Hồi ức không quên
Chiến tranh với thế hệ trẻ chỉ trong những trang sách vở, những câu chuyện lịch sử, còn với những người trực tiếp chiến đấu hoặc tham gia chiến đấu, kỷ niệm đó sẽ mãi mãi không quên. Cựu chiến binh (CCB) Đào Bá Lượng, nguyên đội trưởng đội biệt động Long Khánh, trực tiếp đánh và tham gia nhiều trận lớn, nhỏ trong kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường Long Khánh kể lại, Đội biệt động Long Khánh còn được gọi là Đội vũ trang cách mạng đặc biệt được thành lập tháng 5-1966, trải qua gần 9 năm chiến đấu, Đội lập nên nhiều chiến công vang dội, góp phần quan trọng trong chiến dịch giải phóng Long Khánh 21-4 và làm nên đại thắng mùa Xuân 1975.
Trong đó, Đồn Bốn Thước (ấp Ruộng Lớn, Bảo Vinh ngày nay) là vị trí trọng yếu bảo vệ Tòa hành chính tỉnh Long Khánh. Địch xây dựng nơi đây một hệ thống phòng thủ kiên cố với nhiều lô cốt chìm, nổi, hàng rào kẽm gai, giao thông hào, mìn nên nghiên cứu, chuẩn bị cho trận đánh vô cùng khó khăn. Nơi đây, địch cất giấu nhiều xe tăng, vũ khí nên những ngày đầu chụp hình điều nghiên địa hình ta chỉ quan sát thấy 5-6 xe tăng của Sư đoàn 18 ngụy và một số đơn vị yểm trợ. Nhưng khi vào trận đánh thì có hàng chục xe, cuộc chiến giằng co ác liệt vì cả hai bên đều quyết tâm. Được lệnh của trên, Đội biệt động đã dùng lựu đạn để giải quyết nhanh chiến trường. Nhờ đó, toàn bộ đồn Bốn Thước bị tiêu hủy, diệt nhiều địch thu nhiều vũ khí… tạo điều kiện để chủ lực ta tiến vào giải phóng Sài Gòn…
Tự hào được mang sức trẻ trực tiếp tham gia chiến đấu trong thời khắc lịch sử những ngày tháng Tư rực lửa trên chiến trường Xuân Lộc- Long Khánh, Đại tá Dương Hòa Hiệp, Chủ tịch Hội CCB tỉnh, nguyên cán bộ liên lạc của Huyện đội Xuân Lộc ngày ấy nhớ lại, vào thời điểm cuối tháng Ba, đầu tháng Tư năm 1975, cả dân tộc bừng lên khí thế sục sôi, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh tất cả vì mục tiêu giành thắng lợi cuối cùng. Đặc biệt tại chiến trường Xuân Lộc - Long Khánh nơi được Mỹ ngụy xác định “Cánh cửa thép” bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông, chiến sự nơi đây càng xảy ra ác liệt.
Đại tá Dương Hòa Hiệp kể lại, riêng bộ đội huyện Xuân Lộc và du kích địa phương tổ chức đánh địch từ khu vực Suối Cát, Bình Phúc đến Bảo Hòa, Xuân Định nhằm ngăn chặn lính dù tấn công quân chủ lực. Ác liệt nhất là trận đánh giằng co quyết liệt giữa ta và địch tại ấp Bảo Toàn (Xuân Định - Xuân Lộc). Trận đánh này làm hai đồng chí xã đội trưởng có tên Chiến và Thắng đã anh dũng hy sinh. Để tưởng nhớ công lao, ngày nay nhân dân xã Xuân Định đặt tên thành ấp Chiến Thắng. Trải qua 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt (9 đến 21-4-1975), Xuân Lộc - Long Khánh cánh cửa thép bảo vệ Sài Gòn từ hướng Đông bị đập tan, tạo điều kiện để quân chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn…
Làm chủ trận địa
Cùng với Xuân Lộc, Long Khánh, TP. Biên Hòa cũng là một trong những địa danh quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây, trước năm 1975, Mỹ ngụy đã đặt trụ sở của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 - một căn cứ quân sự lớn của Mỹ ngụy gắn với khu liên hợp sân bay chiến lược quân sự Biên Hòa, Căn cứ Hốc Bà Thức, Tổng kho hậu cần Long Bình…án ngữ tuyến đường tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Theo lời kể của CCB Đặng Thanh Hương, vào 6 giờ ngày 30-4-1975, lực lượng vũ trang Biên Hòa nhận được lệnh phải đánh chiếm Quân đoàn 3 ngụy, sân bay Biên Hòa để mở đường thuận lợi cho chủ lực ta tiến vào Sài Gòn. Khi bắt đầu hành quân, qua radio, quân ta nghe tin Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng quân giải phóng. Vì vậy, Quân đoàn 4 và Sư đoàn 6 của ta đã vào chiếm giữ Quân đoàn 3 ngụy, sân bay Biên Hòa, sau đó tiến vào giải phóng Sài Gòn. Trên đường tiến về nội ô Biên Hòa, từ ngoại ô cho đến tận trung tâm thành phố, đồng bào kéo ra đường vẫy tay, cờ hoa chào mừng quân giải phóng. Hàng trăm xe máy chạy theo xe bộ đội đến công trường Sông Phố mừng ngày đại thắng.
