“Tết tại gia”, “Tết chậm”, “Tết phòng dịch”... những cụm từ ấy xuất hiện khá nhiều trên truyền thông và mạng xã hội những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Viết những điều ấy, nói những điều ấy không phải để mua vui, mà là cách để người ta bày tỏ một thái độ sống, một quan điểm sống, truyền đi thông điệp về ý thức phòng, chống dịch Covid-19, với mong muốn bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng, xã hội.
Rõ là, người Việt Nam vào dịp Tết đến, xuân về, không ai không buồn, không ai không lo khi dịch Covid-19 tái bùng phát và đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, vì đã trải qua một năm tham gia phòng, chống dịch, chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, với sự định hướng, tương tác mạnh mẽ của môi trường truyền thông... đại đa số người dân đều nhận thức đúng mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, nâng cao ý thức tự giác phòng ngừa. Đặc biệt, thời điểm cận Tết Nguyên đán, Đại hội XIII của Đảng thành công tốt đẹp, hào khí ngày hội lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã tiếp thêm niềm tin, nghị lực để đồng bào cả nước chung sức vượt khó. Hành động khẩn trương, kịp thời, quyết liệt của Chính phủ và các lực lượng trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến ý thức trách nhiệm công dân của toàn xã hội.
Gói bánh chưng ngày Tết. Ảnh minh họa: TTXVN.
Tết Tân Sửu 2021, vì thế, phải là cái Tết an toàn, trước hết là an toàn sinh học cho toàn dân trong bối cảnh dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp. Trong môi trường đòi hỏi rất cao ở tinh thần tự giác, ý thức cộng đồng của toàn dân, chỉ một hành động sơ sẩy, chủ quan, một việc làm vô ý thức ở đâu đó, của ai đó, đều có thể là tác nhân khiến dịch bệnh lây lan. Việc giải quyết hậu quả sẽ tốn rất nhiều công sức và phức tạp.
Tết Tân Sửu 2021, vì thế, là một cái Tết rất đặc biệt! Thay vì chờ đón để được nô nức tham gia các lễ hội tưng bừng, hòa mình trong các hoạt động vui xuân náo nhiệt... chúng ta sẽ phải sống chậm đi, nghĩ khác đi, làm khác đi... bắt đầu từ mỗi người, mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi địa phương, nhất là ở những vùng có dịch...
Tết chậm, không có nghĩa là Tết nhạt! Các nghi lễ truyền thống theo phong tục đón Tết cổ truyền của dân tộc ở từng vùng, miền vẫn vẹn nguyên sức sống. Khác chăng là ở quy mô, cách thức tổ chức. Ở các địa phương có dịch, thay vì tụ tập đông người nơi công cộng, các nghi lễ sẽ ấm áp trong vòng tay gia đình, bà con họ mạc...
Tết chậm không có nghĩa là Tết buồn! Trạng thái cảm xúc ngày Tết nằm ở sự sum họp đoàn viên. Sống chậm để có nhiều thời gian hơn dành cho ông bà, cha mẹ, họ hàng... Đó cũng chính là cách để mỗi người tự bồi đắp văn hóa nguồn cội cho bản thân. Mặt khác, trong môi trường 4.0, tiện ích công nghệ sẽ giúp chúng ta giải quyết hàng loạt vấn đề thủ công, kể cả các hoạt động giải trí, nghệ thuật trong ngày Tết.
Tết chậm không có nghĩa là Tết khổ! Ảnh hưởng của dịch bệnh làm cho nền kinh tế đất nước khó khăn hơn, thu nhập của đa số hộ gia đình cũng giảm đi. Sống chậm trong những ngày Tết sẽ giúp các gia đình thực hành tiết kiệm, tiết giảm được nhiều khoản chi phí. Với tinh thần không để một ai không có Tết, không một ai bị bỏ lại phía sau, các chương trình nhân ái, thiện nguyện cần được triển khai sâu rộng, toàn diện trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, nhà hảo tâm và toàn xã hội.
Sống chậm không phải là khuynh hướng, mà là sự lựa chọn có trách nhiệm trong hoàn cảnh bắt buộc chúng ta phải lựa chọn!
Tết chậm không làm thay đổi bản chất phong tục cổ truyền, bản sắc văn hóa dân tộc, mà là sự điều chỉnh hành vi, cách thức đón Tết, vui xuân cho phù hợp với hoàn cảnh.
Còn một tuần lễ nữa là Tết đến. Tết chậm là Tết an toàn! Có an toàn mới có an khang, thịnh vượng, sở cầu như ý cho mọi người, mọi nhà!
Phan Tùng Sơn
Nguồn: qdnd.vn