Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu thực hiện nghi thức an táng hài cốt liệt sĩ được tìm kiếm và quy tập tại Campuchia qua các thời kỳ chiến tranh về nước.
Những ngày cuối tháng 7, Câu lạc bộ Nữ cựu chiến binh (CCB) quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) bận rộn hơn hẳn so với ngày thường. Câu lạc bộ vừa tổ chức thành công Chương trình "Gian hàng đồng giá 10.000 đồng", tặng quà thương binh, người khiếm thị trên địa bàn.
Theo đó, nhờ sự giúp đỡ của doanh nghiệp và các mạnh thường quân, chương trình đã trao 34 phần quà, mỗi phần trị giá 500.000 đồng tặng thương binh là hội viên Hội CCB quận; 60 phần quà, mỗi phần trị giá 400.000 đồng tặng người khiếm thị; đồng thời tổ chức "Gian hàng đồng giá 10.000 đồng" hỗ trợ hội viên CCB và người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Ban tổ chức chương trình còn trao 3 tấn gạo tặng Hội CCB quận 7, huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè để hỗ trợ hội viên. Đồng chí Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ CCB quận Tân Bình tâm sự: "Chúng tôi rất xúc động khi thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa trong dịp này, ai cũng muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những cống hiến, hy sinh của các thương binh, liệt sĩ".
Thiếu tướng Võ Văn Thi, Phó Tư lệnh Quân khu tặng quà thương binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất.
Quân khu tổ chức nhiều đoàn đến thăm, trao quà của Bộ Quốc phòng và quân khu tặng thương binh, thân nhân liệt sĩ đang công tác; các đồng chí nguyên lãnh đạo quân khu qua các thời kỳ, Anh hùng LLVT nhân dân, thương binh, con liệt sĩ, con Bà mẹ Việt Nam anh hùng; phối hợp với địa phương trao 20 căn nhà tình nghĩa, mỗi căn trị giá 80 triệu đồng tặng các gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn; tặng 150 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 10 triệu đồng (trong đó Quân khu 70 sổ và các tỉnh 80 sổ)...
Tổng kinh phí cho các hoạt động đền ơn đáp nghĩa đợt này gần 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu duy trì tốt Phong trào “Hũ gạo tình thương”, vận động đóng góp được hàng trăm tấn gạo tặng cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng, các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng Quỹ học bổng Nguyễn Đức Cảnh trao hàng trăm phần quà tặng các em học sinh gia đình chính sách học giỏi...
Huy động nhiều nguồn lực xã hội
Những năm qua, việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công được Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng. LLVT Quân khu 7 phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân... huy động các nguồn lực xã hội thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa.
Từ năm 2016 đến nay, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, cấp ủy, chỉ huy các cấp tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng và các doanh nghiệp đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hơn 38 tỷ đồng, Quỹ “Vì người nghèo” hơn 14 tỷ đồng, Quỹ “Mái ấm công đoàn” hơn 700 triệu đồng.
Thực hiện chương trình xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, nhà "Mái ấm công đoàn", "Ngôi nhà 100 đồng", nhà "Nghĩa tình quân-dân", nhà trong điểm dân cư liền kề, chốt dân quân biên giới tặng các đối tượng chính sách được triển khai chặt chẽ, bảo đảm công khai, dân chủ, đúng đối tượng.
Kết quả, Quân khu xây dựng được hơn 2.000 căn nhà tình nghĩa tặng các đối tượng chính sách với số tiền 130 tỷ đồng, hơn 600 căn nhà đồng đội trị giá 48 tỷ đồng; tặng hơn 3.000 sổ tiết kiệm trị giá hơn 30 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp, tu bổ nhà cho đối tượng chính sách 105 căn, với số tiền gần 3 tỷ đồng. Kết quả trên là sự kết hợp các nguồn lực xã hội, với sự vào cuộc đầy tâm huyết của cấp ủy, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm...
Tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Vương quốc Campuchia.
Các đơn vị đã lồng ghép Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, công tác chính sách, hậu phương quân đội với thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới. Nhiều chương trình như: Xây dựng nhà “Nghĩa tình quân-dân”, Đề án “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới”; “Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng”... được triển khai sâu rộng.
Cụ thể, các đơn vị thuộc quân khu nhận phụng dưỡng 1.131 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (đến nay còn 527 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống); đầu tư xây dựng, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo, nâng cấp 56 nghĩa trang liệt sĩ, công trình tưởng niệm liệt sĩ với tổng kinh phí 79 tỷ đồng...
Theo Thiếu tướng Đỗ Văn Bảnh, Phó Chính ủy Quân khu 7, hiện nay, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa của LLVT Quân khu luôn nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ, trở thành phong trào sâu rộng, là nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc.
Trong thời gian tới, Quân khu 7 tiếp tục chủ động huy động tối đa các nguồn lực xã hội, phát huy vai trò, chức năng của các tổ chức và cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và chính sách hậu phương quân đội; nhân rộng mô hình, đơn vị điển hình để các đơn vị học tập, rút kinh nghiệm.