Tinh thần ấy đến hôm nay vẫn luôn được phát huy để vùng “đất lửa” Bình Phước năm nào đang thay da đổi thịt từng ngày, trở thành một Bình Phước “anh hùng hôm qua, bản lĩnh hôm nay”.
Bộ độ chủ lực Bình Phước diễn tập chiến thuật cấp đại đội.
ANH HÙNG HÔM QUA
Chúng tôi đến gặp những cựu binh năm xưa từng tham gia vào cuộc chiến, nay đều đã trên 80 tuổi. Thính giác đôi lúc không còn rõ, nhưng khi nghe tôi nhắc đến những từ “chiến thắng Bình Long, Chơn Thành”, những người lính năm nào đều vô cùng hồ hởi kể lại. “Khi đó, mình chuẩn bị đánh xiết vòng vây, không cho địch chạy. Vì ở trên biết địch thế nào cũng chạy nên ông Lê Hùng, Tỉnh đội phó lúc đó nói anh em mình phải chuẩn bị xiết lại, không cho địch chạy. Mấy anh em mới nấu cơm vắt lận lưng xong rồi ra tới nơi là 1, 2 giờ sáng, tiếp cận chặn đường Quốc lộ 13 trước” - ông Phan Văn Khánh, nguyên Trưởng ban Tham mưu, Ban CHQS huyện Hớn Quản nhớ lại.
Địch rút chạy khỏi Bình Long, tạo điều kiện cho ta tiến công bao vây Chơn Thành. Chơn Thành khi đó là một căn cứ quân sự của Mỹ - ngụy rất kiên cố. Nơi đây án ngữ lực lượng quân giải phóng ở cửa ngõ Tây Bắc chặn đường 13 trước khi đến Bến Cát, Thủ Dầu Một (Bình Dương), là lá chắn thép của địch ở cửa ngõ Sài Gòn - Gia Định.
Ông Vũ Minh Đức, nguyên cán bộ cơ yếu, Huyện ủy Chơn Thành nói: “Lực lượng của mình đã dồn sức và tạo thế gọng kìm bao vây từ phía Đông, phía Bắc, phía Tây bắn pháo vào chi khu nên quân địch trong chi khu rất hoảng loạn”. Trận pháo kích bằng pháo khoan lần đầu tiên diễn ra ở Chơn Thành đã cho thấy quyết tâm và sự ác liệt trong trận đánh của bộ đội ta, bằng mọi giá phải thắng. “Sau khi trận pháo kết thúc, chúng tôi xuống kiểm tra thì thấy pháo khoan xuống rất sâu nên nơi trú ẩn của địch trong chi khu bị phá hủy. Tuy nhiên, địch vẫn được lệnh cố thủ nên chúng ta phải dồn ép. Đặc biệt ở phía Tây, địch có hàng đồn bốt và dựa vào đường ray xe lửa để chống trả quyết liệt nên bộ đội ta cũng chịu tổn thất rất lớn” - ông Vũ Minh Đức, nguyên cán bộ cơ yếu, Huyện ủy Chơn Thành kể lại.
Quyết tâm phải chiến thắng, quân chủ lực của ta tại Chơn Thành lúc đó đã tập trung các lực lượng gồm Sư đoàn 7, Sư đoàn 9, bộ đội địa phương dồn sức tấn công. Ngày 2-4-1975, địch mở đường máu tháo chạy, bộ đội chủ lực đã đoán trước ý đồ của địch, chặn đánh từ Chơn Thành xuống đến Bàu Bàng (Bình Dương), khiến quân địch chịu nhiều tổn thất và hoàn toàn rút khỏi Chơn Thành. Chơn Thành hoàn toàn giải phóng làm cho vùng giải phóng được mở rộng, dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch trên đường 13 và Sài Gòn lập tức bị uy hiếp.
Khẩu đội dân quân tự vệ tỉnh Bình Phước bắn máy bay bay thấp.
Bước qua khói lửa chiến tranh, Bình Phước hôm nay đang ngày càng khẳng định vị thế, vai trò quan trọng của mình trong khu vực Đông Nam Bộ cũng như trên cả nước. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước đang đặt ra mục tiêu chuyển từ vị trí “dự trữ” thành động lực tăng trưởng và phát triển cho cả vùng bằng công nghiệp hóa và đô thị hóa, nâng cao tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, giá trị các chuỗi giá trị và cụm ngành của cả vùng.
Trong buổi làm việc với Bình Phước vào năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) khẳng định: “Bình Phước là yết hầu giữa Tây Nguyên và vùng lợi thế TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, có khả năng kết nối 2 khu vực này bằng hệ thống giao thông đường bộ”. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã có chuyến làm việc và khảo sát thực địa tại Bình Phước về việc kết nối giữa Bình Phước với sân bay Long Thành, cả tới cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Hiện Bình Phước đang có 2 tuyến Quốc lộ 13, 14 và mạng lưới giao thông tỉnh lộ tương đối hoàn chỉnh, có khả năng kết nối các vùng của khu vực Tây Nguyên với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác. Bên cạnh đó, việc xây dựng tuyến đường sắt xuyên Á trong tương lai gần với khả năng kết nối 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia đồng thời biến Bình Phước thành điểm trung chuyển vô cùng quan trọng.
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Tấn Hưng nói: “Có 2 tuyến đường quan trọng mà Bình Phước phải đầu tư trong những năm tới, một là tuyến đường Đồng Phú - Bình Dương sẽ tạo điều kiện cho Bình Phước phát triển, nối liền giữa Tây Nguyên về Bình Dương, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh. Con đường thứ 2 là đường 14C”. Theo nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tấn Hưng, với việc đầu tư 2 con đường này, Bình Phước sẽ có 2 tuyến đường lớn. Trong đó, một con đường song song với quốc lộ 13, một con đường song song với tuyến ĐT741 vô cùng thuận lợi và sẽ mở ra một khu vực rộng lớn cho công nghiệp phát triển.
Với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt từ 9-10%, tăng thu nhập, giảm đói nghèo, xây dựng đô thị hiện đại, nông thôn mới văn minh, Bình Phước đang hoạch định nhiều chiến lược phát triển với nhiều bước đột phá, mang lại bước tăng trưởng mới trong tương lai. Theo đó, thứ tự ưu tiên phát triển đến giai đoạn 2030-2035 là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, sau đó sẽ là dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp. Để tạo điều kiện cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Bình Phước sẽ tập trung ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường giao thông và hạ tầng công nghệ thông tin.