Đội 5 với các chiến đấu viên tinh nhuệ nhất trong số các đội biệt động Sài Gòn-Gia Định thời bấy giờ đã đảm nhận nhiệm vụ tấn công mục tiêu này với sự quả cảm, can trường trong vòng vây của địch… đã tạo nên chấn động lớn đối với chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ.
Thề chiến đấu đến viên đạn cuối cùng
Cựu chiến binh Nguyễn Đức Hòa, chiến đấu viên của Đội biệt động 5 ngày ấy ngồi trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà ở vùng ngoại thành TP Hồ Chí Minh về ký ức của 50 năm trước. Câu chuyện của ông ngày càng sôi nổi, hào hứng, rõ mồn một như mới vừa hôm qua và chính ông không giấu được niềm tự hào lớn nhất của cuộc đời mình. Ông là một trong số 15 chiến đấu viên tuổi đôi mươi triển khai trận đánh tấn công Dinh Độc Lập vào đêm mồng 1, rạng sáng mồng 2 Tết, diệt gọn hơn 100 tên địch và nhiều xe quân sự, chiến đấu ác liệt suốt hơn một ngày, tạo một đòn choáng váng đối với chính quyền và quân đội Sài Gòn.
“Chúng tôi nhận nhiệm vụ đánh vào Dinh Độc Lập và cầm giữ ở đó vài ba giờ đồng hồ để chờ lực lượng chủ lực từ Bình Dương di chuyển xuống chi viện- Đồng chí Hai Thanh, Chỉ huy Đội 5 triển khai nhiệm vụ ở căn cứ bí mật ở Trảng Bàng (Tây Ninh) cho chúng tôi ngay sau giây phút Giao thừa. Sau khi nhận nhiệm vụ, anh em trong đội háo hức lắm. Đây là một trận đánh trực diện, bất ngờ vào cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn, nơi được bảo vệ nghiêm ngặt với lực lượng phòng vệ dày đặc được bố trí xung quanh. Nhưng tất cả điều đó không gieo lại sự sợ hãi nào. Mọi người có quyết tâm rất cao, thề cùng nhau sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng dù địch có đông và mạnh gấp nhiều lần” - Cựu chiến binh Nguyễn Đức Hòa nhớ lại.
Rạng sáng mồng 1 Tết, khi bình minh chưa ló rạng, những chiến đấu viên Đội 5 chia nhỏ đội hình đón xe lam từ Trảng Bàng (Tây Ninh ngày nay) vào nội thành với sự hướng dẫn của nữ giao liên Võ Thị Chính Nghĩa. Đội đã tiếp cận hai cơ sở vũ khí của ta và được nhận hai khối thuốc nổ, bộc phá, B40, lựu đạn và nhiều súng đạn khác… Nguyễn Đức Hòa tự tay thiết kế hai trái nổ lớn. Đến chiều tối mồng 1 Tết thì vũ khí đã được chuẩn bị hoàn tất. Đêm mồng 1, rạng sáng mồng 2 Tết, khi nội thành Sài Gòn chìm trong bóng đêm, 15 chiến sĩ Đội 5 lặng lẽ di chuyển trên 3 xe tải và hai xe máy vào trung tâm Sài Gòn mà không gặp trở ngại nào. Theo phương án, 3 giờ sáng mồng 2 Tết, toàn đội tiến công ở cổng sau của Dinh, ngay ngã tư đường Nguyễn Du và Thủ Khoa Huân ngày nay, nhằm tạo yếu tố bất ngờ, khống chế và tiêu diệt lực lượng phòng vệ quan trọng nhất ở khu nhà phòng vệ của ngụy đóng quân để bảo vệ cho Dinh Độc Lập.
Khi tiếp cận cổng Dinh, đồng chí Công bắn hạ một tên lính gác, còn Nguyễn Đức Hòa ném lựu đạn vào lô cốt diệt mấy tên lính, sau đó ôm bộc phá lao đến cổng, kích nổ phá cổng để các xe và đồng đội xông vào. Thật không may là hai quả bộc phá đều không phát nổ. Ngay lập tức, đồng chí Hai Thanh hô to: Hãy vào ở cửa nhỏ, tấn công vào hai dãy nhà của lực lượng phòng vệ của địch. Lúc này, địch ở trong khu nhà này bàng hoàng, ngái ngủ lao ra cửa đã bị chúng tôi diệt gọn. Các chiến sĩ biệt động chiếm từng căn phòng, khu hành lang và tiêu diệt nhiều tên địch.
Nhiều tiếng nổ lớn xé toang màn đêm đã làm chấn động cả khu vực Dinh Độc Lập. Các lực lượng phòng vệ Dinh tổng thống ngụy huy động nhiều lực lượng và xe bọc thép bao vây, đáp trả. “Lực lượng ít của ta ít trong khi quận địch gấp hàng chục lần đã gây bất lợi lớn. Đồng chí Ba Thanh (tên thật là Tô Hoài Thanh) khi đi gần tôi đã bị trúng đạn của địch từ phía trong Dinh bắn ra, còn tôi bị thương ở vai. Lúc gục xuống, đồng chí Ba Thanh gượng sức nói với mọi người một câu trước khi trút hơi thở cuối cùng: Dù có chuyện gì thì các đồng chí vẫn phải bám trận địa. Tôi biết sức của tôi không còn...”- ông Hòa nhớ lại.
