“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là công trình ý nghĩa và tâm huyết của cán bộ, chiến sĩ LLVT phường 8, quận Phú Nhuận trong “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đơn vị đã tiến hành số hóa, truy cập ứng dụng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” bằng mã điện tử QR với phiên bản tiếng Việt để tra cứu thông tin, tập tin ghi âm nội dung giới thiệu về cuộc đời, biên niên sự kiện, quá trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều tác phẩm kinh điển như bản Tuyên ngôn Độc lập, Di chúc của Bác Hồ, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Đường Kách mệnh; tuyển tập thơ, mẩu chuyện về Bác, các bài hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Thời gian qua, thành phố Thủ Đức và các quận huyện, đơn vị, cơ quan trên địa bàn thành phố đã nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng mỗi tổ chức cơ sở đảng, mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi khu phố… thực sự là một không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ. Đến nay, đã lần lượt hình thành không gian văn hóa tại công viên, các cơ sở tôn giáo, trong khuôn viên các cơ quan, tổ chức trên địa bàn. Có nơi triển khai xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại các điểm đến du lịch, nhà truyền thống; xây dựng khu vực trưng bày, triển lãm hình ảnh, tư liệu về Bác, thành lập “Tủ sách Hồ Chí Minh”. Có địa phương đưa mô hình “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Nhà truyền thống quận với nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu các tác phẩm của Bác, triển lãm “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”...
Tuyên truyền “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh” tại “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”
Các bạn trẻ tìm hiểu về “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh” tại “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”
Hiện nay, các đơn vị, địa phương đang tích cực mở các chuyên mục “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trên trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội, bản tin nội bộ và thường xuyên đăng tải các bài viết, đoạn phim ngắn giới thiệu, chia sẻ những mô hình, cách làm trong học tập và làm theo Bác; những lời Bác dạy; các giải pháp, hiến kế việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh nhằm lan tỏa sâu rộng đến khắp các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn thành phố. Các địa phương còn sáng tạo, nâng cao hiệu quả các phương thức tuyên truyền, nhất là cổ động trực quan tại các khu vực công cộng, nơi tập trung đông người, trụ sở cơ quan, đơn vị hướng đến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trên địa bàn, hưởng ứng xây dựng nếp sống tốt, hành động đẹp.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Lan tỏa việc học tập và làm theo Bác đến mỗi cán bộ, đảng viên và người dân thành phố
Theo số liệu tổng hợp của Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, sau một năm triển khai xây dựng, thành phố đã có 2.906 mô hình “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại trụ sở cơ quan, đơn vị, thiết chế văn hóa, thể thao, di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng, nhà truyền thống, thư viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, trường học, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, chợ, không gian công cộng, khu nhà trọ, chung cư... Tổ chức 2.009 hội nghị, hội thi, chương trình nghệ thuật; 1.365 tác phẩm văn học nghệ thuật; 22.994 cuộc triển lãm ảnh, trưng bày, giới thiệu sách về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố.
Nhấn mạnh về ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại thành phố mang tên Bác, đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TPHCM là công trình lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố, nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Đây vừa là vinh dự lớn, trách nhiệm lớn của Đảng bộ và nhân dân thành phố mang tên Bác.
Để việc triển khai xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” có chiều sâu, vững chắc, đồng chí Phạm Phương Thảo cho rằng cần có sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, của tất cả các hộ gia đình, trong đó Đảng bộ, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị giữ vai trò nòng cốt. Cùng với phát huy vai trò quản lý nhà nước về văn hóa, tạo điều kiện để xây dựng thành công không gian văn hóa Hồ Chí Minh - động lực thúc đẩy phát triển đi lên của TPHCM trong giai đoạn mới.
“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” đang hiện ra sống động, ngày càng lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân thành phố. Thời gian tới, mặc dù còn nhiều việc phải làm, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cần phải tiếp tục được tổng kết và làm sáng tỏ, song chúng ta có cơ sở để tin vào kết quả tốt đẹp của chủ trương xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trên thành phố mang tên Người, làm cho tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhận thức, tinh thần làm việc của các giới, ngành, thành phần trên địa bàn thành phố.