Tác phẩm gồm 6 mục, được đánh số theo chữ số la mã (từ I đến VI), đề cập những vấn đề cơ bản, có ý nghĩa quan trọng về xây dựng Đảng, xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân; giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên; phê phán những sai lầm, hạn chế của các tổ chức đảng, chính quyền, những khuyết điểm, thói hư, tật xấu của cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo, quản lý và thực hiện các nhiệm vụ cách mạng.
Không phải ngẫu nhiên mà giữa lúc “nước sôi lửa bỏng”, chính quyền cách mạng còn non trẻ và đang đứng trước muôn vàn khó khăn, thiếu thốn; kẻ địch với lực lượng hùng mạnh còn đang dồn ép để tìm cách tiêu diệt nhà nước nhân dân, xóa những thành tựu ban đầu của cách mạng, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành thời gian, tâm sức cho ra đời tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Những nội dung thể hiện trong tác phẩm quan trọng này đã cho thấy phương pháp tư duy sáng suốt, cách nhìn rất thực tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực tiễn cuộc cách mạng lúc đó, để chỉ ra những vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng.
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”
Muốn “sửa đổi lối làm việc” của Đảng thì trước hết phải nhận thức đúng về tư cách của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát tư cách của Đảng trong 12 điều cụ thể, phản ánh một cách cơ bản, dễ hiểu về bản chất, mục tiêu, nguyên tắc hoạt động, các yêu cầu cơ bản của Đảng. Đặc biệt, điều đầu tiên trong nội dung tư cách của Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Trong điều 12, về tư cách của Đảng, Người chỉ rõ: “Đảng phải luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”.
2. Nói về tư cách, yêu cầu “phận sự”, tức là trách nhiệm của đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên 3 điểm chính: Trọng lợi ích của Đảng hơn hết, rèn luyện đạo đức theo 5 tính tốt: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm và giữ kỷ luật. Theo Người, “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, cần phải có tính Đảng mới làm được việc. Kém tính Đảng, thì việc gì cũng không làm nên”. Người cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là phải “phụ trách trước dân” và “việc gì cũng bàn bạc với nhân dân, giải thích cho nhân dân. Thế là phụ trách trước nhân dân”.
Người khái quát rất ngắn gọn, dễ hiểu 6 bổn phận của người đảng viên, gồm: Suốt đời tranh đấu cho dân tộc, cho Tổ quốc; Đặt lợi ích của cách mạng lên trên hết, lên trước hết; Hết sức giữ kỷ luật và giữ bí mật của Đảng; Kiên quyết thi hành những nghị quyết của Đảng; Cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc; Cố gắng học tập chính trị, quân sự, văn hóa. Phải gần gũi quần chúng, học hỏi quần chúng, cũng như phải lãnh đạo quần chúng.
3. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh yêu cầu “đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng”. Vì không tu dưỡng, rèn luyện đạo đức tốt, không thực hiện được “chí công vô tư”, nên cán bộ, đảng viên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc sửa các khuyết điểm không khó, vấn đề là ở tấm lòng. Nếu tấm lòng ta trong sáng, nếu ta có quyết tâm cao, nếu mỗi cán bộ, đảng viên “thật thà” “tự xét mình” và “xét đồng chí mình”, “ta đã thấy rõ những bệnh ấy” thì ta sẽ tìm cách chữa và chữa được. Cách tốt nhất là dùng “thang thuốc hay nhất” để khắc phục chủ nghĩa cá nhân, sửa chữa khuyết điểm là “thiết thực phê bình và tự phê bình”.
4. Đối với công tác huấn luyện cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “...Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Đây là một nhận thức rất quan trọng của Người về ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Người chỉ ra 4 phương diện cần huấn luyện cho cán bộ: Nghề nghiệp, chính trị, văn hóa và lý luận. Về bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, Người chỉ ra các yêu cầu: Phải biết rõ cán bộ, cất nhắc một cách đúng đắn, khéo dùng cán bộ theo năng lực, bố trí cán bộ hợp lý, phải giúp đỡ, động viên và bảo vệ cán bộ.
5. Xuất phát từ nhận thức “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên 5 điểm chính trong chính sách cán bộ là: Hiểu biết cán bộ, khéo dùng cán bộ, cất nhắc cán bộ, thương yêu cán bộ và phê bình cán bộ. Đó cũng là những yêu cầu rất cơ bản trong công tác cán bộ.
Từ thực tế hoạt động của Đảng và tình hình cán bộ, đảng viên soi vào những yêu cầu, nguyên tắc của Đảng và yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra những vấn đề đang đặt ra cho công tác xây dựng Đảng; chủ yếu là những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn công tác của Đảng, những khuyết điểm, sai lầm của các đảng viên, cán bộ có trách nhiệm trong các tổ chức đảng và chính quyền. Người yêu cầu phải “kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta”.
6. Chủ tịch Hồ Chí Minh dành toàn bộ mục V để nói về nội dung, phương pháp, phong cách và các kỹ năng lãnh đạo. Theo Người, lãnh đạo có ba khâu: 1) Quyết định mọi vấn đề cho đúng, có nghĩa là xác định mục tiêu, nhiệm vụ cần làm, 2) Tổ chức sự thi hành cho đúng, 3) Kiểm soát cho đúng. Lãnh đạo đúng nghĩa là thực hiện đúng cả ba khâu công việc đó. Trong phương pháp lãnh đạo, Người chỉ rõ, dân chủ, sáng kiến và hăng hái là ba yếu tố liên quan chặt chẽ với nhau; “Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc, thì những khuyết điểm lặt vặt, cũng tự sửa chữa được nhiều”.
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời cách đây 70 năm, nhưng đến nay vẫn nóng hổi tính thời sự. Những vấn đề đặt ra trong tác phẩm cho thấy, những dự báo, đánh giá và giải pháp sáng suốt, nhưng rất thực tế của Người. Đó cũng chính là những cơ sở, gợi ý bổ ích về phương pháp luận cho chúng ta trong việc xây dựng chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chống tham nhũng, lãng phí hiện nay.
(Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương)
Nguồn: qdnd.vn