Nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên chiến trường Long Khốt
Long Khốt là địa danh thuộc xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, giáp biên giới Việt Nam - Campuchia, có vị trí chiến lược về quân sự trên tuyến hành lang từ miền Đông Nam Bộ qua đất bạn Campuchia xuống Đồng bằng sông Cửu Long. Trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, nơi đây ghi dấu những sự kiện đặc biệt quan trọng, những cống hiến và hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Trung đoàn 174 và các đơn vị trực thuộc Sư đoàn 5, quân và dân địa phương giai đoạn 1972 - 1975, đóng góp quan trọng trong giải phóng Vùng 8 (cuối tháng 12/1974), khai thông tuyến hành lang biên giới giữa Đông và Tây Nam bộ, góp phần quan trọng vào thành công của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975). Đây cũng là nơi ghi dấu Chiến công 43 ngày đêm bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ của bộ đội biên phòng và lực lượng vũ trang Long An vào năm 1978.
Trong quá trình đó, có 3 trận đánh tiêu biểu: Trận tấn công Chi khu Long Khốt (từ ngày 09/6 đến 16/6/1972) do Trung đoàn 174 (giai đoạn này còn được gọi là Trung đoàn 2) phối hợp Trung đoàn 1, Trung đoàn 3 và du kích xã Thái Bình Trung thực hiện. Trận này, ta loại khỏi vòng chiến 411 tên, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, bắn rơi 2 máy bay của địch. Trận tấn công quy mô lớn vào Chi khu Long Khốt lần hai (từ đêm 28 đến ngày 29/4/1974). Trung đoàn 174 phối hợp Trung đoàn 1, Trung đoàn 3, Sư đoàn 5 tấn công tiêu diệt Chi khu Long Khốt, loại khỏi vòng chiến 150 tên, thu 69 súng, bắn rơi 3 máy bay và phá hủy toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch tại Long Khốt. Trận chiến đấu anh dũng 43 ngày đêm (từ ngày 14/01 đến 27/02/1978) bảo vệ Đồn Long Khốt của lực lượng Công an nhân dân vũ trang tỉnh Long An và quân, dân địa phương đã bảo vệ được khu vực phía Tây Bắc tiền đồn Mộc Hóa, làm thất bại hoàn toàn âm mưu của địch muốn đánh chiếm bằng được hai vị trí tiền tiêu là Mộc Hóa và Đức Huệ để làm bàn đạp tấn công các khu vực khác, nhằm tạo áp lực mạnh mẽ trên toàn tuyến biên giới Tây Nam.
Ngoài 3 chiến công trên, từ năm 1972 - 1975, để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng tuyến hành lang chiến lược quận Tuyên Bình (nay là huyện Vĩnh Hưng và huyện Tân Hưng), tiêu diệt địch ở chiến trường Long Khốt trong lúc thế và lực địch đang mạnh, Sư đoàn 5 và quân, dân địa phương liên tục tổ chức nhiều trận tấn công các đồn Măng Đa, Thái Trị, Tuyên Bình, chặn chi viện từ hướng các đồn này,... nhằm làm suy yếu binh lực địch khi ta tổ chức tấn công vào Chi khu Long Khốt.
Biết bao thế hệ CBCS của Sư đoàn 5 chịu đựng gian khổ, mất mát, hy sinh từ trước, trong và sau mỗi trận đánh. Hơn 1.100 CBCS hy sinh và mãi mãi nằm lại trong tình cảm thương yêu, lòng biết ơn sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An nói chung và huyện Vĩnh Hưng nói riêng.
Tưởng nhớ Bác Hồ và tri ân các anh hùng liệt sĩ
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Tuấn Anh, đã thành truyền thống nhân văn tốt đẹp, hơn 10 năm nay, năm nào cũng vậy, đúng kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương cùng các CCB, thân nhân các liệt sĩ hội tụ về đây tổ chức dâng hương cúng giỗ và các hoạt động tưởng niệm, tri ân tưởng nhớ Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ.
Hàng trăm người dân trên địa bàn và CCB, thân nhân liệt sĩ từ khắp đất nước về dâng hương và lễ vật, thả hoa đăng trên dòng Long Khốt. CCB Trần Kế Tài (TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) từng tham gia kháng chiến tại đây, tâm sự: “Hơn 10 năm qua, năm nào tôi cũng về tham dự, thắp nén nhang cho đồng đội ngã xuống". Bà Lê Thị Sẩm (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng) chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, khi đến ngày tưởng nhớ Bác Hồ và tri ân các anh hùng liệt sĩ, tôi tranh thủ thời gian để tham dự. Nhà có gì thì đem đến cúng, không có thì cũng đến để thắp nhang tưởng nhớ Bác và tri ân các anh hùng liệt sĩ”.
Năm 1997, UBND tỉnh công nhận khu vực này là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Năm 2019, Khu vực Đồn Long Khốt, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng được công nhận Di tích lịch sử quốc gia. Thời gian qua, huyện Vĩnh Hưng tích cực vận động, kêu gọi xã hội hóa đầu tư các hạng mục trong khu di tích. Thông qua sự giới thiệu, kết nối của Ban Liên lạc CCB Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương, tỉnh, huyện Vĩnh Hưng đã mời gọi được nhà tài trợ là Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai hỗ trợ 32 tỉ đồng cùng nguồn lực của tỉnh, huyện để đầu tư các hạng mục trong khu di tích. Tháng 12-2020, công trình đền thờ liệt sĩ tại Di tích lịch sử quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt khánh thành và đưa vào sử dụng các hạng mục công trình giai đoạn 1 gồm: Đền thờ chính, cổng tam quan, nhà kho, hai miếu thờ, tường rào, sân đường,... tổng vốn đầu tư 54,3 tỉ đồng.
Khu di tích lịch sử quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt giai đoạn 1 hoàn thành mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, là sản phẩm du lịch có giá trị, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
“Hiện nay, bằng nhiều nguồn vốn lồng ghép của tỉnh, huyện, khu di tích được hoàn thành thêm hạng mục công viên cây xanh, bến thả hoa đăng và chuẩn bị xây dựng bờ kè sông Long Khốt (đoạn qua khu di tích). Thời gian tới, địa phương rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân, giúp cho dự án Di tích lịch sử quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt hoàn thành để đáp ứng lòng mong mỏi của đông đảo người dân, du khách trong và ngoài huyện”. Ông Tuấn Anh cho biết thêm.