Không quân của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JASDF) hiện đang là một trong những lực lượng mạnh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, có thể sánh ngang cùng với lực lượng không quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc và Mỹ. Hiện nay, JASDF hiện có khoảng 370 máy bay chiến đấu, gồm các máy bay thế hệ 3, 4 và một số máy bay thế hệ 5.
Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia đầu tiên, thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện đang sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35A. Lý do Nhật Bản mua được F-35A vì Nhật Bản là quốc gia nằm trong chương trình "Bán vũ khí cho đồng minh" của Mỹ; mặc dù Nhật Bản không phải là nước tham gia nhóm đối tác phát triển loại máy bay F-35.
Máy bay chiến đấu F-35A
Mặc dù đã sở hữu chiếc F-35 vào loại hiện đại nhất thế giới, nhưng trước việc người hàng xóm Trung Quốc đã cùng một lúc phát triển hai mẫu tiêm kích tàng hình đó là J-20 và J-31 làm cho giới lãnh đạo Nhật Bản như ngồi trên đống lửa vì hiện nay 2 quốc gia còn đang có tranh chấp lãnh thổ tại vùng biển Senkaku/ Điếu Ngư.
Ngày vui ngắn chẳng tày gang
Đã từ lâu Nhật Bản luôn quan tâm đến máy bay F-22 và mong muốn được Mỹ bán cho loại siêu tiêm kích thế hệ 5 này, tuy nhiên F-22 là đồ quốc bảo của Mỹ, thuộc dạng cấm xuất khẩu, mọi thông số liên quan tới nó đều thuộc hàng tối mật, nên luật Liên bang đã cấm không được bán nó cho bên thứ hai.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22
Nhưng điều mong ước của Nhật Bản đã không bao giờ xảy ra, khi dây chuyền sản xuất F-22 đã đóng cửa vào năm 2012 và số lượng máy bay F-22 sản xuất ra chỉ đủ trang bị cho lực lượng không quân Mỹ.
Với tiềm lực công nghệ sẵn có, Nhật Bản hy vọng sẽ chế tạo được máy bay thế hệ 5 với thương hiệu "Madein Japan". Bằng nhiều nỗ lực, kết quả là phiên bản thử nghiệm với nguyên mẫu đầu tiên là X-2 Shinshin đã cất cánh lần đầu hồi tháng 4/2016.
Mitsubishi X-2 Shinshin là mẫu máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 đầu tiên của Nhật Bản tính đến thời điểm hiện tại
Vẫn phải dựa vào Mỹ
Trước tình thế này, Tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin (Mỹ) đã đề xuất bán cho Nhật Bản một phiên bản F-22 sản xuất mới được nâng cấp từ chính chiếc F-22, để có thể đáp ứng yêu cầu về máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của Nhật nhằm thay thế đội máy bay F-15J và F-2 (phiên bản F-16 được sản xuất ở Nhật Bản) từ khoảng năm 2030.
Ban đầu, theo thông tin được công bố, Lockheed đã đề xuất phát triển một phiên bản lai giữa chiếc F-22 Raptor hạng nặng và chiếc F-35 Joint Strike Fighter hạng nhẹ cho Nhật Bản, tuy nhiên giới chức lãnh đạo quân sự Nhật Bản muốn phiên bản như chiếc F-22. Và giờ đây, chiếc máy bay mới này sẽ giữ gần như nguyên khung máy bay F-22; đồng thời ứng dụng những tiến bộ mới trong công nghệ và vật liệu chế tạo để có một khung thân vững chắc hơn, nhất là những công nghệ tiên tiến của F-35.
Cận cảnh dây chuyền lắp ráp F-22
Máy bay mới này có khả năng sẽ đặt tên là F-22J (J là phiên bản giành cho Nhật Bản) hoặc là F-3 và Lockheed đã gọi chương trình này là chương trình "do Nhật Bản lãnh đạo".
