(QK7 Online) - Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc bản Tuyên ngôn Độc lập “trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Từ đó, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, dấu mốc lịch sử khởi đầu của nhà nước kiểu mới ở Việt Nam mang bản chất dân chủ cộng hòa - “Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”.
Bác Hồ chụp ảnh chung với các đại biểu Quốc hội khóa I.
Chính quyền do dân cử ra
Là một nước thuộc địa nửa phong kiến với chính thể quân chủ chuyên chế, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương “thành lập chính quyền cách mạng” ở các căn cứ địa, các khu giải phóng lúc bấy giờ; hình thành các tổ chức Ủy ban Việt minh, Ủy ban Giải phóng và Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh, liên tỉnh. Đầu tháng Tám năm 1945, Người quyết định triệu tập Đại hội Quốc dân ở Tân Trào. Đại hội quy định Quốc kỳ, Quốc ca và bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam - một tổ chức “tiền Chính phủ” nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và hiệu lực quản lý của chính quyền.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Ủy ban Dân tộc Giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mời thêm một số nhân sĩ tham gia Chính phủ. Điều đặc biệt, Chính phủ lâm thời không phải là Chính phủ riêng của Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (Việt Minh) như có người đã lầm tưởng. Cũng không phải là một Chính phủ chỉ bao gồm các đại biểu của các chính đảng; mà là một Chính phủ quốc gia thống nhất, chờ đến ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ dân chủ, cộng hòa chính thức. Đó là sáng tạo độc đáo của Người, nhằm tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện 2 mục tiêu chiến lược: Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc trong điều kiện vận mệnh quốc gia như “ngàn cân treo sợi tóc” bởi thù trong, giặc ngoài.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chính phủ lâm thời trịnh trọng ra mắt quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu 6 nhiệm vụ cấp bách; trong đó, có nhiệm vụ phải tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, soạn thảo Hiến pháp dân chủ. Ngày 8/9/1945, đúng một tuần sau ngày độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14SL về việc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, Sắc lệnh nêu rõ: “Nhân dân Việt Nam do quốc dân đại hội thay mặt là quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp dân chủ cộng hòa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt coi trọng thiết kế mô hình tổ chức chính quyền địa phương - nhân tố cấu thành của thể chế dân chủ cộng hòa. Người gọi là “hình thức Chính phủ trong các địa phương”.
Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên trong lịch sử nước nhà vào ngày 6/1/1946 thành công tốt đẹp, bầu ra 333 đại biểu vào Quốc hội (khóa I). Với tư cách là người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, Trưởng ban soạn thảo Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, hoàn thành bản dự thảo Hiến pháp, được Quốc hội thông qua trong phiên họp ngày 9/11/1946. Đó là bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trải qua 75 năm Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đã xây dựng, ban hành 5 bản Hiến pháp (1946, 1959, 1980, 1992, 2013) gắn liền với mỗi giai đoạn lịch sử phát triển của dân tộc, kế thừa và khẳng định bản chất của một nhà nước pháp quyền kiểu mới, của dân, do dân, vì dân. Ở đó, “Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”; những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia đều do Nhân dân phán quyết, Nhân dân là người thực hiện quyền lực, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Thành quả chính trị ưu việt đó đã được chứng minh bằng lịch sử 75 năm qua như một chân lý khách quan, tô thắm và làm sâu sắc thêm bản chất tốt đẹp của chế độ dân chủ cộng hòa ở nước ta.
Kế thừa và phát huy các giá trị của nền dân chủ cộng hòa
Là linh hồn của Nhà nước dân chủ đầu tiên ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng giáo dục đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức quan điểm xây dựng nhà nước thân dân - nhất là đối với chính quyền địa phương các cấp. Ngay từ những ngày đầu lập quốc, Người viết nhiều bài báo đăng trên Báo Cứu quốc, nói về cách tổ chức, hoạt động của UBND, về lựa chọn cán bộ, tư cách, đạo đức cán bộ của UBND, cảnh báo sớm về sự tha hóa quyền lực trong bộ máy chính quyền.
75 năm kế thừa và phát huy các giá trị của nền dân chủ cộng hòa; chính quyền các cấp do cử tri bầu ra trong các nhiệm kỳ đã thể hiện được ý nguyện của Nhân dân và truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc, không ngừng tự chỉnh đốn, đổi mới thể chế, bảo đảm thực thi quyền lực Nhân dân, tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước, cải cách nền hành chính quốc gia. Chính quyền đó với biết bao thế hệ cán bộ tiền bối, lão thành cách mạng, thế hệ đi trước đã “tận trung với nước, tận hiếu với dân” cống hiến sức lực, trí tuệ và cả xương máu của mình để xây dựng nên chính quyền thực sự của dân, do dân, vì dân như ngày hôm nay.
Tuy nhiên, trong điều kiện mới, mô hình tổng thể, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, đại biểu dân cử vẫn còn quan liêu, chưa tận tâm với dân, quên “lời hứa” với cử tri khi tranh cử, chưa làm tròn trách nhiệm với Nhân dân. Một số khác đã tự biến mình thành “quan cách mạng”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thậm chí trở thành những “giặc nội xâm” làm hại dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy tố trước pháp luật. Dư luận mong muốn và đồng tình ủng hộ Đảng, Nhà nước xử lý nghiêm, không có vùng cấm để ngăn chặn, đẩy lùi sự tha hóa quyền lực và tham nhũng, làm xói mòn niềm tin của dân với Đảng và Nhà nước.
Hiện nay, chúng ta đang tập trung nỗ lực thực hiện tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) của Đảng đề ra, gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chuẩn bị tốt nhất cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chính vì vậy, nghiên cứu, quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước công bộc của dân phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới có ý nghĩa quyết định trong tiến trình xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ; xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
ThS.NGUYỄN VÂN HẬU