Với hơn 65 năm tham gia hoạt động cách mạng, trong đó phần lớn là hoạt động trong quân đội, Đại tướng Văn Tiến Dũng là “một vị tướng có tinh thần quyết thắng lớn và tài thao lược xuất chúng”(1). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ông làm Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đại đoàn 320, trực tiếp chỉ huy đánh địch ở vùng Liên khu 3.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với cương vị là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng được giao trọng trách chỉ đạo trực tiếp nhiều chiến dịch lớn: Chiến dịch Đường 9-Nam Lào (1971); Chiến dịch Trị Thiên (1972); Chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3-1975) và làm Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định (tháng 4-1975). Là một trong những vị tướng chỉ huy xuất sắc của quân đội, Đại tướng Văn Tiến Dũng có những quan điểm đúng đắn về nghệ thuật tạo và chớp thời cơ trong chiến tranh. Nhờ đó, đã góp phần đặc biệt quan trọng trong chỉ huy, chỉ đạo chiến tranh, quyết định những thắng lợi vẻ vang về quân sự trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
1. Thời cơ có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến tranh
Đại tướng Văn Tiến Dũng với những hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộc Việt Nam và của nhân loại, cùng với sự mẫn cảm của người tướng cầm quân, ông có nhận thức và luôn đánh giá đúng tầm quan trọng đặc biệt của thời cơ trong chiến tranh. Theo Đại tướng, thời cơ chính là cơ hội thuận lợi trong một thời điểm nhất định. Nếu biết tạo và chớp thời cơ sẽ biết mở đầu, điều khiển và kết thúc chiến tranh đúng lúc, đúng cách giành thắng lợi. Nhưng muốn có thời cơ và tận dụng được thời cơ thuận lợi thì phải có nghệ thuật tạo thời cơ và khi thời cơ xuất hiện phải nắm vững, chớp lấy thời cơ đó không được bỏ lỡ. Vì rằng trên thực tế, dù có xác định mục tiêu đúng, nhưng không có nghệ thuật tạo thời cơ và chớp thời cơ thì không thể điều khiển và kết thúc chiến tranh thắng lợi. Nguyễn Trãi cho rằng: Người giỏi dùng binh là ở chỗ biết rõ thời thế. Được thời, có thế, thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn; mất thời, không thế thì mạnh hóa ra yếu, yên hóa ra nguy; sự thay đổi ấy chỉ trong khoảng trở bàn tay. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ trong bài thơ Học đánh cờ: “Lạc nước, hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời, một tốt cũng thành công” (2).
Chính từ quan điểm đúng đắn này mà trong suốt thời gian tham gia chỉ huy kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và nhất là trong chỉ đạo kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau này, Đại tướng Văn Tiến Dũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề tạo thời cơ và chớp thời cơ để giành thắng lợi. Điều đó góp phần lý giải vì sao kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976 được Bộ Tổng tham mưu thực hiện do ông chỉ đạo đã chuẩn bị rất công phu từ giữa năm 1973, với 8 lần dự thảo để trình Bộ Chính trị (3), trong đó đặc biệt chú trọng tới vấn đề thời cơ chiến lược. Cũng chính tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề thời cơ để giải phóng miền Nam mà Bộ Tổng tham mưu còn chuẩn bị một phương án khác và được Bộ Chính trị thông qua để lợi dụng thời cơ với phương hướng hành động là: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”(4).
2. Phải chủ động tạo ra thời cơ
Thời cơ là do những điều kiện khách quan và chủ quan chín muồi xuất hiện. Song, thời cơ không phải tự nó đến, mà phần lớn do ta chủ động tạo ra và thúc đẩy thời cơ đến sớm và có thể phát triển, mở rộng thời cơ từ thời cơ nhỏ thành thời cơ lớn, thời cơ chiến lược. Vì thế, muốn có thời cơ phải chủ động tạo ra thời cơ. Nhận rõ vấn đề này, trong những năm chỉ huy chiến đấu ở Đại đoàn 320, nhằm chống lại những kế hoạch quân sự của thực dân Pháp, đồng chí Văn Tiến Dũng đã nhận thấy do cán bộ chỉ huy và bộ đội ta có những khuyết điểm, ảnh hưởng đến hiệu quả chiến đấu. Với trách nhiệm của người Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy, ông đã kịp thời triển khai việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, nghiêm túc phê phán biểu hiện thụ động, chờ thời không tích cực, chủ động tạo ra thời cơ. Trong đó, ông chỉ rõ “tư tưởng chỉ đạo có khuyết điểm, chưa đặt vấn đề phối hợp với chiến trường chính đúng mức, còn thiên về giữ gìn lực lượng, chờ đợi thời cơ" (5).
