Sáng 30/4 Quân đoàn III tấn công cổng số 5 sân bay Tân Sơn Nhất
Ảnh: Tư liệu
Trước tình hình trên, Bộ Công chánh đề nghị các bộ liên quan thanh toán trước tiền đất do Pháp trưng dụng từ năm 1949. Theo đó, diện tích trong khu hàng không dân sự sân bay Tân Sơn Nhất là 297 mẫu 35 sào 77 thước, do Bộ Tài chánh chi trả là 63 triệu đồng (theo giá tính của Tòa Tỉnh trưởng Gia Định gồm: 59.471.540đ tiền mua đất và 3.122.260đ tiền thuê từ năm 1949 đến năm 1955); diện tích trong khu quân sự gồm 170 mẫu (50 mẫu thuộc khu vực không quân và 120 mẫu thuộc khu vực lục quân) do Bộ Quốc phòng chi trả. Tuy nhiên, Bộ Tài chánh và Bộ Quốc phòng không trả. Bộ Tài chánh trả lời: “chỉ nên xét bồi thường thiệt hại cho tư nhân tại phi trường Tân Sơn Nhứt khi nào vấn đề chung về công sản được giải quyết dứt khoát giữa Việt Nam và Pháp”. Ý kiến của Sở Pháp chế và tố tụng cho rằng, số đất do Pháp trưng chiếm để xây dựng và nới rộng sân bay Tân Sơn Nhất trước năm 1955 phải do chính phủ Pháp hoàn trả cho người dân (cả tiền mua đất tính từ thời điểm 1949 và tiền thuê đất từ 1949 đến năm 1955); chính quyền Sài Gòn chỉ chịu trách nhiệm trả tiền số diện tích đất được mua sau năm 1955, khi Pháp đã hoàn toàn bàn giao sân bay Tân Sơn Nhất.
Đến năm 1957, Nha Căn cứ hàng không lại tiếp tục đề nghị Bộ Công chánh và giao thông “giải quyết vấn đề thanh toán quyền lợi cho các tư nhân có đất đai bị chiếm hữu trên phi trường Tân Sơn Nhứt từ hồi Pháp thuộc”. Ngoài diện tích đã thanh toán, số đất chưa trả tiền gồm: khu vực dân sự 300 mẫu tây (ha), khu vực dân sự 85 ha (không quân 52 ha, lục quân 33 ha). Theo Nha Căn cứ hàng không, số tiền chính quyền Sài Gòn phải trả cho người dân gồm 81.042.000đ; trong đó tiền mua đất là 77.000.000đ, tiền thuê đất từ năm 1949 đến năm 1955 là 4.042.000đ.
Mặc dù đã có nhiều công văn của Bộ Công chánh và giao thông gửi Bộ Tài chánh và Bộ Quốc phòng, nhưng việc bồi thường đất cho người dân (do Pháp chiếm dụng làm sân bay Tân Sơn Nhất chưa trả tiền) vẫn chưa được chính phủ Việt Nam cộng hòa giải quyết. Đến năm 1962, vẫn còn nhiều đơn thư của các chủ đất, các luật sư, kể cả luật sư người Pháp đòi chính quyền trả tiền đất bị trưng chiếm. Trước tình hình trên, ngày 3-7-1963, Bộ Nội vụ chính quyền Sài Gòn ban hành Nghị định số 335-BNV/HC/11/NĐ “Về việc nhượng lại cho Bộ Công chánh và giao thông các sở đất tọa lạc tại các xã Tân Sơn Hòa, Tân Sơn Nhì, An Hội, Thông Tây Hội, Hạnh Thông và Phú Nhuận thuộc tỉnh Gia Định để mở rộng phi trường Sài Gòn – Tân Sơn Nhứt”. Bằng nghị định trên, chính quyền Sài Gòn đã hợp pháp hóa việc truất hữu các thửa đất xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngoài số diện tích đất bị truất hữu theo nghị định nói trên, đối với những thửa lẻ đã hội đủ hồ sơ mua bán, chính quyền Sài Gòn lần lượt làm thủ tục chi trả tiền cho người dân. Ngày 15-6-1964, Thủ tướng Chính phủ Sài Gòn ban hành Nghị định số 1161 chấp thuận chi trả tiền đất cho “49 hồ sơ của các sở hữu chủ có dưới 5.000 thước vuông đã nạp đầy đủ giấy tờ và ký hợp đồng bán đất với giá 30đ một thước vuông do Chánh phủ ấn định, diện tích chung là 116.255 thước vuông trị giá 3.487.650đ”. Tiếp đó, chính quyền Sài Gòn còn tiếp tục thanh toán một số trường hợp đã hoàn tất hồ sơ mua bán. Cụ thể, ngày 19-12-1967, Phủ Thủ tướng ban hành Nghị định số 1772 hợp thức hóa việc mua 13.350 m2 các thửa đất tọa lạc tại xã Hạnh Thông (quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định) với giá tiền 400.500đ. Mặc dù vậy, việc khiếu kiện, đòi chính quyền Sài Gòn đền bù đất trưng dụng để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất vẫn tiếp tục kéo dài đến năm 1974.
(Còn nữa)