Chúng tôi đang đề nghị thủ trưởng Cục Chính trị cho phép triển khai đồng loạt mô hình này tại các đơn vị toàn quân đoàn”, Thượng tá Trần Huy Hải, Trưởng ban Công tác quần chúng, Cục Chính trị, Quân đoàn 4 chia sẻ về mô hình thanh niên tiêu biểu trong đơn vị.
Tác giả của mô hình là Trung tá Đoàn Mạnh Hà, Phó Chính ủy Trung đoàn 1. Theo anh Hà, từ thực tế đơn vị có tỷ lệ đoàn viên, thanh niên chiếm hơn 80% quân số; quá trình học tập, công tác, nhiều chiến sĩ bộc lộ khả năng, sở thích, đam mê và năng khiếu, như: Ca hát, đánh đàn, đánh trống, viết thư pháp, khiêu vũ, tập thể hình, nghệ thuật bon sai...
Những chiến sĩ này mong muốn có một sân chơi mang màu sắc riêng để thể hiện bản thân, phát triển năng khiếu cống hiến cho đơn vị và làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần vui tươi, hữu ích cho tập thể. Thấu hiểu nguyện vọng chính đáng đó, Trung tá Đoàn Mạnh Hà bàn bạc trong lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, giao tổ chức đoàn thí điểm lập "Nhóm sở thích" trên tinh thần tự nguyện, đúng quy định, không trái thuần phong mỹ tục, có tác dụng thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ trung tâm của đơn vị và làm nổi bật nét đẹp văn hóa quân nhân.
Qua thời gian thí điểm, các chiến sĩ phấn khởi, hào hứng khi được tham gia để chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong đời sống, học tập, sinh hoạt hằng ngày. Hoạt động của nhóm không mất nhiều thời gian của cá nhân, không ảnh hưởng đến nhiệm vụ của đơn vị, không phát sinh thêm tổ chức biên chế hay sổ sách ghi chép... mà có tác dụng gắn kết các thành viên, bảo ban nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với những ưu điểm rõ rệt, chỉ huy trung đoàn quyết định triển khai rộng rãi, giao cho Liên chi đoàn tiến hành điều tra xã hội học, khảo sát thực tế năng khiếu và nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên thành lập các “Nhóm sở thích”.
Đến nay, Trung đoàn 1 hình thành nhiều nhóm, thu hút đông đảo chiến sĩ có cùng sở thích, như: Viết chữ thư pháp; chơi đàn guitar, organ, trống; khiêu vũ quốc tế, nhảy hiện đại; tập thể hình; nghệ nhân; học ngoại ngữ... Mỗi nhóm có từ 9 người trở lên và chọn một thành viên giỏi chuyên môn làm nhóm trưởng. Mỗi chi đoàn lựa chọn thế mạnh của đơn vị thành lập một hoặc một vài “Nhóm sở thích” tiêu biểu để hoạt động và giao lưu, hỗ trợ lẫn nhau. Ban chấp hành đoàn các cấp chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, giám sát để hoạt động của các nhóm đúng định hướng và phát triển có chiều sâu.
Binh nhất Trịnh Anh Tuấn, Tiểu đoàn 2 chia sẻ: “Khi tham gia “Nhóm nghệ nhân”, tôi nhận thấy những hoạt động rất ý nghĩa, hữu ích với bản thân và đơn vị. Đây là nơi chúng tôi phát huy được niềm đam mê nghệ thuật bon sai, giao lưu với đồng đội có cùng sở thích để tạo nên những chậu hoa, cây cảnh độc đáo, làm đẹp cho đơn vị”.
Theo Đại tá Nguyễn Hữu Thắng, Phó Chính ủy Sư đoàn 9, các nhóm được gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị và các phong trào thi đua của đơn vị. Qua đó, thúc đẩy chất lượng xây dựng đơn vị có môi trường văn hóa lành mạnh, tốt đẹp; rèn luyện và phát triển năng khiếu, bản lĩnh chính trị của đoàn viên, thanh niên; đồng thời phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, sáng tạo, cống hiến tài năng góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp của đơn vị.