Để chủ động tạo ra thời cơ, theo Đại tướng Văn Tiến Dũng phải bám sát tình hình, nhất là diễn biến mau lẹ của cuộc chiến tranh, đặc biệt là về so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch. Phải căn cứ vào âm mưu, thủ đoạn hoạt động của địch để có hành động tác chiến kịp thời, chính xác, tạo ra những hiệu ứng lớn gây cho địch những bất ngờ cả về chiến thuật và chiến lược. Từ bất ngờ, bị động sẽ đẩy địch tới sai lầm về chiến thuật, về chiến lược, nhờ đó, ta lại có thời cơ mới. Ông chỉ rõ: "Muốn tạo thời cơ, tranh thủ thời cơ, trước hết phải quán triệt tư tưởng chỉ đạo: Kiên quyết tiến công, tích cực tiêu diệt địch"(6); và nhấn mạnh: "Nếu không có tinh thần kiên quyết và liên tục tiến công thì không thể tạo được thời cơ tốt, có thời cơ tốt cũng bỏ lỡ mà có khi còn bị địch ép vào thế bị động rất nguy hiểm"(7). Quan điểm này của Đại tướng Văn Tiến Dũng được thể hiện rõ khi ông chỉ đạo Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên (tháng 3-1975), nhất là khi ta chọn và chuẩn bị đánh trận mở đầu then chốt vào thị xã Buôn Ma Thuột. Khi bàn về phương án đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột (cuối tháng 2-1975), Đại tướng cho rằng “Cho đến nay, địch vẫn chưa nghĩ đến việc ta có thể tổ chức tiến công bằng lực lượng quy mô lớn và cũng chưa biết vào thời gian nào. Phía Buôn Ma Thuột này, địch chưa biết rõ lực lượng ta, trừ trường hợp ta di chuyển bị lộ. Trong những ngày tới phải tiếp tục làm cho địch vẫn yên trí hướng tiến công của ta là Kon Tum, Plei-cu. Vấn đề thời cơ là ở chỗ này. Phải đẩy mạnh hoạt động sắp tới ở Kon Tum và Plei-cu để củng cố thêm sai lầm của địch’’(8).
Cũng nói tới quan điểm của Đại tướng Văn Tiến Dũng về nghệ thuật chủ động tạo thời cơ trong chiến tranh, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo kể: “Tôi có dịp làm việc với anh Văn Tiến Dũng ở Liên khu III khi Đại đoàn 320 và Đại đoàn 304 hiệp đồng đánh vào vùng Kim Sơn, Ninh Bình trong kháng chiến chống Pháp. Anh chỉ huy rất kiên quyết và có nhiều ý kiến sáng tạo rất hay... Đến chống Mỹ, anh được cử vào chỉ đạo Mặt trận Tây Nguyên đánh Buôn Ma Thuột. Quyết tâm của anh rất cao và cũng với nghệ thuật “nở hoa trong lòng địch”, anh đã nêu ý kiến dùng một binh đoàn cơ giới thọc sâu vào Sở chỉ huy của địch đóng ở hậu cứ Sư đoàn 23 ngụy... Mũi thọc sâu đó đã cùng các mũi tiến công khác hoàn thành nhiệm vụ tiến công và giành được thắng lợi vẻ vang...”(9). Chính nghệ thuật “nở hoa trong lòng địch” được Đại tướng tiếp tục vận dụng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhờ đó, ta đã liên tục làm cho địch bất ngờ, sai lầm và đã tạo ra thời cơ lớn cho ta để kết thúc chiến tranh sớm nhất, giảm thấp nhất sự hy sinh xương máu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
3. Hết sức chú trọng phát hiện thời cơ và chớp thời cơ
Chiến tranh bao giờ cũng diễn ra theo một quá trình mở đầu, diễn biến theo các giai đoạn và cuối cùng là kết thúc. Quá trình ấy, thường là được diễn biến từ từ, nhưng có lúc đột biến tức khắc, vô cùng mau lẹ “một ngày bằng 20 năm’’; đồng thời xuất hiện những bước ngoặt của cuộc chiến tranh và chính thời điểm đó xuất hiện thời cơ thuận lợi cho một bên tham chiến. Nắm chắc quy luật này, với tài nghệ của một vị tướng trực tiếp chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, Đại tướng Văn Tiến Dũng cho rằng phải chú trọng phát hiện thời cơ và biết chớp thời cơ, không bỏ lỡ cơ hội thuận lợi trong những thời điểm nhất định của chiến tranh. Đó là yêu cầu đặc biệt quan trọng đối với những người điều khiển chiến tranh, điều mà V.I.Lê-nin đã từng cảnh báo những người cách mạng Bôn-sê-vích Nga nếu không biết chớp lấy thời cơ: “Lịch sử sẽ không tha thứ cho những người cách mạng có thể thắng lợi hôm nay (và chắc chắn sẽ thắng lợi hôm nay) mà lại để chậm trễ; vì để đến ngày mai không khéo họ sẽ mất nhiều, không khéo họ sẽ mất tất cả"(10).
