(QK7 Online) - Mỗi năm, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các thế lực thù địch lại rêu rao những luận điệu xuyên tạc, tạo các luồng thông tin ngược dòng lịch sử, phủ nhận Chiến thắng 30/4 và thành tựu công cuộc xây dựng, đổi mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và CNXH. Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
49 năm sau ngày thống nhất Tổ quốc, đất nước ta đã làm nên những bước phát triển kỳ tích, nhất là trong hơn 35 năm đổi mới. Nhiều năm liên tục, nền kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng dương trên 7%, trở thành nền kinh tế có tốc độ phát triển thuộc tốp đầu của thế giới. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế có bước phát triển. An sinh xã hội được quan tâm, đời sống của Nhân dân tiếp tục được cải thiện, chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Đảng, Nhà nước ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao. Tổng Thư ký Liên Hợp quốc António Guterres nhận xét: “Ở thời điểm mới gia nhập Liên Hợp quốc, Việt Nam đang đối mặt với các vấn đề đói nghèo. Còn ở thời điểm hiện tại, Việt Nam được biết tới như một nền kinh tế đầy năng động. Vị thế của Việt Nam ngày càng được đề cao và tiếng nói của Việt Nam ngày càng được coi trọng tại Liên Hợp quốc …”.
Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều quốc gia; trong đó có các quốc gia từng trực tiếp hoặc tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam để cùng hợp tác, phát triển. Mục tiêu của Việt Nam là giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, mong muốn đóng góp sức mình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội, các phần tử chống phá lợi dụng một bộ phận cộng đồng dân cư mạng còn hạn chế về nhận thức hoặc những người có tư tưởng bất mãn để lôi kéo, tạo luồng dư luận “xấu”, “độc”, tạo các tin nhắn ảo trên không gian mạng, tổ chức livestream để phủ nhận thành quả của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta; chúng dùng những luận điệu cũ rích, rêu rao rằng đó là “ngày quốc hận”, “tháng 4 đen”; chúng gọi đây “thực chất chỉ là nội chiến, là chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh ý thức hệ nên không đáng tự hào”... Nguy hại hơn là các thế lực thù địch tập trung tấn công vào đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Chiến thắng 30/4 mãi là mốc son chói lọi bằng vàng, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, được cả thế giới ngưỡng mộ và tôn vinh. Mọi sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị đều không làm phai nhạt giá trị, ý nghĩa lịch sử của sự kiện 30/4/1975.
Mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân cần nêu cao cảnh giác, kiên quyết, chủ động đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, phản động của các thế lực thù địch xuyên tạc chiến thắng 30/4/1975, kịp thời ngăn chặn, uốn nắn những nhận thức, quan điểm lệch lạc, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ mới.
Trần Rô