Tư tưởng về mối quan hệ này được thể hiện trong tác phẩm, nổi lên những vấn đề cơ bản sau đây:
Giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân là bản chất của Đảng
Hồ Chí Minh cho rằng, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng chứ không phải của cá nhân anh hùng nào. Người có một quan niệm thật sự chuẩn xác về mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Trong tác phẩm, Người khẳng định: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng ta thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”. Theo Người, mối liên hệ giữa Đảng và nhân dân thuộc về bản chất của Đảng, nó không chỉ là tiêu chuẩn của một đảng chân chính cách mạng, mà còn là một trong những quy luật tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản. Hồ Chí Minh luôn coi mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, một trong những vấn đề cơ bản nhất trong công tác xây dựng Đảng, là nguồn gốc sức mạnh của Đảng, của dân tộc và là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng ở ớc ta.
Ảnh tư liệu.
Mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân được Hồ Chí Minh thể hiện rõ nét nhất trong tác phẩm là mối quan hệ biện chứng, được hình thành, phát triển gắn liền với tiến trình cách mạng. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, Đảng Cộng sản là người hướng dẫn tổ chức, lãnh đạo.
Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân
Hồ Chí Minh chỉ rõ, khi Đảng trở thành Đảng lãnh đạo chính quyền thì Đảng cầm quyền, dân là chủ. Vì vậy, trong mối quan hệ với nhân dân, Người khẳng định, Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Luận điểm này thể hiện vai trò người lãnh đạo và người đầy tớ thống nhất trong một chủ thể, đó là Đảng cầm quyền. Có giữ vững và làm tốt vai trò người lãnh đạo thì mới có điều kiện để thực hiện bổn phận người đầy tớ và ngược lại, có làm tròn bổn phận người đầy tớ thì vị trí, vai trò người lãnh đạo mới được giữ vững. Để Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân đòi hỏi Đảng phải biết thu phục, thuyết phục và chinh phục được quần chúng. Đó là một quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ của cả Đảng và của cả nhân dân. Song, trong mối quan hệ đó, Đảng là người có trách nhiệm chính.
Với vai trò là người lãnh đạo, theo Hồ Chí Minh, Đảng phải có tầm cao trí tuệ, biết động viên, tổ chức, đoàn kết quần chúng, lấy sức quần chúng để giải phóng dân tộc, xây dựng cuộc sống mới, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng phải xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân, hợp lòng dân, thực sự là ngọn đèn dẫn lối, soi đường cho nhân dân hành động. Đường lối đó phải phù hợp với tuyệt đại đa số quảng đại quần chúng và thỏa mãn lợi ích nhân dân. “Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng”, Người chỉ rõ. Khi đã có đường lối, chủ trương đúng, Đảng phải kiên quyết tổ chức thực hiện đường lối, để đường lối đó đi vào cuộc sống nhân dân.
Là người đầy tớ trung thành của nhân dân, Đảng phải thực sự là công bộc tin cậy của nhân dân. Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Có lợi cho dân thực chất là, Đảng phải thực sự chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Hết sức tránh những biểu hiện quan liêu, hách dịch, xa rời quần chúng; hạn chế, thủ tiêu vai trò, quyền lợi và nghĩa vụ của quần chúng. Tuy nhiên, là người đầy tớ, nhưng không phải là Đảng theo đuôi quần chúng, mà Đảng phải thực sự tiên phong về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự tiêu biểu cho trí tuệ, lương tâm, danh dự của dân tộc, đạo đức, văn minh của thời đại. “Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng”.
Người yêu cầu, Đảng muốn lãnh đạo được nhân dân thì phải hiểu dân, học dân, nâng đỡ dân. Bởi vậy, Đảng muốn lãnh đạo giỏi thì phải làm đầy tớ giỏi. Đảng phải chăm lo lợi ích của nhân dân, luôn đặt lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, của cả dân tộc lên trên hết, tất cả tận tụy vì dân. Đảng và Nhà nước phải tôn trọng quyền làm chủ, lắng nghe ý kiến của nhân dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Mọi hoạt động của Đảng cũng như của đảng viên phải chịu sự kiểm soát của nhân dân để làm tròn nhiệm vụ đầy tớ trung thành của nhân dân.
Xây dựng quan hệ với nhân dân là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài của Đảng
Theo Hồ Chí Minh, củng cố và tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân là đòi hỏi tất yếu của cách mạng vô sản, là một quy luật khách quan của công tác xây dựng Đảng, là một trong những nội dung quan trọng của cách mạng Việt Nam. Đây vừa là vấn đề quyết định sự sống còn của Đảng, vừa là sự bảo đảm quan trọng cho sự tồn tại, phát triển của hệ thống chính trị, là điều kiện tất yếu trong cuộc đấu tranh giành thắng lợi cho chủ nghĩa xã hội. Do đó, xây dựng củng cố mối quan hệ với nhân dân là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, thường xuyên của tổ chức đảng, đảng viên.
Trên cơ sở kế thừa quan điểm của Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định là đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc. Trong tác phẩm, Người khẳng định, Đảng ta là một đảng cách mạng, một đảng vì dân, vì nước, “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải luôn luôn ghi nhớ mình vừa là người lãnh đạo, đồng thời là “đầy tớ” của nhân dân, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. Người cho rằng, Đảng “phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được xa rời dân chúng. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định bị thất bại”.
Sự nghiệp đổi mới của đất nước hiện nay, bên cạnh những thành tựu và thuận lợi, Đảng ta cũng thẳng thắn chỉ rõ: Các quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi, trên một vài lĩnh vực còn bị vi phạm. Việc thực hành dân chủ còn mang tính hình thức; có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng tới trật tự, an toàn xã hội… Những hiện tượng trên không chỉ làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, mà còn là mầm mống của việc mất đoàn kết nội bộ, làm suy giảm năng lực và sức chiến đấu của Đảng.
Trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, tăng cường mối liên hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân là vấn đề cấp bách, có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong tình hình hiện nay. Vì vậy, việc nghiên cứu thấu đáo, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền