Kể chuyện ngày chiến thắng.
Riêng ký ức năm tháng góp tuổi xuân cho sự nghiệp giải phóng đất nước in sâu trong trái tim bà với niềm tự hào. Năm 1969, trong một chuyến chuyển công văn, bị chỉ điểm nhưng bà mưu trí quăng tài liệu xuống sông, bọn địch bắt bà bỏ tù với những trận đòn tra tấn vẫn không khai thác được gì nên thả ra và đưa vào diện theo dõi đặc biệt. Tổ chức thấy bà không thể tiếp tục hoạt động trong cơ sở nên 1970 bà nhận công tác mật hoạt động vùng Kiến Tường với tên Nguyễn Thị Hằng.
Lúc đó chồng bà đang ở tù Côn Đảo, bà phải gửi con trai thứ hai vừa tròn tháng tuổi cho người thân. Bọn lính trong các đồn đóng trên địa bàn Kiến Tường rất mê sự duyên dáng, xinh đẹp, khéo ăn nói của cô nên chúng không ghi ngờ điều gì. Nhờ vậy bà khai thác được nhiều thông tin quý báu về cơ sở, giúp ta ngăn chặn, đánh úp nhiều trận càn của địch, thu nhiều vũ khí, tiêu hao nhiều sinh lực địch.
Bà Đặng Thị Chung chia sẻ: Trong chiến tranh, chiến đấu quên mình chỉ mong góp sức để đất nước hòa bình bà và đồng đội không sợ gian khổ, không sợ tù, không sợ chết. Bây giờ độc lập, tự do, hạnh phúc, no ấm thì bà chỉ mong mình có nhiều sức khỏe để làm những việc nhỏ cho đồng đội gặp khó khăn, xây dựng tình làng nghĩa xóm thêm tốt đẹp.
Còn với cựu nữ pháo binh Lê Thị Đeo, 45 năm trở về với cuộc sống đời thường nơi vùng biên giới Đức Huệ vẫn là một “hoa pháo” luôn tỏa sáng. Dù còn gian truân với cuộc sống thường ngày, nhưng “chất lửa” trong bà vẫn luôn cháy sáng cả trong suy nghĩ và hành động.
Qua 15 năm làm công tác hòa giải, bà Lê Thị Đeo giúp hàn gắn tình nghĩa vợ chồng, tình láng giềng, anh em của rất nhiều gia đình trong ấp. Riêng việc vận động mạnh thường quân xây dựng 3 cây cầu bắc qua kênh, vận động bà con hiến đất mở đường liên ấp, quyên góp giúp đỡ hộ nghèo, bà được UBND tỉnh Long An tặng bằng khen.
Và thời hoa lửa của hơn 45 năm về trước vẫn nguyên vẹn trong ký ức người nữ pháo binh này. Đó là các trận đánh vào đồn Cần Đốt, vành đai Rạch Kiến, Bình Tịnh, Hiệp Thạnh… gây cho địch nhiều thiệt hại. Đó là các trận nã pháo trúng Dinh Tỉnh trưởng Hậu Nghĩa, bẻ gãy trận càn của địch vào Đức Lập diệt 30 tên Mỹ. Vừa phối hợp bộ binh đánh đồn bót, vừa tập kích đánh dã ngoại, pháo kích vào các cụm pháo địch ở Quéo Ba, Hiệp Hòa, Hậu Nghĩa, Kinh Xáng. Mậu Thân 1968, Đội nữ Pháo binh Long An đưa pháo vào nội đô, nã vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Riêng với những người lính Trung đoàn 320 thì mảnh đất Long An, nơi có đôi dòng sông Vàm Cỏ vẫn vẹn nguyên ký ức hào hùng, sâu sắc tình đồng đội, tình cảm chở che đùm bọc của bà con. Vốn là đơn vị chủ lực đầu tiên chi viện cho chiến trường miền Nam với những trận đánh lớn lập chiến công hiển hách trên chiến trường Tây Nguyên vào năm 1969. Sau đó đơn vị được lệnh tăng cường cho chiến trường Long An, toàn mặt trận Long An đồng loạt nổ súng khởi đầu cho những trận tiến công tiêu diệt hàng ngàn tên địch, đồn bót khiến quân thù khiếp vía. Điển hình như trận Hiệp Thạnh, trận Cầu Bến Lức, trận Mộc Hóa, trận kênh Dương Văn Dương...Những người lính Trung đoàn 320 một lòng xả thân, bám trụ, chiến đấu anh dũng góp sức tạo cho Long An thế đứng vững vàng trước cửa ngõ Tây Nam Sài Gòn cho đến ngày toàn thắng 30/4 lịch sử.
Ông Cao Nguyên Hoài, Trưởng ban liên lạc Trung đoàn 320 không giấu được tự hào và đan xen nhiều cảm xúc: Chúng tôi lúc đó không sợ bom đạn, không sợ hi sinh. Đặt chân vào chiến trường miền Nam, đứng chân trên mảnh đất Long An cùng với sự giúp đỡ của chính quyền và Nhân dân quyết chiến đấu cho đến cùng và đến giờ chúng tôi luôn tự hào về điều đó. Trong số hơn 1.700 đồng đội Trung đoàn hi sinh trên mảnh đất Long An, hiện nhiều anh em chưa tìm được hài cốt, đó là nỗi trăn trở của những người còn sống.
Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng ký ức của những người trong cuộc vẫn tươi xanh để rồi họ tiếp tục góp sức xây dựng xóm làng, quê hương và đồng đội. Chúng ta vô cùng trân trọng, tri ân sâu sắc các thế hệ đi trước đã đánh đổi tuổi xuân, hi sinh xương máu để đổi lấy đất nước độc lập, một dân tộc tự do, một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.