Nỗi đau da cam
Bé Nguyễn Thị Yến Nhi (2015) là con thứ năm của vợ chồng anh Nguyễn Phùng Hưng - chị Phạm Thị Hạnh (1979). Trước đó, con trai đầu và thứ ba của anh chị đã mất do bệnh bại não từ nhiễm chất độc da cam. Nén nỗi đau, anh chị sinh đứa thứ năm với hy vọng giống anh thứ hai và thứ tư thì bình thường như những đứa trẻ khác, nhưng trớ trêu, nỗi đau một lần nữa lặp lại. “Tôi thương con lắm! Bác sĩ siêu âm báo tin con gái, tôi mừng rỡ bao nhiêu thì khi con bị bại não lại đau xót bấy nhiêu, lo khi mình mất đi, ai sẽ tiếp tục chăm sóc con?” - anh Hưng vừa lau nước mắt vừa ngậm ngùi chia sẻ.
Với vợ chồng anh Hưng, 2 người con trai mất vì nhiễm chất độc da cam thì nỗi đau không từ ngữ nào diễn tả hết. Bé Yến Nhi bị bại não lại như khoét sâu thêm nỗi đau ấy. “Sinh hoạt của gia đình hoàn toàn thay đổi từ khi có bé. Đi đâu phải có người chăm lo nên chỉ khi nào con ngủ, tôi mới tranh thủ đi chợ mua đồ ăn rồi vội về lo cho con. Mọi sinh hoạt ăn uống của bé chỉ tôi mới làm được. Nhiều lúc ôm con thấy chỉ cười vu vơ mà lòng tôi thắt lại...” - chị Hạnh nói.
Nhắc nhớ quá khứ, anh Hưng bật khóc: “Lúc biết con bị nhiễm chất độc da cam, tôi bủn rủn tay chân, chỉ muốn bồng con đi đến nơi nào đó cho khuất luôn. Nhưng rồi nghĩ lại dù thế nào cũng là con, mình không thể bỏ được. Thương con mà không biết làm sao, giá đổi được đời sống bình thường cho con, tôi cũng sẵn sàng...”.
Anh Hưng kể với giọng ngắt quãng nghẹn ngào và nhiều tiếng nghe không rõ, chúng tôi cảm nhận nỗi đau xót của một người cha không thể tạo tương lai tốt đẹp cho con như bao đứa trẻ khác làm anh khắc khoải... Anh chia sẻ: “Do các con bị bệnh nên kinh tế cũng khó vực, bởi làm bao nhiêu lại lo cho con bấy nhiêu. Vì con, mình phải luôn cố gắng vượt qua...”.
Đang chơi, cậu con trai 5 tuổi của anh Hưng ào tới ôm lấy ba ngước nhìn: “Sao ba “hóc” vậy”? Ôm con chặt hơn, anh Hưng khẽ nói: “Ừ, ba buồn, ba khóc...”, rồi ánh mắt anh chợt sáng lên: “Cũng may có 2 bé trai lớn lên bình thường, khỏe mạnh nên vợ chồng mình được an ủi nhiều”.
Chung tay giúp đỡ
Vợ chồng anh Hưng từ Hà Tây vào Bình Phước từ những năm 90 của thế kỷ trước. Vượt qua khó khăn ban đầu, anh chị động viên nhau vừa trồng điều vừa trồng xen đậu, bắp để dần ổn định cuộc sống... Rồi anh chị hồi hộp chờ đón đứa con đầu lòng nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, thay bằng sự đau đớn khi biết con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. “Nghĩ tới tương lai mờ mịt của con mà tôi suy sụp. Ngày lao vào làm rẫy, đêm lại ra suối mò cá đến tận 2-3 giờ sáng mới về nhà... Tôi hành xác đến kiệt sức để không phải nghĩ quẩn... Bố tôi thấy vậy đã rầy la nói tôi đang là trụ cột gia đình, phải có nghị lực để còn lo cho vợ con. Lời nói ấy giúp tôi tỉnh ngộ, “vào sinh ra tử” còn chưa bao giờ chán nản thì sao tôi mới đối đầu khó khăn đã mất hy vọng. Giờ đoàn thể xã hội quan tâm nhiều hơn nên gia đình tôi cũng được an ủi phần nào” - anh Hưng xúc động.
Chị Đoàn Thanh Nga, cán bộ y tế phường Tân Thiện tham gia lớp học “Chăm sóc giảm nhẹ” do Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam tại Bình Phước phối hợp Sở Y tế tổ chức. Sau đó, chị cùng nhiều chị em trong đoàn đến thăm và làm ghế đặc biệt giúp bé Yến Nhi ổn định tư thế nằm. Nhờ đó, chị Hạnh có thể vừa làm việc nhà vừa trông con. Chị Nga chia sẻ: “Nhìn bé, tôi thương lắm! Nay nhờ được học, tôi tự tin hơn khi tiếp xúc và biết cách hỗ trợ gia đình chăm sóc bé tốt hơn”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ánh Chí, Phó giám đốc Dự án “Chương trình thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” tại Bình Phước cho biết: “Nỗi đau do chất độc da cam là sự mất mát lớn mà chỉ những gia đình có con, em bị ảnh hưởng mới thấm thía hết khổ đau, thiệt thòi. Chúng tôi được trao nhiệm vụ và đang nỗ lực quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất có thể để những gia đình chính sách như hộ anh Nguyễn Phùng Hưng vơi đi phần nào nỗi bất hạnh vì hằng ngày vẫn phải đối chọi với nỗi đau âm ỉ. Kết nối với y tế xã, phường, chúng tôi mong muốn bệnh nhân được chăm sóc giảm nhẹ tại nhà, giải quyết nhu cầu tâm lý cho người bệnh cũng như gia đình”.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 44 năm nhưng hậu quả vẫn âm ỉ và dai dẳng. Đó là nỗi đau hiện hữu của hơn 3 triệu nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin gây hậu quả nặng nề và thảm khốc nhất trên thế giới.
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách quan tâm, động viên, hỗ trợ kịp thời nhằm xoa dịu nỗi đau mà nạn nhân chất độc da cam/dioxin phải gánh chịu. Các gia đình có nạn nhân chất độc da cam còn nhiều khó khăn, vì vậy xã hội cần tác động, chung tay nhiều hơn nữa để cuộc sống thêm phần ấm áp và nhân văn.