Với quan điểm chú trọng phát hiện thời cơ và chớp thời cơ, nên khi chỉ đạo chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã luôn bám sát diễn biến của chiến trường, đặc biệt là những hành động quân sự của địch để kịp thời phát hiện thời cơ và chớp lấy thời cơ thuận lợi. Trong thời gian quân ta chuẩn bị đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột, Đại tướng chỉ đạo “Công việc của chúng ta rất khẩn trương và phải hết sức giữ cho được bí mật. Các đồng chí trên mặt trận phải xuống tận nơi giúp các đơn vị, nhất là Sư đoàn 316, anh em mới vào, chiến trường chưa quen, đánh sớm quá không được, nhưng nếu không khẩn trương chuẩn bị, thời gian kéo dài không được"(11). Khi bị quân ta tiến công, theo dõi phát hiện quân đội Sài Gòn rối loạn, rút lui chiến lược, bỏ địa bàn Tây Nguyên, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã phát hiện ra thời cơ lớn: “Thời cơ lớn bắt đầu từ đây rồi. Muốn nắm chắc thời cơ, trước mắt phải tiêu diệt bằng được quân địch rút chạy, phải diệt chúng ngay trên chiến trường Tây Nguyên, không để chúng thoát về đồng bằng. Phải diệt cho nhanh, cho gọn để thúc đẩy sớm quá trình chuyển biến cục diện chiến tranh"(12). Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với cương vị Tư lệnh chỉ huy các lực lượng tiến công vào Sài Gòn-Gia Định trên 5 hướng, ông luôn theo dõi nắm chắc diễn biến chiến dịch và yêu cầu các hướng báo cáo kịp thời, cụ thể tình hình quân ta và quân địch, kiên quyết chỉ đạo thực hiện thần tốc, táo bạo nhanh chóng chớp thời cơ đánh chiếm Sài Gòn-Gia Định.
4. Không ngừng mở rộng thời cơ và tận dụng thời cơ
Quá trình diễn biến của chiến tranh, bên nào tạo ra được thời cơ, biết chớp lấy thời cơ sẽ tạo được những bước ngoặt có lợi cho mình để chiến thắng đối phương. Ban đầu có thể chỉ là thời cơ nhỏ, có tính chất cục bộ, nhưng nếu biết mở rộng và tận dụng triệt để thời cơ ban đầu đó thì có thể phát triển thành thời cơ lớn, thời cơ chiến lược có tính chất toàn bộ để kết thúc chiến tranh. Theo Đại tướng Văn Tiến Dũng, "Khi đã tạo được thời cơ rồi phải tích cực tranh thủ thời cơ, kiên quyết diệt địch"(13). Và muốn liên tục tạo thời cơ tốt thì phải "điểm đúng huyệt" địch, "tức là đánh vào khu vực chiến trường hiểm yếu của địch, đưa chúng vào thế không ra được, không viện không xong"(14). Nắm vững vấn đề có tính quy luật này, Đại tướng cho rằng trong chiến tranh phải không ngừng mở rộng và tận dụng những thời cơ mới xuất hiện, đó là một nội dung rất quan trọng trong nghệ thuật tạo và chớp thời cơ. Để làm được điều đó thì phải biết cách đánh địch, biết điều địch ra nơi ta đã định sẵn để đánh địch, liên tục tiến công và liên tục giành chiến thắng ngày càng lớn hơn: "Nếu không có nghệ thuật điều địch ra mà đánh và không có gan diệt địch khi chúng ra nhiều thì không tạo được thời cơ và không dám chộp lấy thời cơ tiêu diệt địch ngày càng lớn"(15).