Hai bên giằng co quyết liệt suốt hơn 3 giờ đồng hồ, lực lượng của ta đánh chiếm toàn bộ khu phòng vệ của địch, tuy nhiên có đến 7 đồng chí hy sinh và 4 người khác bị thương. Đến 5 giờ 30 phút ngày mồng 2 Tết, địch huy động lực lượng phản kích mạnh, Tiểu đoàn dù của địch đóng ở công viên Tao Đàn cạnh Dinh Độc Lập đã cho quân leo rào, áp sát, phản kích ta dữ dội. Biết khó có thể trụ được trong tình thế đó, chúng tôi quyết định rút ra ngoài khi toàn đội chỉ còn lại 8 người, trong đó có 4 người bị thương. Để thoát ra ngoài, các chiến sĩ biệt động đã tập trung hỏa lực bắn xối xả về phía địch, người khỏe dìu người bị thương, băng qua đường Nguyễn Du và chiếm khu nhà tầng đang xây dựng trên đường Thủ Khoa Huân (quận 1). Trong quá trình băng qua đường, Nguyễn Đức Hòa đã kịp ném lựu đạn hạ được một xe tuần tiễu của địch, cùng đồng đội cướp được một khẩu đại liên trên xe. Khi vào cố thủ trong tòa nhà này, mọi người được chia khu vực để kiềm chế địch và dùng thuốc nổ phá hủy lối đi lên của tòa nhà khiến địch không thể tiếp cận từ dưới lên.
Can trường giữa vòng vây
Khi trời đã sáng hẳn, địch huy động nhiều lực lượng bao vây toàn bộ tòa nhà nơi chúng tôi trú ẩn, các chiến sĩ từ trong khu nhà bắn ra, địch từ ngoài bắn vào, kêu gọi ta đầu hàng. Có lúc địch huy động máy bay trực thăng quần thảo trên tòa nhà để truy tìm và uy hiếp. Chúng tôi phải liên tục di chuyển về phía sau tòa nhà để tránh đạn vừa cố thủ ở những vị trí thuận lợi, an toàn và dễ quan sát, bắn ngăn chặn không cho địch tiếp cận lên trên tòa nhà. Đồng chí Nguyễn Đức Hòa và Bảy Quốc được phân công giữ tầng 1, khi địch tiếp cận vào sân đã bị hai người này dùng thủ pháo và lựu đạn tiêu diệt, đánh bật ra ngoài, thu được một số vũ khí và đạn để tiếp tục cố thủ, đáp trả những đợt đánh chiếm của địch.
Thế giằng co ác liệt kéo dài từ sáng cho đến gần 18 giờ chiều mồng 2 Tết, số đạn mang theo đã cạn và thêm một chiến sĩ bị hy sinh nhưng các chiến sĩ biệt động vẫn cố thủ an toàn, địch không thể tiếp cận được tòa nhà và chúng buộc phải tạm ngưng tấn công.
Đêm mồng 2 Tết, khi số đạn chỉ còn lại rất ít, đồng chí Trương Văn Rồi và đồng chí Hai Thanh (tên thật là Nguyễn Văn Vân) bàn bạc kỹ tình hình để có quyết định. Nhiệm cụ cầm cự ở mục tiêu mấy giờ đồng hồ, địch liên lục bao vây và phát loa đầu hàng, như vậy chắc chắn hợp đồng tác chiến của ta bị “bể”, lực lượng chi viện của ta không vào được. Mình bị thiệt hại quá nửa số quân, đạn cũng đã hết sạch, cần phải nhanh chóng mở đường máu để rút. Lúc đó, trong lúc quan sát toàn bộ tòa nhà, chúng tôi phát hiện được một lối thoát qua nhà bên cạnh ở khu vực phía sau tòa nhà nơi mà bọn địch không ngờ tới. “Trong đêm, chúng tôi gắng sức dìu nhau vượt ra khỏi tòa nhà, mãi gần sáng mới đến gần đường Gia Long và ở lại tầng 6 của tòa nhà này. Đến sáng mồng 3 Tết, địch lại tiếp tục bao vây, kêu gọi đầu hàng không được nên đã đưa lực lượng tiến sâu vào tòa nhà và phát hiện chúng tôi đã tẩu thoát. Địch cho phong tỏa toàn bộ khu vực và truy tìm từng căn nhà để bắt bằng được chúng tôi. Sáng mồng 3 Tết, địch lục soát toàn bộ khu vực các nhà ở xung quanh, khi bị phát hiện chúng tôi đã sử dụng những viên đạn cuối cùng bắn trả quyết liệt trước khi bị bắt vào lúc 10 giờ mùng 3 Tết”, ông Nguyễn Đức Hòa kể lại giây phút ác liệt nhất trước khi bị bắt giữ.
Các chiến sĩ biệt động bị bắt giữ sau đó bị chính quyền ngụy kết án chung thân khổ sai, đày ra Nhà tù Côn Đảo. Trải qua những năm tháng tù đày ở Nhà tù Côn Đảo, bị địch tra tấn tàn bạo vẫn giữ khí tiết kiên trung, không khai cơ sở bí mật của ta và vẫn kiên trì đấu tranh trong tù, cho đến năm 1974 ông được trao trả theo Hiệp định Paris. Giờ đây, ông Nguyễn Đức Hòa mang trên mình những thương tật trong trận đánh lịch sử ấy, sau khi đất nước hòa bình, thống nhất. Mỗi dịp họp mặt truyền thống, gặp gỡ các đồng đội cũ, ký ức của trận đánh Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân năm nào lại ùa về, nổi sôi niềm tự hào trong cõi bất diệt và ông Hòa đã bao lần bật khóc những giọt nước mắt tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh trong trận quyết chiến dũng mãnh, tạo tiền đề và những bài học kinh nghiệm cho đại thắng mùa Xuân năm 1975 đưa non sông về một mối.
Nguồn: QĐND