Các đồng chí chủ trì buổi họp báo.
Chủ trì buổi họp báo có các đồng chí: TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh; Đại tá Nguyễn Văn Hiếu, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; ThS Trần Thế Thuận, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể Thao TP.HCM; ThS Nguyễn Hoài Anh, Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.
TS Vũ Mạnh Hà thông tin về quá trình chuẩn bị tổ chức Hội thảo.
Ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời cảng Sài Gòn mang theo khát vọng lớn lao của cả dân tộc là tìm được con đường cứu nước để mang lại độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Hành trình tìm đường cứu nước (1911-1941) và cả cuộc đời dành cho cách mạng, cho đất nước, cho Nhân dân đã minh chứng một cách rõ nét công lao to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Nhân dân Việt Nam, cũng như vai trò của Người đối với phong trào cách mạng thế giới trong cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, độc lập, dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Bìa cuốn Kỷ yếu “Sự kiện Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước: Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại”.
Để đánh dấu ý nghĩa đặc biệt của dấu mốc lịch sử này, Ban tổ chức Hội thảo thống nhất lựa chọn 110 bài trong tổng số các bài tham luận để xuất bản Kỷ yếu. Cuốn Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Sự kiện Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước. Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại” với gần 1.000 trang đã tái hiện một cách chân thực và đầy đủ hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh cũng như ý nghĩa của sự kiện đó đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Cuốn Kỷ yếu bao gồm 4 phần: Phần I: “Từ thành phố này Người đã ra đi”; Phần II: “Hành trình tìm đường cứu nước”; Phần III: “Người đi tìm hình của nước”; Phần IV: “Hồ Chí Minh sống mãi”.
ThS Nguyễn Hoài Anh giới thiệu về Kỷ yếu Hội thảo khoa học.
Ban tổ chức hy vọng cuốn Kỷ yếu sẽ góp phần giúp độc giả có thêm những hiểu biết toàn diện, sâu sắc trong quá trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua đó, tiếp tục khẳng định ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại của sự kiện ngày 5/6/1911 và hành trình đi tìm đường cứu nước của Người, góp phần lan tỏa sâu rộng hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến các thế hệ người Việt Nam ở trong và ngoài nước cũng như bạn bè quốc tế.