Mô hình CCB sản xuất chanh không hạt
Theo báo cáo của CLB Doanh nhân – CCB tỉnh Long An về các chương trình hợp tác, hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng sống của các hội viên CCB và nhân dân trong tỉnh cho tới nay đã đạt những thành quả tích cực, tiêu biểu như mô hình trồng chanh không hạt tại xã Bình Đức, huyện Bến Lức và mô hình trồng mai Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.
Từ khi tỉnh xác định cây chanh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở các xã vùng cây công nghiệp có hiệu quả kinh tế, từ đó, huyện Bến Lức chính thức thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Thạnh Hòa, mở hướng đi mới cho cây chanh Bến Lức, với hoạch định chiến lược lập quy mô diện tích chanh không hạt, xây dựng vùng chuyên canh, định hướng phát triển mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap. Thị trường tiêu thụ trái chanh trên địa bàn huyện khá phong phú như tiêu thụ trong nước và xuất khẩu qua đường chính ngạch, đường tiểu ngạch, xuất sang thị trường châu Âu, các nước Trung Đông và các quốc gia trong khu vực khối Asian.
Mong muốn phát triển bền vững, Hội CCB huyện Bến Lức thường xuyên tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, chủ trương hướng nông dân vào sản xuất kinh tế hợp tác. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ người nông dân đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở nhiều lớp hướng dẫn trồng chanh, xây dựng vùng nguyên liệu chanh theo quyết định của UBND tỉnh Long An về thực hiện Đề án “Sản xuất và tiêu thụ chanh thương phẩm”.
Đến nay, diện tích chanh toàn huyện Bến Lức khoảng 7.130ha, trong đó chanh không hạt hơn 6.560ha. Riêng diện tích trồng canh kông hạt xã Bình Đức có 125 ha.
Mô hình trồng mai vàng CCB xã Tân Tây
Theo CCB Nguyễn Văn Hoàng, Chủ nhiệm CLB trồng mai Tân Tây cho biết trước đây xã Tân Tây chỉ là một vùng bưng nghèo với hai vụ lúa cho đến hôm nay đã vươn lên thành làng mai Tân Tây nổi tiếng vùng Tháp Mười.
Những cựu chiến binh đến người dân “hai lúa” ngày nào, giờ đã trở thành nghệ nhân chơi mai nổi tiếng trong đó những bước đi tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng gồm ông và hai đồng chí Phạm Văn Trọng, Phạm Văn Đựng đều là CCB tại xã biến những thửa ruộng nhiễm phèn kém hiệu quả thành những vườn mai đạt lợi nhuận cao sau 4 đến 5 năm.
Nếu như năm 2018, toàn xã có hơn 180ha đất tràm, đất lúa được người dân chuyển sang trồng mai vàng thì đến cuối năm 2020 đã tăng lên 265ha với 300 hộ dân chuyên trồng mai kiểng. Bình quân mỗi hécta trồng được khoảng 2.000 gốc mai, sau 4 năm chăm sóc, trừ chi phí, người dân thu về lợi nhuận hơn 800 triệu đồng/ha/năm.
Từ ngày làng mai được công nhận làng nghề, thu thập của người trồng mai tăng lên khá cao, tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương với mức thù lao từ 500.000-800.000 đồng/ngày/người. Năm 2020, tổng thu nhập của người trồng mai trong xã đạt hơn 70 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về cao gấp 20 lần so với trồng lúa.