Từ thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, chúng ta có thể rút ra mấy bài học kinh nghiệm quý sau:
Thứ nhất: Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị sớm đánh giá đúng kẻ thù, có chủ trương, đường lối phù hợp lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ (1954-1960). Đánh giá đúng bản chất, âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (7/1954) chỉ rõ: “Đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của Nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới và hiện đang trở thành kẻ thù chính, trực tiếp của Nhân dân Đông Dương”. Hội nghị lần thứ 15 (1959) Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) chỉ rõ: Mỹ - Diệm chẳng những là kẻ thù của Nhân dân miền Nam đang bị chúng thống trị mà còn là kẻ thù của cả dân tộc Việt Nam, của Nhân dân miền Bắc được giải phóng.
Trong Diễn văn khai mạc Đại hội lần thứ III của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nhân dân ta từng chịu đau khổ vì bọn đế quốc và ngày nay còn bị bọn Mỹ - Diệm chia cắt đất nước, giày xéo miền Nam. Ngày nào mà chưa đuổi được đế quốc Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta, chưa giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị tàn bạo của Mỹ - Diệm thì Nhân dân ta vẫn chưa thể ăn ngon ngủ yên”. Từ nhận định này, Đảng ta xác định: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân”. Với chủ trương đúng đắn đó, phong trào Đồng Khởi ở miền Nam Việt Nam nổ ra và nhanh chóng phát triển thành cao trào, khởi nghĩa từng phần và giành thắng lợi, đưa cách mạng miền Nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.
Thứ hai: Đảng lãnh đạo giữ vững và phát triển thế tiến công, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ-ngụy (1961-1965). Để đối phó với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng miền Nam, chiếm lại những địa bàn, vùng dân cư đã mất sau cuộc Đồng Khởi của ta, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Đây là chiến lược đầu tiên trong ba loại chiến tranh nằm trong chiến lược quân sự toàn cầu “Phản ứng linh hoạt” của Mỹ.
Trong những năm 1961-1964, Nhân dân miền Nam vừa đấu tranh, vừa chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng với sự chi viện hiệu quả từ miền Bắc. Nhiều trung đoàn chủ lực miền Nam được thành lập. Tích cực mở rộng căn cứ cách mạng, phát triển chiến tranh du kích, tăng cường đánh phá các căn cứ quân sự xung yếu của địch như sân bay, kho tàng, bến cảng, phá hệ thống ấp chiến lược do địch lập ra, liên tiếp giành thắng lợi trên các chiến trường. Điển hình là trận Ấp Bắc (1/1963), Chiến dịch Bình Giã (12/1964 đến 1/1965), Ba Gia (5/1965 đến 7/1965), Đồng Xoài (5/1965 đến 7/1965).
Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (3/1965) và lần thứ 12 (12/1965) trên cơ sở phân tích khoa học, so sánh lực lượng giữa ta và địch, Trung ương khẳng định sự thất bại không tránh khỏi của đế quốc Mỹ và hạ quyết tâm động viên lực lượng cả nước giữ vững chiến lược tấn công, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế, kiên quyết đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thứ ba: Đảng ta chỉ đạo phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp, kết hợp chặt chẽ các mặt đấu tranh; kết hợp tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công để giành thắng lợi quyết định. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, Đảng ta động viên và phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của chiến tranh Nhân dân. Đó là sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc vừa chiến đấu, xây dựng, vừa chi viện đắc lực sức người, sức của cho miền Nam, kết hợp với sức mạnh của đồng bào và chiến sĩ miền Nam trực tiếp trên tuyến đầu đánh Mỹ và thắng Mỹ. Đảng ta chỉ đạo kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; kết hợp khởi nghĩa với chiến tranh cách mạng; đánh địch bằng ba mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận; trên cả ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị; kết hợp chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy, thực hiện đánh địch trên mọi quy mô: đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ của lực lượng vũ trang ba thứ quân; thực hiện làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để giành quyền làm chủ.
Thứ tư: Nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, tạo thế và lực, tạo thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giành thắng lợi trọn vẹn. Sau Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Trị Thiên - Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị nhận định: “Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn, chưa bao giờ ta có đủ điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân ở miền Nam để tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”. Thời cơ chiến lược đã đến, ngày 27/3/1975, Bộ Chính trị chỉ thị: “Phải nhanh chóng phát động quần chúng vũ trang nổi dậy, đập tan các lực lượng kìm kẹp ở cơ sở, chiếm lĩnh các công sở.... và vận động binh sĩ địch bỏ súng đầu hàng, làm tan rã các đơn vị quân ngụy”.
Trên cơ sở những thắng lợi có ý nghĩa quyết định, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng Sài Gòn và hoàn toàn miền Nam. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, các đơn vị chủ lực của Quân đội ta thực hiện cuộc hành quân thần tốc, tiến về giải phóng Sài Gòn. 11 giờ 30 trưa 30/4/1975, các binh đoàn đột kích thọc sâu kết hợp với lực lượng bên trong nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu của địch. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 thắng lợi; Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng.
45 năm trôi qua, nhưng ký ức hào hùng và niềm tự hào về đại thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn vẹn nguyên giá trị. Chiến thắng đó sẽ mãi là động lực tinh thần to lớn để toàn quân, toàn dân ta vững bước trên con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và Nhân dân ta đã chọn: tiếp tục công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; phấn đấu vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định.