Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do, ấm no hạnh phúc. Nhân dân ta sẽ được hưởng cuộc sống hòa bình và làm chủ vận mệnh đất nước sau những đêm trường tăm tối, khổ sở lầm than dưới ách cai trị của thực dân Pháp. Nhưng từ năm 1945 đến cuối năm 1946, nước ta đứng trước những khó khăn chồng chất: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm ngày càng hoành hành, tình thế đất nước lúc bấy giờ tựa “ngàn cân treo sợi tóc”. Trên cơ sở đánh giá âm mưu của kẻ thù và tương quan lực lượng, đồng thời theo nguyện vọng chính đáng của Nhân dân ta là mong muốn đất nước được hòa bình, ổn định để tập trung nhân lực, tài lực, vật lực giải quyết khó khăn, xây dựng thực lực cách mạng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Đảng ta và Bác Hồ đã phải đưa ra nhiều sách lược, chiến lược để kéo dài thời gian hòa hoãn. Tuy nhiên sau rất nhiều nhượng bộ, thực dân Pháp càng lấn tới bởi chúng quyết thực hiện dã tâm xâm chiếm nước ta một lần nữa. Đứng trước yêu cầu đó, ngày 19/12/1946, Bác Hồ đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến nhằm bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng của dân tộc Việt Nam. Thực tế đã chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã trải qua không ít thời khắc khó khăn ảnh hưởng đến sự tồn vong của đất nước. Và những lúc Tổ quốc lâm nguy, Nhân dân ta, muôn người như một lại sục sôi hào khí trước những lời hiệu triệu từ “Bình Ngô đại cáo”, “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sĩ”… vùng lên đập tan mọi áp bức cường quyền, giành lại bờ cõi, núi sông, khẳng định khát vọng ngàn đời “vươn tới độc lập - tự do”. Kế thừa truyền thống quý báu đó, đáp lại Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có súng, gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”, toàn dân, toàn quân ta nhất tề đứng lên kháng chiến. Hình tượng những chiến sĩ Cảm tử quân Hà Nội “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mãi mãi là biểu tượng bất tử về một cuộc chiến tranh nhân dân mà mỗi người dân đều sẵn sàng hy sinh tất cả vì Tổ quốc. Tinh thần quật khởi đó đã làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ của quân và dân ta chống lại thực dân Pháp. Tiếp đó là 21 năm đằng đẵng, cả dân tộc Việt Nam cùng kề vai sát cánh, nếm mật nằm gai “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Đồng thời tiếp tục giành những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay. Điều đó đã chứng minh cho khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”.
70 năm qua, kể từ ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, đất nước ta đã trải qua nhiều sự kiện chính trị to lớn và tiến những bước dài trên trường quốc tế, thời cuộc đã có nhiều thay đổi, nhưng tinh thần quật khởi hào hùng của cả dân tộc từ lời kêu gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc của Bác Hồ vẫn mãi trường tồn và là bài học vô giá để tập hợp, cổ vũ, động viên toàn thể dân tộc Việt Nam xốc tới tương lai.
Trung đội tự vệ Công ty Điện lực Lâm Đồng
Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, đồng thời hưởng ứng Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phát động, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đồng lòng, chung sức đưa con thuyền Việt Nam tiếp tục vươn xa, nhanh chóng hội nhập sâu rộng và toàn diện với nền kinh tế thế giới, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.