hậu cần các đơn vị, địa phương triển khai huấn luyen, tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, chiến sĩ tham gia PCD.
Cuối tháng 4/2021, tình hình dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội trong đó có LLVT Quân khu. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, “Vì sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết”, “Giúp dân là chức năng, nhiệm vụ chính trị, là mệnh lệnh trái tim của người chiến sĩ”. Cục Hậu cần kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung, kiện toàn đội ngũ cán bộ các cấp; triển khai bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác Đảng, công tác chính trị cho đội ngũ cán bộ tham gia PCD. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, thi đua, khen thưởng, kịp thời biểu dương gương điển hình tiên tiến tạo sự lan tỏa sâu rộng trong từng cơ quan, đơn vị. Cán bộ, chiến sĩ Cục Hậu cần Quân khu, đặc biệt là lực lượng y, bác sỹ không quản ngại hy sinh, gian khổ, sẵn sàng tham gia thực hiện nhiệm vụ tuyến đầu PCD Covid-19; nhường doanh trại để thành lập khu cách ly, bệnh viện dã chiến; chăm sóc chu đáo, phục vụ tận tình, an toàn người dân bị nhiễm Covid-19; tiếp nhận, bảo quản, cấp phát, vận chuyển vaccine; vận chuyển đưa người dân đi cách ly và hoàn thành cách ly trở về gia đình; giúp Nhân dân vận chuyển, tiêu thụ nông sản; kịp thời cung cấp lương thực, thực pham, nhu yếu phẩm cho Nhân dân để vượt qua khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Đại tá Huỳnh Tấn Hùng, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu (bìa phải) kiểm tra công tác tăng gia tại tỉnh Long An.
Đầu tháng 8, tình hình dịch diễn biến phức tạp ở Bình Dương, Cục Hậu cần kịp thời tham mưu triển khai Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5B với quy mô 500 giường. Khi dịch có nguy cơ lây nhiễm vào các đơn vị trong Quân khu kịp thời tham mưu triển khai Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5C, nhanh chóng khoanh vùng, dap dịch, chỉ trong 10 ngày khống chế được sự lây lan của dịch trong đơn vị.
Khi lực lượng quân y huy động, tăng cường cho Quân khu đông, có lúc hơn 1.900 y, bác sỹ, nhân viên y tế. Cục Hậu cần triển khai kế hoạch, sử dụng khoa học, hợp lý lực lượng cán bộ, nhân viên y tế của Quân khu và lực lượng Bộ Quốc phòng tăng cường cho các bệnh viện, các địa phương thực hiện nhiệm vụ PCD. Thành lập 390 tổ quân y cơ động; 8 tổ chuyên khoa tăng cường; 51 tổ truy vết; 23 tổ xét nghiệm; 129 tổ lấy mẫu, xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2; 2 tổ xét nghiệm RT-PCR; 51 tổ tiêm vaccine; 685 tổ quân y lưu động; 852 điểm cách ly, cơ sở điều trị. Đến nay, các lực lượng quân y của Quân khu lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho hơn 60.00 mẫu, tiêm vaccine hơn 150.000 mũi cho quân nhân và Nhân dân, bảo đảm an toàn tuyệt đối; thu dung, điều trị hơn 20.000 F0 khỏi bệnh.
Khi thực hiện giãn cách xã hội, hàng hóa, lương thực thực phẩm khan hiếm. Cục Hậu cần chủ động hiệp đồng hai chiều với Cục Hậu cần các Quân khu 5, 7, 9, Quân đoàn 3, 4 để huy động lương thực, thực phẩm, vật chất hậu cần sẵn sàng bảo đảm cho Nhân dân khi chuỗi cung ứng của địa phương bị đứt gẫy. Hướng dẫn, chỉ đạo hậu cần đơn vị, địa phương chủ động hiệp đồng, phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở cung cấp lương thực, thực phẩm có uy tín để bảo đảm hậu cần. Tích cực phối hợp với chính quyền và Nhân dân địa phương tạo nguồn lương thực, thực phẩm. Chỉ đạo hậu cần các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tăng gia sản xuất gắn với căn cứ Hậu cần - Kỹ thuật, tạo nguồn thực phẩm an toàn, ổn định trong PCD. Tích cực nghiên cứu triển khai thực hiện những mô hình mới, cách làm hay như: Trồng nấm bào ngư, rau xanh trong chậu, chuối cấy mô; nuôi ong mật, nuôi bò sữa, bò siêu thịt theo hướng công nghiệp khép kín; lắp dây truyền sản xuất thịt hộp, cá hộp, hệ thống máy chế biến giò chả, làm đậu phụ, bánh mì, bánh cuốn, ngâm ủ giá đỗ, muối nén rau củ quả, lắp đèn sử dụng năng lượng mặt trời bắt côn trùng,... đã đem lại nguồn thu cho đơn vị, góp phần cải thiện nâng cao đơi sống bộ đội; đồng thời trích một phần sản phẩm tăng gia sản xuất hỗ trợ giúp đỡ Nhân dân có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch.
Đại tá Huỳnh Văn Mầm, Chính ủy Cục Hậu cần (thứ 3 bên trái) tặng quà Bệnh viện quân dân y miền Đông.
Trong điều kiện triển khai cùng lúc nhiều địa điểm cách ly, chốt kiểm soát, bệnh viện dã chiến. Cục Hậu cần chỉ đạo bảo đảm kịp thời nơi ăn, ở, doanh cụ cho các lực lượng phòng, chống dịch. Tham mưu khai thác, tạo nguồn, tiếp nhận và cấp phát đầy đủ, kịp thời cho các đơn vị, địa phương các loại vật chất doanh trại với tổng trị giá gần 89 tỷ đồng, trong đó hơn 700 nhà bat, 14 bộ máy phát điện, 1.100 bộ dụng cụ sinh hoạt, 45 tủ sắt, 120 bộ giường sắt 2 tầng.
Thực hiện Phong trào thi đua “Chống dịch, cứu dân”, Cục Hậu cần kêu gọi các đơn vị tặng sản phẩm tăng gia sản xuất; huy động mọi nguồn lực xã hội hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế, rau, củ, quả cho Nhân dân; tham gia chương trình 1.000, 5.000, 20.000, 100.000 phần quà, “Đơn hàng thiết yếu 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng”… để giúp đỡ Nhân dân vượt qua khó khăn trong đại dịch. Riêng Cục Hậu cần huy động tặng các bệnh viện dã chiến gần 400 thùng mì tôm, 80 thùng sữa tươi, 10 tấn rau củ quả và các nhu yếu phẩm khác; tặng 4 phần quà cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19; 250 phần quà cho cán bộ, nhân viên, người lao động gặp khó khăn bởi dịch Covid-19; 130 phần quà cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá trên 1,5 tỷ đồng.
Thời gian tới, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, hơn lúc nào hết cán bộ, chiến sĩ Cục Hậu cần tiếp tục phát huy truyền thống “Chủ động sáng tạo, tự lực tự cường, kịp thời đồng bộ, an toàn tiết kiệm”, đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, linh hoạt, sáng tạo, cùng với LLVTQK, các cấp, các ngành, các lực lượng xung kích trên tuyến đầu chống dịch, đẩy lùi dịch Covid-19, đem lại cuộc sống bình thường mới cho Nhân dân, góp phần tô thắm truyen thống “Miền Đông gian lao mà anh dũng”, làm sáng đẹp hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng Nhân dân.