Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng thuộc Bộ Giao thông vận tải, năm 2025 sẽ có 12 dự án giao thông được khởi công.
Cụ thể, các dự án sắp khởi công trong năm 2025 gồm: đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1; cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên Quốc lộ 37B; đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú theo phương thức PPP; mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn; Tuyến nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn La Sơn - Hòa Liên.
Cùng đó là các dự án: cầu đường sắt Cẩm Lý; Nâng cấp, mở rộng một số cầu, hầm trên Quốc lộ 1 (các cầu Xương Giang, Gianh, Quán Hàu và hầm Đèo Ngang); phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam; hệ thống thông tin Cục Hàng không Việt Nam; hệ thống thông tin Cục Đường bộ Việt Nam.
Trong số các dự án này, đáng chú ý phải kể đến tuyến cao tốc Dầu Giây – Tân Phú. Đây là hạ tầng rất quan trọng kết nối khu vực Đông Nam Bộ với Tây Nguyên.
Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có tổng chiều dài hơn 60 km, đi qua địa bàn bốn huyện của tỉnh Đồng Nai. Để triển khai dự án, cần thu hồi gần 380 ha đất, với chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ước tính hơn 1.450 tỷ đồng.
Đoạn qua huyện Tân Phú dài hơn 18 km, cần thu hồi hơn 120 ha đất từ một số tổ chức và 85 hộ dân, trong đó có 60 hộ cần bố trí tái định cư. Huyện Tân Phú đã lên kế hoạch xây dựng khu tái định cư rộng 11 ha tại xã Phú Bình để bố trí chỗ ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Tại huyện Thống Nhất, đoạn cao tốc dài gần 16 km, cần thu hồi khoảng 95 ha đất, chủ yếu là đất nông nghiệp, đất cao su và đất công, nên không cần bố trí tái định cư. Huyện đã chuẩn bị mỏ vật liệu phục vụ dự án, sẵn sàng khi triển khai.
Các huyện Định Quán và Xuân Lộc cũng đã sẵn sàng cho công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ dự án.
Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), với tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng. Tuyến cao tốc này có điểm đầu tại nút giao với Quốc lộ 1, kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tại thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất; điểm cuối tại Km60+243,83, giao với Quốc lộ 20, kết nối với cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc tại xã Phú Trung, huyện Tân Phú.
Dự án cũng bao gồm việc xây dựng trạm dừng nghỉ tại Km40, mỗi bên rộng 3 ha, với chi phí giải phóng mặt bằng cho trạm dừng nghỉ được tính trong tổng mức đầu tư.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, công tác giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú đang tiến triển thuận lợi, tạo điều kiện để dự án sớm được triển khai và hoàn thành theo kế hoạch.
Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú cùng với Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc Liên Khương là 3 đoạn tuyến thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương có tổng chiều dài hơn 200km kết nối tỉnh Đồng Nai với Lâm Đồng.
Trong đó, cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 66km, quy mô 4 làn ô tô, nền đường rộng 17m, có bố trí làn dừng khẩn cấp không liên tục với tổng mức đầu tư khoảng 17.200 tỷ đồng.
Nếu điều chỉnh quy mô đầu tư hoàn chỉnh mặt cắt ngang 22m với 4 làn ô tô, bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục, số vốn của dự án sẽ tăng thêm khoảng 3.940 - 4.435 tỉ đồng.
Tương tự, tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dài 73,6km, quy mô 4 làn đường, rộng 17m bố trí làn dừng khẩn cấp không liên tục với số vốn ban đầu 19.521 tỉ đồng.
Nếu bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục, mặt cắt ngang bề rộng đường 24,7m sẽ tăng chi phí đầu tư thêm 2.539 - 2.990 tỉ đồng.
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng cũng đang chuẩn bị các thủ tục để sớm khởi công hai đoạn cao tốc này.
Cũng theo Cục Quản lý xây dựng, trong số 71 dự án giao thông sử dụng vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, đến nay, có 69 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, 65 dự án được phê duyệt đầu tư.
Còn 4 dự án chưa phê duyệt đầu tư, gồm: cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 24B Quảng Ngãi; mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn; điều chỉnh Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1; đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam.
Phong Vân