Đó là một buổi chiều trong chiến hào Him Lam, khi Chính ủy Mạc Ninh, Trung đoàn trưởng Trần Tuyến, Chủ nhiệm chính trị Lê Nam… của Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 (đơn vị được giao nhiệm vụ đánh trận mở màn tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam) đang kiến thiết sở chỉ huy chiến đấu, có một người thấp đậm tay chống gậy, quần xắn tới đầu gối, lưng đeo chiếc đàn ghi ta bước vào giới thiệu: “Tôi là cán bộ văn công Tổng cục Chính trị được lệnh tới trung đoàn công tác”. Anh em chưa kịp tay bắt mặt mừng đón chào người nhạc sĩ nổi tiếng, Đỗ Nhuận liền đưa ngay yêu cầu: “Đề nghị ban chỉ huy cho 4 cái xẻng và cho chúng tôi lên vị trí xuất phát xung phong”.
Ngay lập tức, nhạc sĩ cùng tốp văn công của mình được các chiến sĩ đưa ngay xuống vị trí chiến đấu sát bên sông Nậm Rốm. Họ tự tay cầm xẻng đào 4 chiếc hầm đủ đứng, ngồi thoải mái để có thể đàn hát, sau đó lại về ngay Đại đội 243 sống cùng các chiến sĩ tiểu đội mũi nhọn, như những chiến sĩ xung kích thực sự…
Từ lúc đó, anh em bộ đội được dịp quây quần xem văn công Tổng cục biểu diển. Đỗ Nhuận chít khăn đầu rìu, mặt mũi vẽ râu vẽ ria, tay cầm mõ, quần ống thấp ống cao, trông rất hài hước, đang độc tấu một bài hề mồi. Nội dung bài tấu chế giễu H.Navarre (Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương). Cứ mỗi lần anh tấu đến đoạn H.Navarre “bí” và giả làm bộ mặt ngây dại, hai bên ria nhảy lên, nhảy xuống, anh em lại nghiêng ngả cười…
Khi bộ đội ta chuẩn bị nổ súng tiến công cứ điểm Him Lam, Đỗ Nhuận cùng nhóm nhạc sĩ đứng trên bờ chiến hào, vừa đàn vừa hát cổ vũ chiến sĩ ở dưới. Trong đoàn quân, có một chiến sĩ nói với ông: “Cố gắng sáng tác nhiều nhé. Chúng mình sẽ có quà tặng văn công”. Người chiến sĩ nói câu ấy không bao giờ trở lại nữa. Đó chính là anh hùng Phan Đình Giót, người đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong trận Him Lam. Ngay sau khi quân ta tiêu diệt cứ điểm này, Đỗ Nhuận đã có ngay bài bát Trên đồi Him Lam nóng bỏng mùi thuốc súng viết trong chiến hào…
Bài hát hừng hực khí thế chiến đấu, sôi sục lòng căm thù giặc, nồng nàn tình yêu quê hương đất nước và tình đồng đội, nóng bỏng mùi thuốc súng chiến hào… Qua rất nhiều năm tháng, bài hát này cùng nhiều tác phẩm khác đã luôn làm ta sống lại những ngày tháng hào hùng, oanh liệt của một Điện Biên Phủ: “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”…