F-22J sẽ kết hợp một số công nghệ từ F-35 với hệ thống điện tử có thiết kế mở hiện đại, bộ vi xử lý mới và khả năng kết nối với các cảm biến tiên tiến, khả năng kết nối mạng để chia sẻ thông tin... F-22J có khả năng sẽ sử dụng cùng lớp phủ LO (lớp sơn hấp thụ sóng radar) như của F-35 đảm bảo ít phải bảo trì hơn so với những chiếc F-22 nguyên gốc.
Hệ thống thân và lõi của máy bay sẽ được sản xuất tại Mỹ còn lại sử dụng một số linh kiện và tổng thành máy bay sẽ lắp ráp tại Nhật Bản.
Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản sẽ chịu trách nhiệm thiết kế lại cánh chính và sản xuất chi tiết này. Sau khi thiết kế lại phần cánh, F-22J sẽ chứa được nhiều nhiên liệu hơn so với F-22, tăng tầm hoạt động từ 1.400km lên khoảng 2.200km.
Chiếc máy bay này cũng có thể sử dụng động cơ IHI XF9-1 mới do Nhật Bản phát triển, giúp tăng tỷ lệ sản xuất của Nhật lên hơn 60%.
Hiện tại các phi đội F-22 của không quân Mỹ đang đồn trú tại các căn cứ quân sự của Mỹ đóng trên lãnh thổ Nhật Bản. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để quân đội Nhật Bản có thể đánh giá hoạt động cũng như làm quen và có thể đào tạo phi công trên loại máy bay này.
Sản xuất F-22J, hai bên cùng có lợi
F-22 Raptor được giới quân sự thế giới thừa nhận rộng rãi là máy bay chiến đấu thống trị bầu trời hiện nay có tính năng tàng hình mạnh và khả năng cơ động tốt nhất, đã có một số đề xuất tăng thêm số lượng loại máy bay này, kể từ khi việc sản xuất loại máy bay này bị dừng từ năm 2012.
Hiện tại, việc nối lại hoạt động sản xuất F-22 cho Không quân Mỹ (USAF) sẽ mất nhiều thời gian và điều này khó thành hiện thực bởi giá thành một chiếc F-22 không hề rẻ. Nếu tiếp tục sản xuất F-22 thì ngân sách của USAF sẽ phải san sẻ, trực tiếp ảnh hưởng đến chương trình đầy tham vọng "Tầm nhìn Không quân 2030 (AS 2030)", thậm chí là với Chương trình phát triển F-35 Lightning II của Không quân Mỹ.
Một tính toán cho thấy rằng, việc tiếp tục sản xuất 194 chiếc F-22 mới sẽ có giá từ 40-42 tỷ USD, cộng với chi phí khởi động lại dây chuyền sản xuất sẽ tốn kém gần 10 tỷ USD; tổng chi phí lên đến hơn 50 tỷ USD, hoặc 257 triệu USD cho một chiếc F-22.
Cận cảnh dây chuyền lắp ráp F-22
Theo Tạp chí Nikkei Asian Review báo cáo rằng, Lockheed đã ước tính giá của một chiếc F-22J thế hệ mới vào khoảng 215 triệu USD/ chiếc (khoảng 24 tỷ yên) nếu 70 chiếc được chế tạo hoặc 189 triệu USD/chiếc (21 tỷ yên) nếu 140 chiếc được mua.
Rất có thể, trong tương lai, những chiếc F-22J chế tạo cho Nhật Bản cũng chính là loại tiêm kích chủ lực của USAF; với mức giá thấp hơn, có thể dẫn đến việc USAF mua phiên bản mới F-22J. Đây là một phương án có lợi cả cho Mỹ và Nhật Bản vì suy cho cùng, Nhật Bản là đồng minh chiến lược của Mỹ và F-22 ở thời điểm hiện tại cũng không còn là công nghệ quá bí mật, trong khi Mỹ đã tiến hành khởi động chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6.