Huyện Long Thành ngày nay 44 năm trước từng là Chi khu quận lỵ Long Thành, đây là mục tiêu quan trọng, là cửa ngõ bảo vệ hướng Đông Bắc Sài Gòn của Mỹ ngụy. Chiếm được mục tiêu này sẽ thuận lợi cho ta tiến vào nội đô hoặc phát triển xuống Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhớ lại trận đánh ác liệt 44 năm trước, CCB Nguyễn Đức Việt, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 (Sư đoàn 325) kể lại, Ngày 27-4-1975, Trung đoàn tiến công chiếm giữ nhiều mục tiêu quan trọng nhưng chưa giải quyết dứt được mục tiêu then chốt. Địch trong chi khu Long Thành chia làm 3 khu vực co cụm, cố thủ, quyết giữ trung tâm quận lỵ. Tiểu đoàn 1 và 3 chiến đấu anh dũng, nhưng vẫn không đánh bật quân địch lại bị thương vong, tổn thất rất nhiều.
Trước tình thế đó, rạng sáng ngày 28-4, chỉ huy Trung đoàn 101 họp, quyết định đưa Tiểu đoàn 2 chính thức đảm nhiệm việc tiến công trên hướng chủ yếu, quyết tâm tiêu diệt địch ở chi khu Long Thành trong ngày 28-4. CCB Nguyễn Đức Việt lúc đó là Tiểu đoàn trưởng đã xác định rõ mục tiêu quan trọng đầu tiên phải tiêu diệt là ổ hỏa lực địch đặt trên tháp nước - chướng ngại vật cản trở bước tiến của bộ đội ta trong những đợt tiến công trước đó. Các đại đội bộ binh tranh thủ xung phong tiến công, nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu và làm chủ trung tâm chỉ huy địch theo đúng kế hoạch, giải phóng quận lỵ Long Thành vào chiều 28-4….
Phát huy truyền thống
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Dương Hòa Hiệp nhấn mạnh: Tháng Tư về, nhắc nhớ lại những kỷ niệm, hồi ức cũng như tự hào với những chiến công để cùng nhau đoàn kết, vững bước đi lên xây dựng tỉnh nhà giàu đẹp văn minh. “Hội viên CCB và các tầng lớp nhân dân đều tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, đoàn kết quyết tâm thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước. Hội viên CCB toàn tỉnh phát huy tốt bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” giúp nhau xóa nghèo, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh từ tỉnh đến cơ sở”, Đại tá Dương Hòa Hiệp nói.
Kinh tế tăng trưởng đã tạo nguồn lực để tỉnh quan tâm chăm lo tốt các nội dung an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa: Đến cuối năm 2018, Đồng Nai đã hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, được Trung ương cấp Bằng ghi công tỉnh Đồng Nai hoàn thành xây dựng “Nhà đại đoàn kết”, xóa xong nhà dột nát cho người nghèo. Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bùi Thị Liễu cho biết: “Toàn tỉnh đã vận động trên 350 tỷ đồng vào “Quỹ vì người nghèo”, xây dựng và trao tặng trên 20 ngàn căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương hỗ trợ người nghèo có nơi ở ổn định; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hiện giảm xuống 0,32%”…
Các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm làm tốt công tác chính sách, đền ơn đáp nghĩa. Hiện toàn tỉnh đang quản lý gần 60 ngàn người có công với cách mạng gồm thương binh, bệnh binh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Mẹ Việt Nam Anh hùng. Giám đốc Sở LĐ-TBXH Huỳnh Văn Tịnh nhìn nhận, thành quả cách mạng của cha ông tiếp tục được thế hệ con cháu tiếp nối và phát huy, đặc biệt trong công tác chính sách, làm ấm lòng gia đình người có công.
Theo Giám đốc Sở LĐ-TBXH Huỳnh Văn Tịnh, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay gần 10 ngàn thân nhân liệt sĩ đã được giải quyết trợ cấp một lần; 1.928 trường hợp người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học trực tiếp được giải quyết chế độ; gần 18 ngàn người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương; 1.258 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 506 người hoạt động kháng chiến, hưởng trợ cấp theo Nghị định 59/2013/NĐ của Chính phủ; quản lý, chăm sóc 6 Nghĩa trang liệt sĩ, 1 đền thờ, 2 đài tưởng niệm, 44 nhà bia ghi tên liệt sĩ....
Ngoài ra, tỉnh còn dựa vào các cựu chiến binh, những nhân chứng còn sống trong các cuộc kháng chiến để có thông tin, khảo sát, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ đưa về an táng tại các Nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh. Trong đó, có nhiều đợt tìm kiếm lớn có hiệu quả như mộ tập thể ở Phú An (Tân Phú); Bàu Cạn (Long Thành); Long Khánh, Nhơn Trạch và sân bay Biên Hòa và hiện đang nỗ lực tìm kiếm tại Long An (Long Thành).