Ít ai biết, phía sau cánh cổng của Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất là một không gian hoàn toàn khác, không gian của những thương, bệnh binh bị rối loạn tâm thần. Bước vào khu biệt lập dành cho thương, bệnh binh bị rối loạn tâm thần, ai cũng xót xa khi bắt gặp những hình ảnh hoảng sợ lúc nhìn người lạ, cười rồi lại khóc của các chú thương, bệnh binh ở đây. Sau khoảnh khắc đó, khi chúng tôi bắt chuyện làm quen, họ trở thành những người rất vui vẻ, rất dễ gần.
Một lúc sau đó, thời điểm được xem là lúc các chú “tỉnh táo nhất”, những tiếng hát lúc cao vút, lúc trầm lắng cùng tiếng đàn ghita được vang lên qua sự thể hiện say sưa của các chú: “Xe lao nhanh trên đường trải rộng, mà mỗi người trông gương mặt đã là hoa. Cô gái ngồi bên mến khách đường xa, mới cất tiếng làm quen qua nụ cười hiền. Chuyến xe này đầy đặn ngày xuân, mà đường thành phố Tây Ninh tôi vừa đi một nửa” (Ca khúc: Chuyến xe Tây Ninh – Soạn giả: Thanh Hiền). Ánh mắt các chú hướng lên theo làn điệu tiếng hát, tiếng đàn ngọt ngào, sâu lắng. Trong đôi mắt hiền từ ấy của những người lính năm xưa ở đây, dường như quá khứ tàn khốc của chiến tranh đã ngủ yên, họ không còn nhớ gì như không nhớ chính cuộc đời mình.
Họ, những người từng quên mình chiến đấu cho tự do của Tổ quốc, đã bỏ lại một phần cơ thể, bỏ lại tuổi trẻ của mình nơi chiến trường… Tất cả họ, trực tiếp hay gián tiếp đã làm nên lịch sử dân tộc. Những hình ảnh về cuộc sống hôm nay của các chú như muốn khắc sâu hơn vào tâm hồn thế hệ trẻ những giá trị nhân văn về lòng biết ơn đối với sự cống hiến của những người đi trước.
Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất.
Vết tích của chiến tranh vẫn còn trên thân thể họ, nhưng vượt lên tất cả, chất lính và tình yêu cuộc sống trong họ vẫn luôn bừng cháy. Các thương, bệnh binh bị rối loạn tâm thần ở đây vẫn thấy đời thật đẹp qua từng lời hát, trên môi họ vẫn vẹn nguyên những nụ cười, luôn lạc quan yêu đời và họ đã tìm thấy một mái ấm chung tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất.