Trong những ngày này, chúng ta đang phải đương đầu với những khó khăn, phức tạp do đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 lan rộng, không chỉ nhiễm trong gia đình, khu dân cư, một số bệnh viện, mà còn lây lan vào các khu công nghiệp, cơ sở tôn giáo; tốc độ lây lan rất nhanh, biến chủng khó lường. Số bệnh nhân vẫn không ngừng tăng, lượng người trong khu cách ly tập trung ngày càng lớn, số địa phương buộc phải phong tỏa, giãn cách nhiều thêm. Chính vì vậy, lúc này, rất cần sự đồng lòng chống dịch của mỗi cơ quan, tổ chức, mỗi thôn bản, khu phố, gia đình, cá nhân.
Vừa qua, chúng ta đã chứng kiến bao nhiêu hình ảnh đẹp của các y, bác sỹ, cán bộ, chiến sĩ và người dân viết đơn tình nguyện, xung phong vào tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh chống “Giặc covid”. Nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp …đã hỗ trợ hàng chục, hàng trăm tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch. Đó còn là hình ảnh của các bà, các mẹ, các anh chị, các em học sinh…gom góp mớ rau, con cá, tiền bạc, chuẩn bị lương thực thực phẩm hỗ trợ cho lực lượng chống dịch… Khí thế “tất cả cho tiền tuyến” năm xưa cứ sục sôi, tuôn trào trong mỗi người dân đất Việt.
Ấy vậy mà, vẫn còn có một số cơ sở kinh doanh chưa thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Nhiều bạn trẻ vẫn còn vô tư quán xá, ra đường hay đến nơi công cộng, không thực hiện khuyến cáo “5 K” của Bộ Y tế. Lại còn có một số cá nhân đi từ vùng dịch về, lảng tránh khai báo y tế, không hợp tác khi đưa đi cách ly. Thậm chí, có người tiếp tay đưa người nhập cảnh trái phép… Những suy nghĩ, hành động, việc làm thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm của một vài cá nhân đó, có thể sẽ làm cho cả chính quyền, các y bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ lao đao, vất vả, công sức của bao người sẽ đổ xuống sông, xuống biển.
Chúng ta đã và đang chứng kiến “thảm kịch” ở Ấn Độ và nhiều nước nghiêm trọng, phức tạp, riêng ở Ấn Độ số ca mắc mỗi ngày hàng trăm ngàn và hàng ngàn người tử vong. Vậy nên, mỗi cá nhân phải tự giác, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chủ quan để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng là chúng ta có tội với chính mình, với gia đình và xã hội.
Nếu chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có đưa ra những biện pháp mạnh thì tin rằng, mỗi người dân đều hiểu được mức độ cấp bách của dịch bệnh, chung sức, đồng lòng như chúng ta từng xác định “chống dịch như chống giặc”, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình, mỗi thôn xóm, bản làng, khu phố là một “pháo đài” chống dịch. Điều đó sẽ tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch; để cuộc sống “bình thường mới” nhanh chóng trở lại trên đất nước ta.