Theo số liệu Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC) vẫn tiếp tục giảm mạnh, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu. Bán hàng thép HRC trong tháng 11 giảm khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống khoảng 499.000 tấn.
Trong đó, xuất khẩu lao dốc hơn 70% xuống còn 101.000 tấn. Mặc dù vậy, sản xuất gần như không đổi so với cùng kỳ ngoái, ở mức 548.108 tấn. Đây đồng thời là tháng giảm xuất khẩu thứ 3 liên tiếp của mặt hàng thép HRC, phản ánh sức ép lớn từ cạnh tranh với thép giá rẻ Trung Quốc và làn sóng phòng vệ thương mại trên toàn cầu.
Tính chung luỹ kế 11 tháng năm 2024, bán hàng thép HRC giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 6 triệu, trong đó xuất khẩu giảm 31% xuống khoảng 2,2 triệu tấn.
Xuất khẩu thép HRC giảm 3 tháng liên tiếp. Nguồn VSA
Trong khi đó, Trung Quốc ghi nhận xuất khẩu thép tăng 22,6% lên kỷ lục 18,6 triệu tấn, do nhu cầu nội địa yếu do lĩnh vực bất động sản chưa phục hồi đã buộc các nhà sản xuất đẩy mạnh xuất khẩu với giá cạnh tranh.
Ngoài cạnh tranh với thép giá rẻ Trung Quốc, các doanh nghiệp sản xuất HRC của Việt Nam cũng đang chịu sức ép từ làn sóng phòng vệ thương mại trên thế giới. Hồi tháng 8/2024, thép HRC Việt Nam cùng lúc phải đối mặt với hai cuộc điều tra, áp thuế chống bán phá giá từ thị trường Ấn Độ, EU.
Hiện tại, EU là thị trường xuất khẩu thép các loại lớn thứ hai của Việt Nam (sau ASEAN), chiếm 25% tỷ trọng; Ấn Độ đứng thứ 5 với 4%.
Làn sóng phòng vệ thương mại diễn ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang lên kế hoạch tăng công suất, khiến họ phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Tính đến thời điểm ngày 30/9, Hòa Phát đã rót 52.500 tỷ đồng vào dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất 2. Nhà sản xuất thép này đang dồn lực triển khai xây dựng dự án Dung Quất 2, quy mô 5,6 triệu tấn thép HRC/năm.
Theo kế hoạch, dự án Dung Quất 2 sẽ hoàn thành vào quý 1/2025 với công suất 1,5 triệu tấn/năm cho giai đoạn 1. Hòa Phát dự kiến sẽ mất khoảng 3 năm để công suất của Dung Quất 2 được vận hành đạt mức tối đa, qua đó nâng công suất thép thô lên hơn 14 triệu tấn/năm.
Hiện nay, dự án này đã hoàn thành 80% tiến độ phân kỳ 1 và 50% phân kỳ 2. Theo đó, phân kỳ 1 dự kiến sẽ có sản phẩm chạy thử nóng đầu tiên vào cuối năm và đi vào khai thác thương mại để ghi nhận doanh thu từ đầu quý 1/2025. Phân kỳ 2 hoàn thiện và hoạt động vào quý 4/2025.
Tính đến thời điểm ngày 30/9, Hòa Phát đã rót 52.500 tỷ đồng vào dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất 2
Chia sẻ về áp lực tiêu thụ trong giai đoạn này, lãnh đạo Hòa Phát cho biết phải mất 4 năm để đạt công suất 5,6 triệu tấn, sản lượng tiêu thụ sẽ tăng dần theo thị trường và phụ thuộc vào sức ép bán hàng.
Để giải quyết bài toán tiêu thụ, Hòa Phát đang tích cực đẩy mạnh kênh xuất khẩu và tìm kiếm các thị trường mới, trong khi thị trường nội địa vẫn là trọng tâm.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã khởi xướng cuộc điều tra chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, giúp phần nào hạ nhiệt áp lực từ thép nhập khẩu.
Với nền tảng hạ tầng đang được cải thiện và các chính sách hỗ trợ, tiêu thụ thép trong nước sẽ là cứu cánh cho các nhà sản xuất như Hòa Phát trong bối cảnh xuất khẩu còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải linh hoạt ứng phó với rủi ro từ cạnh tranh quốc tế và làn sóng phòng vệ thương mại để duy trì tăng trưởng bền vững.
Thúy Hà