Hào khí “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ mà lòng phơi phới dậy tương lai” tiếp tục ùa về trong câu chuyện của những cựu chiến binh (CCB) truyền thống Bộ đội Trường Sơn năm xưa như nhắc nhớ về một thời đạn bom khốc liệt, hy sinh gian khổ song vẫn giữ vững niềm tin son sắc vào chiến thắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ngày 19-5-1959 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam khi những người lính công binh, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong (TNXP)…bổ nhát cuốc đầu tiên khai thông, mở rộng hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh. Sự ra đời và phát triển của tuyến vận tải chiến lược, theo văn bản lịch sử chính thức của cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ ghi lại, được quân đội Mỹ coi là “một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ XX”. Còn với những người mở đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thì đây là “tuyến lửa”. Bởi ở đại ngàn này, mỗi cung đường, mỗi cây cỏ đều nhuộm đỏ xương máu của biết bao anh hùng liệt sĩ. Họ nằm xuống khi tuổi đời còn rất trẻ chỉ 18, đôi mươi để làm nên con đường huyền thoại, góp phần đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhớ lại ký ức hào hùng của một thời đạn bom khói lửa nơi đại ngàn Trường Sơn, CCB Phạm Thư Sinh, nguyên lái xe bộ đội Trường Sơn như được sống lại thời kỳ gần 60 năm về trước. Những cung đường, binh trạm 33 (Đoàn 559) được quân thù “điểm chỉ” đánh phá ác liệt như cua chữ A, đèo Cô Lin, ngầm Đa Lê…Ký ức sâu đậm nhất trên tuyến lửa Trường Sơn trong CCB Phạm Thư Sinh là dù khó khăn gian khổ, dù bom đạn rập rình nhưng “tim còn đập, xe còn chạy”. “Ngày đó, bộ đội lái xe Trường Sơn được Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên gọi là những “Tuấn mã Trường Sơn”. Kỷ niệm còn in đậm trong tâm trí tôi là nhiều dân công hỏa tuyến, những nữ TNXP trở thành những “bia sống” báo đường để hàng vạn chuyến xe chở người, chở của đưa vào chiến trường”, CCB Phạm Thư Sinh nhớ lại.
Còn CCB Dương Văn Ổn xúc động, biết bao nhiêu hy sinh, gian khổ! biết bao gương mặt đồng đội mới chỉ đôi mươi nhưng đã nằm lại chiến trường, trên cung đường Trường Sơn huyền thoại. “Hình ảnh những cô TNXP, những cô giao liên bất chấp hiểm nguy trong đêm tối dùng chiếc khăn trắng để dẫn đường cho từng chuyến xe “vượt ngầm” qua các binh trạm nguy hiểm vào chiến trường mà không ngại làn ranh mỏng manh giữa sự sống và cái chết. Chính điều đó cho chúng tôi thấy, Bộ đội Trường Sơn không đơn độc một mình, đoàn kết quyết tâm vì những chuyến hàng, chuyến xe cho giải phóng hoàn toàn miền Nam”, CCB Dương Văn Ổn bày tỏ.
Đối với CCB Nguyễn Đức Miên, ngoài tham gia trong cung đường Trường Sơn, ông còn trực tiếp được vào đội xây dựng lán trại, nhà nghỉ cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp như Tướng Đồng Sĩ Nguyên, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình khi đến làm việc với Bộ đội Trường Sơn. Hoặc CCB Trần Bá Dương thì bên cạnh những khó khăn gian khổ cùng nhiều kỷ niệm chiến trường, ông còn có một kỷ niệm khó quên vẫn theo ông suốt thời gian qua là tấm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do Tướng Nguyễn Thị Định ký tặng. Mang theo kỷ vật quý bên mình suốt những tháng năm chiến trường và khi hòa bình lập lại, ông Dương bảo: “Mỗi lúc khó khăn, tôi lại mang hình Bác ra ngắm, nụ cười hiền hậu, đôi mắt sáng ngời như tiếp thêm động lực để tôi cùng các đồng đội vươn lên hoàn thành nhiệm vụ của Bộ đội Trường Sơn cũng như vượt qua những khó khăn của cuộc sống đời thường…”.
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại cách đây 60 năm về trước là một quyết định lịch sử trọng đại. Đây là cầu nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là điểm tựa, mắt xích lớn nối các chiến trường ba nước Đông Dương, lại vừa là nơi những người lính Cụ Hồ anh dũng, mưu trí, sáng tạo chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. 60 năm sau, con đường huyền thoại ấy giờ mang một sứ mênh mới: Đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có tầm quan trọng đặc biệt trong việc tạo đà phát triển cho khu vực rộng lớn phía Tây đất nước.