Ghép phổi là một trong những kỹ thuật ghép tạng khó nhất, đặc biệt là ghép phổi từ người cho chết não. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não tại Việt Nam.
Tại buổi gặp mặt báo chí sáng 16-3, Trung tướng, GS, TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã dành cho báo chí cuộc trò chuyện xung quanh vấn đề trên.
Phóng viên (PV): Đồng chí có thể cho biết, những yếu tố nào giúp ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện thành công tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108?
Trung tướng, GS, TS Mai Hồng Bàng: Ngày 26-2 vừa qua là ngày đặc biệt quan trọng đối với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và ngành y tế. Đó là ngày Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam và ghi tên vào bản đồ ghép phổi của thế giới.
Để có được kết quả này, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ… và lãnh đạo, chỉ huy các bệnh viện, các nhà khoa học trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, bệnh viện tập trung mọi nguồn lực, quyết tâm xây dựng và phát triển đồng bộ, cơ bản, chuyên sâu và bền vững các kỹ thuật ghép tạng (từ ghép thực nghiệm tới ghép các mô, tạng đơn giản như: thận, tủy, giác mạc… và các tạng khó, phức tạp như: tim, gan, phổi…). Đặc biệt là sự nỗ lực học tập, nghiên cứu tiếp nhận kỹ thuật ghép phổi của các thành viên trong Ban chỉ đạo, tổ chức điều phối, đơn vị ghép phổi của Trung tâm ghép tạng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não tại Việt Nam. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
PV: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 mất bao nhiêu thời gian để thực hiện ca ghép phổi từ người chết não này? So với ghép tim, gan, ghép phổi phức tạp như thế nào thưa Giáo sư?
Trung tướng, GS, TS Mai Hồng Bàng: Cùng với việc triển khai Đề án ghép mô, bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã dành hơn 2 năm tập trung mọi nguồn lực, với quyết tâm cao nhất chuẩn bị toàn diện về mọi mặt như: Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất và cử cán bộ đi học tập kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm ghép phổi trên người tại Bệnh viện Poch-Cộng hòa Pháp và học tập các kỹ thuật ghép tạng khác tại nhiều bệnh viện trong nước và quốc tế.
So với các kỹ thuật ghép tạng khác, ghép phổi là một trong những kỹ thuật ghép tạng khó đòi hỏi tính khẩn trương và những yêu cầu khắt khe của quá trình tổ chức điều phối, chẩn đoán, điều trị, hồi sức lấy phổi từ người cho chết não (thường diễn ra trong vòng 24-48 giờ) vì mức độ phức tạp, chuyên sâu của quá trình lựa chọn bệnh nhân tình nguyện ghép phổi, kỹ thuật ghép phổi.
PV: Đồng chí có thể cho biết công tác chỉ đạo, tổ chức, điều phối thực hiện ca ghép phổi này như thế nào?
Trung tướng, GS, TS Mai Hồng Bàng: Công tác chỉ đạo, tổ chức, điều phối đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới việc thành bại khi tổ chức ghép tạng. Vì vậy, ca ghép phổi từ người cho chết não được Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện rất khoa học và chặt chẽ như: Thành lập Trung tâm ghép tạng thuộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 gồm 25 đơn vị, ban, tiểu ban chuyên môn ghép tạng; xây dựng quy chế phối hợp với Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, các bệnh viện có trình độ ghép tạng cao trong nước như: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy… và quốc tế: Bệnh viện Poch (Cộng hòa Pháp), Pusan (Hàn Quốc), Nhật Bản, Bỉ… và mời các chuyên gia tư vấn thực hiện đề án (GS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam, GS Trịnh Hồng Sơn, Bệnh viện Việt Đức, bác sĩ Hoàng Anh Dũng, chuyên gia Bỉ. Đồng thời, xây dựng mô hình điều phối, tổ chức ghép phổi trên động vật thực nghiệm tiến tới thực hiện ghép trên người lấy từ người cho chết não.
PV: Trong thời gian tới, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có kế hoạch phát triển lĩnh vực ghép tạng như thế nào, thưa đồng chí?
Trung tướng, GS, TS Mai Hồng Bàng: Đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sẽ triển khai nghiên cứu, ứng dụng và phát triển đồng bộ các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người với trình độ ngang tầm một số nước có nền y học phát triển trong khu vực, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của bộ đội và nhân dân.
THÁI SƠN (ghi)
Nguồn: qdnd.vn