Thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho hay, tính tới cuối giờ chiều ngày 13/3, có thêm 4.793 người được tiêm chủng an toàn vaccine phòng COVID-19, nâng tổng số người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam lên 10.041 người.
Đây là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng.
Chi tiết 10.041 người được tiêm tại 12 tỉnh/TP trong 6 ngày 08-13/3/2021 như sau: Tỉnh Hải Dương 6.287 người; TP. Hà Nội 163 người; Tỉnh Hưng Yên 840 người; Tỉnh Bắc Ninh 312 người; Tỉnh Bắc Giang 823 người; TP. Hải Phòng 205 người; TP. Hồ Chí Minh 774 người; Tỉnh Gia Lai 200 người; Tỉnh Long An 193 người; TP. Đà Nẵng 117 người; Tỉnh Hòa Bình 32 người; Tỉnh Khánh Hòa 95 người.
Một số cơ sở y tế tạm ngừng trong 2 ngày nghỉ cuối tuần và tiếp tục triển khai vào đầu tuần tới khi quay trở lại làm việc.
Tỉnh Hải Dương đang ưu tiên triển khai tại 6 huyện gồm TP. Hải Dương, Cẩm Giàng, Chí Linh, Nam Sách, Kinh Môn và Nam Thành, các huyện còn lại sẽ triển khai từ ngày 17/3.
Theo báo cáo nhanh từ các điểm tiêm chủng, trong ngày 13/3 Chương trình tiêm chủng mở rộng không ghi nhận trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca.
Các địa phương yêu cầu người đi tiêm chủng thông báo đầy đủ tình trạng sức khỏe và tiền sử tiêm chủng cho cán bộ y tế như các bệnh nền, các bệnh cấp tính mắc và sử dụng thuốc trong thời gian gần đây, lưu ý các trường hợp có tiền sử dị ứng.
Các biểu hiện về sức khỏe được theo dõi chặt chẽ và báo cáo đầy đủ hàng ngày cho thấy công tác triển khai được thực hiện tốt, hệ thống giám sát phản ứng sau tiêm chủng hoạt động tích cực và vaccine tiếp tục được triển khai an toàn.
Công tác tổ chức điểm tiêm đảm bảo an toàn tiêm chủng luôn được Chương trình tiêm chủng mở rộng đặt lên hàng đầu.
Trước khi đưa vaccine vào triển khai, tất cả các điểm tiêm chủng được Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật kiểm tra, giám sát chặt chẽ và đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định.
Đặc biệt trong những ngày đầu mới triển khai, tất cả các điểm tiêm chủng đều có sự giám sát, hỗ trợ của Bộ Y tế và các Viện Vệ sinh Dịch tễ/Viện Pasteur.
Trong quá trình triển khai, người đến tiêm chủng đều được khám sàng lọc trước tiêm chủng và yêu cầu khai báo về tình tạng sức khỏe, bệnh nền và các mũi tiêm chủng trong thời gian gần đây để cán bộ y tế đưa ra chỉ định phù hợp.
Đồng thời người đến tiêm chủng được tư vấn đầy đủ về tác dụng và những sự cố bất lợi có thể xảy ra, những dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần thông báo cho cán bộ y tế. Trên thực tế, tất cả các dấu hiệu bất thường về sức khỏe sau tiêm đều được theo dõi và báo cáo.
Liên quan đến công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đang tích cực chỉ đạo Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân trên tinh thần “hiệu quả, chặt chẽ, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất” trong tất cả các khâu khám, sàng lọc trước khi tiêm.
Theo đó, sau khi tiêm, người được tiêm được theo dõi sức khỏe sau tiêm 30 phút tại chỗ và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 1-2 ngày tiếp theo; khi có các dấu hiệu bất thường, đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Mỗi người tiêm sẽ được cấp một mã QR - theo mã số bảo hiểm y tế, sau đó liên thông với phần mềm hồ sơ sức khỏe để tiếp tục theo dõi và nhắc thời gian tiêm.
Tất cả những người tiêm sẽ được theo dõi sức khỏe liên tục và đánh giá tính sinh miễn dịch sau khi tiêm vaccine của Astrazeneca.
“Đây là quy trình được Bộ Y tế xây dựng, theo dõi chặt chẽ nhằm đảm bảo sức khỏe người dân trong bối cảnh dịch bệnh”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Thực hiện 5K để chung sống an toàn với đại dịch COVID-19.
Dù có vaccine vẫn phải luôn thực hiện 5K
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra, mặc dù có vaccine nhưng người dân vẫn phải luôn thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng dịch COVID-19.
Bộ Y tế đề nghị mỗi người dân Việt Nam thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể, đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người, nơi có nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh.
Khẩu trang phải che kín mũi và không có khe hở giữa mặt và khẩu trang.
Rửa tay đúng cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay trước và sau khi đeo khẩu trang.
Thực hiện tốt Thông điệp "5K: KHẨU TRANG – KHỬ KHUẨN – KHOẢNG CÁCH – KHÔNG TỤ TẬP – KHAI BÁO Y TẾ" để phòng, chống dịch COVID-19.
Liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chỉ rõ, trong thời gian này, chúng ta cần duy trì và tăng cường các biện pháp y tế công cộng đã được chứng minh hiệu quả như: Đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc, rửa tay, vệ sinh hô hấp và ho, tránh nơi đông người, và đảm bảo thông thoáng khí.
Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, dù đã tiêm chủng chúng ta vẫn cần thực hiện phòng bệnh theo 5K. Bên cạnh đó lợi ích lớn nhất của vaccine chính là giúp cá nhân được tiêm nếu nhiễm SARS-CoV-2 sẽ mắc bệnh nhẹ, hạn chế nguy cơ tiến triển bệnh nặng hoặc tử vong.