Chuẩn bị cho kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được gần 3.300 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, hầu hết là các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống… cần được giải quyết.
Đó cũng là những yêu cầu, đòi hỏi đối với cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và các cơ quan, đơn vị liên quan, cần tập trung giải quyết, nhất là những vấn đề bức xúc, tồn đọng kéo dài, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội phản ánh khá toàn diện các vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, đời sống xã hội, từ những vấn đề vĩ mô đến các vấn đề, vụ việc cụ thể trong công tác quản lý, điều hành ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, không chỉ thể hiện trách nhiệm với cử tri mà chính là giải quyết hiệu quả các vấn đề đặt ra, những việc “cần làm ngay”, nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh; chăm lo giáo dục-đào tạo nghề; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo vệ môi trường; an toàn thực phẩm...
Thực tế, ở các kỳ họp trước, còn không ít vấn đề, sự việc “nóng” mà cử tri kiến nghị, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, thậm chí tồn tại kéo dài. Việc trả lời, giải quyết ý kiến của cử tri đây đó còn mang tính hình thức; có những kiến nghị chỉ được trả lời bằng việc cung cấp thông tin… cho thấy thái độ, tinh thần, trách nhiệm chưa cao, thậm chí xem nhẹ ý kiến của cử tri, chưa thực sự vì quyền lợi của cử tri và nhân dân.
Thấy rõ tầm quan trọng của việc tham gia góp ý, kiến nghị của cử tri và nhân dân, ở kỳ họp Quốc hội lần này, để nâng cao chất lượng báo cáo, tổng hợp, thay vì lấy ý kiến bằng văn bản cho dự thảo, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng trao đổi, thảo luận để tổng hợp, làm rõ những vấn đề bức xúc, vấn đề được cử tri quan tâm nhất. Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thời gian chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này là 3 ngày (dài hơn so với các kỳ họp trước), bởi đây là những nội dung mà cử tri và dư luận rất quan tâm. Những việc làm trên thể hiện tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng, sẵn sàng lắng nghe và giải quyết triệt để, rốt ráo những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
6 nhóm kiến nghị mà Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp từ ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới kỳ họp Quốc hội lần này, không chỉ phản ánh những mặt hạn chế, tồn tại, mà còn thể hiện sự kỳ vọng của cử tri, nhân dân cả nước vào Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan chức năng trong việc giải quyết những bất cập, tồn tại; đề ra các chủ trương, giải pháp, chương trình hành động hiệu quả trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong mỗi nhóm kiến nghị, cũng nêu rõ những việc cần làm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan chức năng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, người đứng đầu hệ thống chính quyền các cấp.
Với trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người đại diện cho nhân dân, được nhân dân trao quyền, các đại biểu Quốc hội và người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan chức năng phải cùng trăn trở, suy nghĩ, tìm lời giải cho những vấn đề được cử tri và nhân dân kiến nghị, quan tâm, nhất là những vấn đề tồn tại, bức xúc kéo dài, vấn đề cấp thiết đặt ra...
Cử tri và nhân dân đã thể hiện trách nhiệm của mình qua việc góp ý, kiến nghị với tinh thần, trách nhiệm và xây dựng. Yêu cầu đặt ra là các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân… liên quan cần thể hiện cao nhất vai trò, trách nhiệm trong việc lắng nghe, phúc đáp, giải quyết thỏa đáng những vấn đề cử tri nêu lên, góp phần chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Qua đó, các Đại biểu Quốc hội cũng thực hiện tốt hơn vai trò cầu nối giữa cử tri với Đảng, chính quyền; mang chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với cử tri; mang tiếng nói của cử tri đến với chính quyền… nhằm tạo thêm đồng thuận “ý Đảng-lòng Dân”.
Nguồn: qdnd.vn