(QK7 Online) – Cùng với 5 điểm cầu gồm Hà Nội; thành phố Hồ Chí Minh; Nghệ An; Đồng Tháp; Tuyên Quang; chương trình nghệ thuật đặc biệt nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam vào lúc 20h ngày 18/5 với chủ đề xuyên suốt “Hồ Chí Minh – Sáng ngời ý chí Việt Nam”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự chương trình.
Tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức tại Bến cảng Nhà Rồng, có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí: nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, UVBCT, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Văn Bình, UVBCT, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Thiện Nhân, UVBCT, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; lãnh đạo các Bộ, nghành Trung ương; thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu dự và theo dõi chương trình.
Các em thiếu nhi tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh biễu diễn tại chương trình nghệ thuật.
Trung tướng Trần Hoài Trung (thứ hai bên trái sang), Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu theo dõi chương trình.
Chương trình được chia thành năm chương, tái hiện lại cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với những dấu mốc đáng chú ý trong lịch sử dân tộc gồm: Người trai chí lớn, Đi tìm mùa Xuân độc lập, Một nhà thống nhất, Âm thanh ngày mới, Rạng rỡ Việt Nam.
Các tiết mục văn nghệ tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh.
Với ngôn từ dung dị, mộc mạc, xuyên suốt chương trình gồm các đoạn phim tư liệu, phóng sự, các tiết mục nghệ thuật, và giao lưu trực tiếp với các học giả, nhân chứng trong và ngoài nước để hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Người.
“Đất nước đẹp vô cùng, nhưng Bác phải ra đi”, đó như là lời tự sự cho hoàn cảnh vì đêm trường tăm tối, người dân cơ cực lầm than... và người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lên đường đi tìm hình của Nước, để mang mùa Xuân độc lập về cho Tổ quốc.
Quang cảnh tại sân khấu Bến cảng Nhà Rồng, nơi tổ chức điểm cầu tại TPHCM.
“Qua theo dõi chương trình, tôi đã không cầm được nước mắt, Bác của chúng ta đã gác lại niềm riêng, tình cảm gia đình, người thân, để ra đi tìm đường cứu nước, và sau này dù là Chủ tịch nước, Bác vẫn chưa một lần đến thăm được mộ cha, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp, câu chuyện Bác nâng niu từng nắm đất của miền Nam, đó là sự hy sinh tình riêng, để tất cả cho tình yêu lớn, tình yêu Tổ quốc. Học tập Bác chúng tôi phấn đấu làm thật tốt công việc được giao ở đơn vị”. Chiến sĩ Trần Phạm Đức Chung, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Gia Định xúc động cho biết.
Giao lưu với các nhân chứng tại điểm cầu TPHCM.
Dù chưa được gặp trực tiếp Bác Hồ, nhưng thế hệ Cựu chiến binh như ông Lê Văn Thi, phường 15, Quận 4, thành phố Hồ Chí Minh thì những câu chuyện về Bác luôn tươi mới, xúc động “Tôi đánh giá chương trình rất hay và ý nghĩa, giúp người xem có cái nhìn mới hơn, sinh động và chân thật cả cuộc đời vì nước, vì non của Bác, thực sự xúc động và tự hào vì có Bác Hồ, Người đã làm rạng rỡ nhân dân ta, non sông, đất nước ta”, ông Thi chia sẻ.
Các bác CCB tham gia chương trình.
Chiến sĩ Trung đoàn Gia Định dự khán chương trình.
Thực tế dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng và Bác Hồ kinh yêu, đất nước ta đã lần lượt đánh thắng mọi kẻ thù, vượt qua phong ba, bão tố để trụ vững và ngày càng vươn cao, vươn xa, khẳng định vị thế, uy tín vững chắc trên trường quốc tế, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay.
Chương trình nghệ thuật tại điểm cầu TPHCM.
Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác Hồ, chúng ta càng tự hào và thấm nhuần sâu sắc tư tưởng, phong cách, đạo đức sáng ngời của Bác để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, tu dưỡng, rèn luyện, vươn tới những giá trị văn hóa chân, thiện, mỹ trong cuộc sống, luôn tận tâm, tận lực, hoàn thành trách nhiệm của mình. Góp phần chung tay xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong ước.
Các tiết mục văn nghệ tại điểm cầu TPHCM.
Đại biểu tham dự chương trình.
Thế Anh