Trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý quy định của dự thảo luật về thời hạn sử dụng đất để sản xuất kinh doanh áp dụng theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh thời gian thông qua dự án luật này từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018) để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân, hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm xây dựng thành công ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường thông tin, tuyên truyền, làm rõ những vấn đề được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm để tạo sự đồng thuận cao đối với các nội dung của dự thảo luật, tránh để nhân dân hiểu nhầm, hiểu sai vấn đề.
Những ngày gần đây, một bộ phận người dân ở một số tỉnh, thành phố lấy lý do phản đối dự thảo luật đặc khu đã tổ chức tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của phần đông nhân dân. Đặc biệt, một phận người dân nghe theo sự lôi kéo, kích động của các thế lực phản động tụ tập, quấy phá, khiến tình hình trở nên phức tạp. Điển hình như vụ việc ngày 10 và 11/6, nhiều người dân đã xô đổ cổng, sau đó tràn vào trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận trên đường Hải Thượng Lãn Ông, thành phố Phan Thiết để la hét, đốt phá. Cũng tại Bình Thuận trong ngày 11/6, hàng ngàn người dân đã tràn ra quốc lộ 1, đoạn ngã ba cầu Nam, thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong. Mặc dù đã được can ngăn, yêu cầu không gây phức tạp tình hình, nhưng nhiều người quá khích vẫn cứ ném đá, vật cứng vào lực lượng chức năng. Trước đó, ở thành phố Hồ Chí Minh, một bộ phận nhân dân bị kẻ xấu lợi dụng, tập trung đông người, làm ảnh hưởng đến tình hình sinh hoạt, tham gia giao thông.
Chị Phạm Hoàng Thu Thủy, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Bản thân tôi qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng có nắm bắt về dự thảo luật đặc khu. Tôi thấy đây là một vấn đề quan trọng của đất nước. Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận cụ thể, sát thực, dư luận cũng rất quan tâm. Tôi thấy đây mới chỉ là dự thảo và nó sẽ còn thay đổi, chỉnh sửa sao cho phù hợp. Chỉ đáng tiếc là vấn đề này đã làm cho một bộ phận nhân dân chưa hiểu đúng bản chất sự việc, dẫn đến có sự hiểu lầm. Chúng ta đừng đẩy vấn đề đi quá xa, bởi đây có thể sẽ là cái cớ để các thế lực thù địch lợi dụng gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Tôi mong rằng người dân cần bình tĩnh, xem xét sự việc khách quan, tránh làm những việc vi phạm pháp luật”.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Dưỡng, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Từ xưa đến nay, nhân dân ta luôn có một lòng nồng nàn yêu nước. Tuy vậy, tinh thần yêu nước của một bộ phận nhân dân đang bị lợi dụng hoặc nhân dân thể hiện lòng yêu nước chưa đúng cách. Qua những sự việc như tụ tập đông người, gây rối làm mất an ninh trật tự ở một số nơi, tôi chỉ mong rằng, người dân cần phải có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, không nghe theo kẻ xấu xúi dục chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.
Ông Nguyễn Văn Thông, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Nói về dân, ông cha ta đã tổng kết “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, có dân thì có tất cả, mà mất dân là mất hết” vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện tốt nhiều chủ trương, chính sách tích cực chăm lo, đời sống cho nhân dân, phát triển kinh tế, xã hội, từ đó nhân dân có niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Để tiếp tục phát huy nó, nhân dân ta càng phải giữ vững lòng tin, kiên định lập trường, không để các thế lực thù địch lợi dụng, gây mất đoàn kết”.
"Mãi mãi niềm tin theo Đảng" (Ảnh: hanoimoi.com.vn)
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Trong di sản giá trị tư tưởng của Người, có thể nói chữ “Dân” thật sự giá trị và thiêng liêng. Dân là gốc rễ. Vì vậy, trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Bác tâm niệm rằng cái gì tốt và có lợi cho dân cái đó là chân lý. Triết lý mà Bác đã truyền lại cho chúng ta ngày nay như một lẽ sống là “Kim chỉ nam” cho mọi hành động của Đảng.
Hiện nay, Đảng ta đang ra sức thực hiện các nhiệm vụ mà Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra, đó là phát triển kinh tế, phát triển văn hóa kết hợp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy lùi được quan liêu, tham nhũng, phòng ngừa được sự suy thoái đạo đức thì dân sẽ một lòng đi theo Đảng. Ngay cả khi Đảng gặp khó khăn nhân dân vẫn một lòng đi theo Đảng và niềm tin đó ngày càng được củng cố, giữ vững.