Không những giúp đỡ về tinh thần, bà Liên còn giúp đỡ những công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Vốn sẵn có trong tay nghề may vá, bà dành thời gian rảnh để sửa quần áo tăng thu nhập, sẵn tiện sửa luôn quần áo miễn phí cho công nhân ở thuê.
Bà Liên sửa đồ giúp công nhân.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Nhung, 26 tuổi, quê ở Tân Châu, công nhân tại khu công nghiệp Phước Ðông - Bời Lời cho biết: “Tuy mới sống ở nhà trọ của cô Út Liên được hơn 2 tháng, nhưng tôi cảm thấy nhà trọ này như nhà của mình. Ở đây, mọi người sống rất thoải mái, không gian yên tĩnh.
Cô Liên rất thương công nhân, thường xuyên thăm hỏi, quan tâm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn như tôi”.
Nhà trọ Nhung đang sống là của bà Ðặng Thị Liên, ngụ ấp Phước Ðức B, xã Phước Ðông (huyện Gò Dầu, Tây Ninh).
Ðược xây dựng cách đây hơn một năm, nhà trọ Út Liên không giống những nhà trọ khác: giá cho thuê thấp, công nhân đến thuê phải tuân thủ một số quy định như không được tổ chức uống rượu trong phòng, nghiêm túc chấp hành giờ giấc sinh hoạt ở khu nhà trọ, giữ gìn yên tĩnh cho phòng khác... Nếu không thực hiện, chủ nhà sẽ không cho thuê.
Bà Liên cho biết, bà muốn công nhân khi đến thuê phòng sẽ có cảm giác như ở chính nhà của mình. Theo bà, phần lớn thời gian công nhân đi làm ở xí nghiệp rất vất vả. Họ cần chỗ nghỉ ngơi an toàn, thoải mái và yên tĩnh để có thể tái tạo sức lao động.
Thấy công nhân không có nhiều thời gian quét dọn hành lang, bà và chồng thường xuyên thay nhau quét dọn, rồi nhắc nhở công nhân giữ vệ sinh chung. Có khi, bà còn đóng tiền thu rác thay cho công nhân, vì : “Với mình, số tiền đó không đáng là bao, nhưng với công nhân tiết kiệm khoản tiền nhỏ cũng rất quý”.
Bà Liên còn được những nữ công nhân ở trọ tin tưởng, thường xuyên tâm sự, nhất là khi gia đình xảy ra bất hoà. Với kinh nghiệm sống của mình, bà quan tâm thăm hỏi, hoà giải, động viên cả hai vợ chồng biết nhường nhịn nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống.
Không những giúp đỡ về tinh thần, bà Liên còn giúp đỡ những công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Vốn sẵn có trong tay nghề may vá, bà dành thời gian rảnh để sửa quần áo tăng thu nhập, sẵn tiện sửa luôn quần áo miễn phí cho công nhân ở thuê.
Bà chia sẻ: “Tiền sửa quần áo không nhiều, một ngày chỉ khoảng 50.000 đồng, nhưng tôi có thể sử dụng tiền đó để giúp công nhân trả tiền rác, tiền điện, tiền wifi...”.
Hằng tháng, những gia đình công nhân khi cần mua thực phẩm, đồ dùng cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày mà chưa có lương, bà cho mượn tiền không lấy lãi (mỗi phòng 1 triệu đồng) để mua sắm. Ðến kỳ lãnh lương, công nhân sẽ trả lại cho bà.
Quyền Trang, nhà ở xã Bến Củi (huyện Dương Minh Châu), một công nhân đang sống ở nhà trọ Út Liên cho biết, hoàn cảnh của cô khó khăn, bản thân mắc bệnh tim, tiền làm thuê không đủ chữa bệnh. Bà Liên đã vận động những chủ nhà trọ khác góp tiền hằng tháng 200.000 đồng để hỗ trợ Trang vượt qua bệnh tật.
Bên cạnh đó, bà Liên còn cùng các nữ chủ nhà trọ khác vận động mạnh thường quân hỗ trợ quà cho công nhân nghèo nhân dịp lễ, tết. Mỗi gia đình nhận phần quà từ 150.000 đồng - 200.000 đồng.
Vào ngày 15 âm lịch hằng tháng, bà cùng với những nữ chủ nhà trọ trên địa bàn gom góp tiền để tổ chức nấu ăn từ thiện cho công nhân ở trọ và người nghèo, mỗi lần từ 150 - 300 suất với số tiền hơn 2 triệu đồng.
Thấy được cái tâm của bà Liên dành cho công nhân, đầu năm 2017, Hội Phụ nữ xã Phước Ðông thành lập Tổ nữ chủ nhà trọ và phân công bà Liên làm tổ trưởng. Ðịnh kỳ hằng tháng, bà và các thành viên sẽ tuyên truyền cho công nhân nhà trọ của mình một số nội dung như tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội xảy ra trên địa bàn huyện, nhất là tình hình trộm cắp tài sản; vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường công cộng; công tác phòng, chống cháy nổ; các quy định của Bộ luật Lao động, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Giao thông đường bộ, Luật Hôn nhân - Gia đình…
Kết quả, các nhà trọ của bà Liên và thành viên trong tổ hầu hết đều không xảy ra tình trạng trộm cắp, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, mất đoàn kết. Các phòng trọ đều sạch sẽ, thoáng mát, tạo điều kiện cho công nhân yên tâm làm việc.
Với cách cư xử có tình có nghĩa của bà Liên, những công nhân ở trọ nơi đây rất quý mến bà, chấp hành tốt những quy định của nhà trọ như đi về đúng giờ, không uống rượu, gây mất trật tự, giữ gìn vệ sinh chung. Ða số họ xem nhà trọ của bà Liên gần như là ngôi nhà thứ hai của mình.
Bà Nguyễn Thị Mì - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Ðông cho biết, ngoài thực hiện tốt vai trò của tổ trưởng Tổ nữ chủ nhà trọ, bà Liên còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương, như tham gia các buổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề, các buổi truyền thông; thường xuyên ủng hộ hội viên, phụ nữ nghèo...
Thư Trà
Nguồn: baotayninh.vn