Trong quá trình trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, ngay sau khi ta đánh trận mở đầu, then chốt vào thị xã Buôn Ma Thuột giành thắng lợi, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã nhấn mạnh: “Vấn đề đặt ra ngay lúc này cho một người chỉ huy là phải biết triệt để tận dụng thời cơ đã tạo ra được để gấp rút phát triển thắng lợi. Vì chỉ có thể phát triển mới củng cố những thắng lợi đã đạt được, lại tạo cơ hội giành thắng lợi mới nhanh hơn, to lớn hơn’’(16). Vì vậy, ngay sau thắng lợi Buôn Ma Thuột, ông trực tiếp chỉ đạo các đơn vị đánh địch phản công, tiếp tục truy kích địch, phát triển thế tiến công của ta về hướng đồng bằng ven biển miền Trung và hỗ trợ cho quần chúng nhân dân nổi dậy nhanh chóng giành thắng lợi, làm cho chính quyền và quân đội của địch ở đây bị tan rã hoàn toàn, tạo sự rúng động mạnh đến cơ quan đầu não chính quyền và quân đội Sài Gòn. Điều này đã mở ra thời cơ mới để quân và dân ta liên tục tiến công và nổi dậy, giành được những thắng lợi hết sức to lớn trong các Chiến dịch Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, làm cho so sánh thế và lực giữa ta và địch đã có sự chuyển biến vượt bậc rất có lợi cho ta, tạo nên thời cơ lịch sử có một không hai để chúng ta có thể nhanh chóng giải phóng Sài Gòn - Gia Định, giành thắng lợi hoàn toàn.
Trong trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng liên tục chỉ đạo thực hiện việc mở rộng thời cơ và triệt để tận dụng thời cơ. Đặc biệt, khi có chỉ đạo của Bộ Chính trị trong ngày 22-4-1975: “Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc Tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không để chậm. Nếu để chậm thì không có lợi cả về chính trị và quân sự. Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn’’. Đại tướng Văn Tiến Dũng cho rằng vào thời điểm này phải “...tích cực tạo thời cơ, mở rộng thời cơ và kịp thời tận dụng thời cơ. Đánh đúng thời cơ thì lực lượng nhỏ cũng thành sức mạnh lớn, lực lượng lớn sẽ thành sức mạnh lớn hơn rất nhiều. Thời cơ chính là lực lượng và là sức mạnh’’(17). Chính nhờ vậy, các lực lượng của ta đã mở rộng, tận dụng thời cơ chiến lược bằng thực hiện thần tốc, táo bạo, quyết thắng nhanh chóng đánh chiếm Sài Gòn - Gia Định giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong tháng Tư.
Tạo thời cơ và chớp thời cơ trong chiến tranh không chỉ là một khoa học mà là một nghệ thuật. Những quan điểm, tư tưởng của Đại tướng Văn Tiến Dũng về nghệ thuật tạo và chớp thời cơ trong chiến tranh là sự tổng kết sâu sắc từ thực tiễn cuộc đời trận mạc của vị Tướng “tài ba thao lược xuất chúng”. Những tư tưởng, quan điểm này của Đại tướng đã góp phần làm phong phú kho tàng lý luận chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự đặc sắc, độc đáo của quân đội, của Đảng và của dân tộc Việt Nam. Nhân kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Đại tướng Văn Tiến Dũng, tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, suy ngẫm những tư tưởng, quan điểm về nghệ thuật tạo và chớp thời cơ trong chiến tranh năm xưa của Đại tướng, giúp chúng ta có thể vận dụng để chủ động tạo ra những cơ hội thuận lợi mới và biết vượt qua những khó khăn, thách thức trong đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh’’.
................
(1) Lời đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Đại tướng Văn Tiến Dũng
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.326.
(3) Võ Nguyên Giáp, Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.170.
(4) Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975. Những sự kiện quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, 1980, tr.283.
(5) Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đi theo con đường của Bác (Hồi ức), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.390.
(6) (7) Đại tướng Văn Tiến Dũng, Mấy vấn đề về nghệ thuật quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974, tr.275
(8) Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại thắng mùa Xuân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1977, tr.62
(9) Vị tướng chiến lược xuất sắc của Ngô Vương Anh, Báo Thanh Niên
(10) V.I.Lê-nin toàn tập, Tập 34, Nxb Mát-xcơ-va, 1976, tr.571
(11) Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại thắng mùa Xuân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1977, tr.67
(12) Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại thắng mùa Xuân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1977, tr.119
(13) Đại tướng Văn Tiến Dũng-Mấy vấn đề về nghệ thuật quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974, tr.275
(14) Đại tướng Văn Tiến Dũng-Mấy vấn đề về nghệ thuật quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974, tr.275
(15) Đại tướng Văn Tiến Dũng-Mấy vấn đề về nghệ thuật quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974, tr.276
(16) Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại thắng mùa Xuân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1977, tr.92
(17 ) Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại thắng mùa Xuân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1977, tr.241
Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN VĂN BẠO
Giám đốc Học viện Chính trị
Nguồn: qdnd.vn