Chỉ huy các cấp của địch vẫn không lý giải được những gì đang diễn ra. Cộng quân chỉ có một tiểu đoàn đã bị thương vong nhiều do bom pháo, Quân đội Sài Gòn đã phải tung vào trận này những đơn vị thiện chiến nhất trong lực lượng tổng trừ bị, gồm Liên đoàn Biệt kích dù và Sư đoàn nhảy dù với sự yểm trợ của hàng trăm máy bay, hàng trăm khẩu pháo mà vẫn bế tắc, bị động.
Phía Quân đội Sài Gòn nhận định hướng tấn công chủ yếu của Quân Giải phóng tại miền Đông Nam bộ trong mùa khô này là Tây Ninh chứ không phải nơi khác. Cùng lúc đó, nửa cuối tháng 12-1974, các đơn vị thuộc Quân đoàn 4 lần lượt bóc gỡ hệ thống phòng thủ của địch ở đường 14 và xung quanh thị xã Phước Long, địch vẫn chưa hay biết một trận đánh lớn sắp xảy ra ở địa bàn này.
Tại núi Bà Đen, chúng ta đang làm chủ thế trận, việc xóa sổ cứ điểm này chỉ còn là thời gian. Trên trận địa, bộ đội luôn khao khát được nghe thời sự. Khi đó anh Đinh Phong là phóng viên báo Nhân dân (sau năm 1975, anh làm tại Đài Truyền hình TP.HCM) đang có mặt trên núi để đưa tin chiến sự. Nhưng, ở giữa ngọn núi bị hủy diệt tơi bời xơ xác này, cây rừng còn cháy trụi thì làm gì có báo mà đọc. Cũng chẳng có máy thu thanh để nghe đài. Thời đó cũng chẳng ai mơ sẽ có ngày được ngồi rung đùi coi ti vi tường thuật trực tiếp bóng đá như hiện nay. Có lẽ nghĩ rằng nhà báo có nhiều thông tin nên anh em đề nghị anh Đinh Phong nói chuyện cho bộ đội ở tuyến sau nghe. Anh Phong cũng rất “được” lắm, anh vui vẻ nhận lời. Tranh thủ thời gian tĩnh lặng giữa hai trận đánh, anh kể chuyện.
Cứ tưởng nhà báo nói thời sự chiến trường, bên ta, bên địch, ai dè anh say sưa nói chuyện mãi bên Liên Xô, Trung Quốc (thời đó chưa có tên nước lạ) mà lại là những chuyện từ năm nảo năm nào… Anh em nghe xong vỗ tay cũng rất… rào rào… rào rào…
Trong khi đó, sĩ quan chỉ huy địch thì đang sôi sùng sục vì đánh giằng co mãi mà không dứt điểm được vòng vây của cộng quân. Họ điên cuồng dùng bom, pháo với cường độ dữ dội hơn hòng xóa sổ đơn vị chúng tôi.
Giữa những lúc bao đạn, sống chết cận kề chiến sĩ ta đã thể hiện đỉnh cao về nhân cách, ý chí, tình đồng đội, tình quân dân... của một đội quân cách mạng.
Trinh sát Nguyễn Tuấn Hạnh tâm sự: “Sống dưới mưa bom, bão đạn, tình đồng đội cao cả hơn lúc nào hết. Đêm cuối năm trên núi rất lạnh. Mỗi người được phát một áo len, không đủ giữ ấm. Anh em làm công tác phục vụ ở phía dưới dồn hết áo lạnh cho đồng đội đang chốt giữ trận địa trên đỉnh núi. Bạn chiến đấu chia nhau từng hớp nước, từng mẩu lương khô, từng điếu thuốc lá và chia sẻ nhau cả sự nguy hiểm. Tình đồng đội đã giúp chiến sĩ ta vượt qua mọi khó khăn”.
Tôi nêu câu hỏi với anh Bùi Hữu Phúc (một trinh sát giỏi ở Đại đội 3) về điều tâm đắc nhất của anh đối với trận đánh này. Anh Phúc trải lòng: “Đó là nhân cách của người lính cách mạng, là sự chịu đựng phi thường, tinh thần chiến đấu quả cảm và niềm lạc quan yêu đời. Bom đạn, đói khát, thiếu thốn... con người không thể quen được mấy thứ đó đâu, chỉ có thể dùng ý chí để vượt qua thôi. Biết là thương vong nhiều, nhưng anh em vẫn kiên cường giữ trận địa, đêm đêm vẫn đột nhập tập kích đồn địch. Vui hơn nữa là chưa biết ngày mai mình ra sao, nhưng buổi tối trên trận địa nhìn xuống thấy thị xã Tây Ninh sáng ánh điện, xe cộ náo nhiệt, anh em chỉ mong muốn đánh tuốt xuống Tây Ninh để... chúng mình đi chơi phố. Vậy đó, ba tháng sau ước mơ lạc quan đó đã thành sự thật”.
Giữa bom đạn ác liệt, sống chết cận kề, chúng tôi càng cảm ơn những người anh em đơn vị phối thuộc súng phòng không 12,7mm và tên lửa cá nhân. Ở giữa tâm điểm của bom pháo, các anh đã bất chấp thương vong, chiến đấu rất tuyệt vời. Lưới lửa phòng không của các khiến máy bay địch không thể đổ quân xuống cứ điểm. Trực thăng chở hàng tiếp tế sợ trúng đạn của các anh nên bay tuốt lên cao thả dù, phần lớn dù hàng bị dạt ra ngoài cứ điểm. Sự quả cảm của các bạn đã giúp đơn vị chúng tôi giảm bớt sự tổn thất xương máu.
Ngay tại chiến trường khốc liệt, chiến sĩ ta vô cùng cảm động được các mẹ, các chị ở vùng giải phóng gần trận địa đã bất chấp hiểm nguy đến thăm và tiếp tế. Biết rằng trên trận địa bộ đội đang rất thiếu thốn, bà con mang đến bánh tét, trái cây, cá, thịt, rau xanh... để bồi dưỡng, động viên bộ đội.
Cảm ơn các mẹ, các chị, cảm ơn bà con Tây Ninh. Cảm ơn vùng đất gian lao mà anh dũng đã từng nuôi dưỡng, che chở chúng tôi trong những năm tháng lửa đạn đau thương. Tình cảm của đồng bào ở hậu phương luôn là nguồn động viên rất lớn đối với các chiến sĩ ngoài mặt trận. Tình quân dân cá nước là sức mạnh vô bờ bến giúp chúng ta vượt qua mọi trở ngại để đi tới thắng lợi.
Đêm 31-12-1974, Quân đoàn 4 nổ súng tiến công thị xã Phước Long. Liên đoàn 81 biệt kích dù đang bị vô hiệu hóa tại núi Bà Đen, địch đã rút “những người hùng” của họ về ứng cứu cho Tiểu khu Phước Long đang trong cơn hấp hối. Tại đó, biệt kích dù cũng bị tổn thất nặng nề trước khi Phước Long thất thủ.