(QK7 Online) - Hình ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt ở phường 5, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh đã 97 tuổi vẫn hăng say may khẩu trang tặng người dân phòng, chống dịch Covid-19 khiến nhiều người cảm động. Tấm lòng, việc làm nghĩa tình của mẹ tạo sức lan tỏa lớn về tinh thần sẻ chia, không ngừng chung tay góp sức cùng cộng đồng đẩy lùi dịch Covid-19.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt miệt mài bên chiếc máy may khẩu trang.
Chung sức chống dịch Covid-19
Khi biết thông tin các cấp hội trên địa bàn vận động nhiều hộ may mặc, hội viên phụ nữ may khẩu trang phát miễn phí cho người dân, mẹ Quýt đã xung phong tham gia. Mọi người khuyên mẹ nên nghỉ ngơi vì tuổi cao nhưng mẹ khẳng định: Việc làm này phù hợp với sức khỏe và khả năng của mẹ, góp được gì cho đồng bào, cho công tác phòng, chống dịch là mẹ sẵn lòng. Thế là từ đó, hàng ngày mẹ cứ cần mẫn may khẩu trang từ số vải các tiệm may gửi đến. Khi những chiếc khẩu trang hoàn thành, mẹ nhờ Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh phường 5 gửi tặng người dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Gia đình và tổ chức xã hội cùng phụ giúp mẹ.
Anh Võ Quang Thủy – Con trai mẹ Ngô Thị Quýt cho biết: Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, mẹ ngồi may khẩu trang suốt ngày. Mẹ bảo, lúc mình đang có sức khỏe cứ làm việc giúp ích cho cộng đồng bằng chính cái tâm, cái tình thương, còn làm được là cứ làm, làm được cái nào hay cái đó… Chính vì vậy, gia đình cũng ủng hộ, phụ giúp một phần cho mẹ vui.
Thật xúc động khi việc may khẩu trang không phải là lần đầu tiên mẹ tham gia chung sức vì cộng đồng. Hơn 20 năm nay, mẹ vẫn thường xuyên đi xin vải ở nhiều nơi để may mền gửi tặng những người khó khăn ở các tỉnh trên mọi miền đất nước. Mẹ còn xin quần áo cũ đem về sửa, giặt sạch gửi tặng người nghèo. Cảm phục tấm lòng của mẹ, nhiều tiệm may gom các loại vải thừa mang đến cho mẹ may sản phẩm tặng người dân. Với mẹ, việc làm thiện nguyện là không tính đếm số lượng. Mẹ không cần nhớ đã gửi tặng bao nhiêu tấm mền, bộ quần áo, chiếc khẩu trang. Mẹ chỉ biết, có vải là may và ngày nào mẹ cũng may, nếu rời khỏi bàn may là mẹ buồn nên cứ tiếp tục làm tới đâu hay tới đó, mệt thì đi nghỉ chứ không có gì khó khăn, vất vả.
"Tay mình yếu mình cắt từng tấm một, chứ không được như mấy chị còn trẻ cắt từng xấp dày" - Mẹ Quýt nói.
“Bà Hai Bộ đội”
Đó là tên thân thương mà nhiều người dân ở phường 5 gọi mẹ Ngô Thị Quýt, bởi mẹ đã cống hiến cho Tổ quốc tuổi thanh xuân và những người yêu thương của mình.
Mẹ có chồng và một người con trai hy sinh trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Bản thân mẹ tham gia cách mạng từ rất sớm, trở thành cán bộ biệt động thành hoạt động tại Huế. Ba lần mẹ bị giặc bắt và tra tấn dã man, lần thứ tư, mẹ bị giặc bắt đày ra nhà tù Côn Đảo.
Những vết thương khi tham gia cách mạng khiến mắt phải của mẹ bị mù, mắt trái cũng yếu dần theo thời gian, nhưng mọi cử chỉ của mẹ rất nhanh nhẹn, đặc biệt tinh thần minh mẫn, luôn khắc phục mọi khó khăn đúng như bản chất người lính Cụ Hồ. “Mắt mình mờ thì mình sờ bằng tay, mò mò là ra liền” – mẹ nói bằng chất giọng Huế. Cũng từ đó, mẹ nghĩ ra cách xâu kim rất sáng tạo. Mẹ lấy cây tăm để luồn chỉ qua kim cực kỳ nhanh và hiệu quả.
Ông Trần Đức Ninh – Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 5, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Mẹ Ngô Thị Quýt là tấm gương luôn phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, là tấm gương đạo đức của người Mẹ Việt Nam Anh hùng. Những việc làm của mẹ tạo thêm quyết tâm, niềm tin cho các thế hệ phát huy tốt vai trò trách nhiệm với xã hội, đặc biệt trong việc chung sức đẩy lùi dịch Covid-19 hiện nay để mang lại sự bình yên, ổn định cho nhân dân.
May xong số khẩu trang nào mẹ Quýt nhờ tổ chức gửi tặng ngay số đó.
Thời chiến tranh mẹ Ngô Thị Quýt góp sức người bảo vệ Tổ quốc. Thời bình mẹ làm nhiều việc giúp ích cho xã hội. Tấm lòng của mẹ thật bao la cao cả, góp phần nêu cao tinh thần tương thân tương ái, cùng cộng đồng vượt qua những khó khăn trong đợt dịch Covid-19.
Lê Hoan