(QK7 Online) - Bài hát “Viếng lăng Bác” là một nhạc phẩm của nhạc sỹ Hoàng Hiệp phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Viễn Phương (1928- 2005). Mỗi khi sinh nhật Bác hoặc dịp kỷ niệm ngày Bác đi xa thường được các nghệ sỹ trình bày như một lòng tri ân và lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người suốt cả cuộc đời luôn chăm lo cho hạnh phúc Nhân dân, cả cuộc đời hy sinh cho dân tộc Việt Nam.
Dòng người vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhà thơ Viễn Phương, một người con của Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc” viết bài “Viếng lăng Bác” vào tháng 4/1976 sau một năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khi lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa khánh thành, nhà thơ cùng đoàn đại biểu miền Nam ra thăm Hà Nội vào lăng viếng Bác. Bài thơ được ông viết với tất cả tấm lòng thành kính biết ơn và tự hào pha lẫn nổi xót đau của một người con từ miền Nam ra viếng Bác lần đầu.
Tác giả đã mở đầu bài bằng câu thơ tự sự: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”, ở đây cho thấy cách xưng hô: Con, Bác thật gần gũi, thân thương như một người con ở xa đi về thăm một người thân trong gia đình. Tác giả dùng từ “thăm” thay từ “viếng” để kìm nén bao cảm xúc khi được vào lăng viếng Bác, dùng từ thăm vừa nhẹ nhàng lại chất chứa bao tình cảm thân thương đối với người con ở nơi xa khi về thăm người thân. Từ thăm được tác giả dùng ở đây để thay thế cho từ viếng đã làm vơi bớt đi nổi đau đớn ẩn sâu trong đáy lòng tác giả nói riêng và mỗi người dân Việt Nam nói chung đó là: Bác Hồ vẫn còn sống mãi trong lòng người dân Việt Nam.
Tiếp theo là hình ảnh đầu tiên mà tác giả thấy được và là một dấu ấn đậm nét đó là hàng tre xanh quanh lăng Bác: “Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát”…hình ảnh cây tre thật gần gũi thân thương với người Việt Nam, là biểu tượng tiêu biểu cho khí khách con người Việt Nam thật mềm dẻo nhưng cũng thật vững vàng, cứng cáp khi chịu đựng bao giông bão mà vẫn kiên cường, bất khuất hiên ngang:
“Ôi hàng tre, xanh xanh Việt Nam
Bão táp, mưa sa đứng thẳng hàng”
Hai câu thơ tiếp theo, với cách dùng từ đặc sắc, sáng tạo của cặp từ tả thực và ẩn dụ song đôi: mặt trời thứ nhất là mặt trời từ thiên nhiên của tạo hóa…mặt trời thứ hai là hình ảnh ẩn dụ để chỉ Bác. Chi tiết “rất đỏ” đã gợi lên một trái tim đầy yêu thương, nhiệt huyết vì Nhân dân của Bác:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trong lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”
Tiếp đến là cảm xúc của nhà thơ trước hình ảnh dòng người chầm chậm vào lăng viếng Bác. Điệp từ “ngày ngày” ở đây được mô tả khung cảnh vào lăng viếng Bác diễn ra hàng ngày, liên tục.
Hình ảnh “dòng người đi trong thương nhớ” là hình ảnh tả thực gợi tả hằng ngày dòng người vào lăng viếng Bác trong niềm xúc động, tiếc thương. Hình ảnh “tràng hoa” là hình ảnh ẩn dụ, tác giả ví dòng người dài như kết thành tràng hoa để dâng lên Người, ở đây mỗi người là một bông hoa, xếp hàng dài kết thành một tràng hoa hàng ngày vào lăng dâng lên Bác:
“Ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”
Những câu thơ tiếp theo là cảm xúc của tác giả khi đứng trước thi hài của Bác, tình cảm bị dồn nén bấy lâu nay đã trào dâng thổn thức. Cụm từ “giấc ngủ bình yên” chỉ là giấc ngủ bình thường, không phải giấc ngủ vĩnh viễn. Bình yên trong niềm yêu thương của con người và vạn vật. Hình ảnh vầng trăng được nhà thơ dùng để ví với Bác, hình ảnh ẩn dụ trời xanh gợi lên những suy ngẫm về con người vĩ đại, cao cả bất duyệt. Song cho dù sao đi nữa ta đều phải chấp nhận một sự thật đó là Bác đã ra đi mãi mãi… dù rằng Người đã hóa thân vào thiên nhiên, đất nước, nhưng sự ra đi của Bác vẫn không sao xóa đi được nỗi đau xót vô hạn của cả dân tộc, ta vẫn thấy đau đớn xót xa mà sao nghe nhói trong tim:
“Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng trong dịu hiền
Dẫu rằng trời xanh biết là mãi mãi
Dẫu rằng biển xanh biết là mãi mãi
Mà sao nghe thấy nhói ở trong tim”
Những câu thơ của khổ thơ cuối bài là nỗi niềm của tác giả về cảm xúc trước lúc sắp phải xa Bác về miền Nam, thể hiện lòng thương nhớ khôn nguôi bấy lâu nay đã vỡ òa trong tiếng khóc nghẹn ngào. Đó là những giọt nước mắt của nhớ thương, lưu luyến không nỡ rời xa:
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Mai về miền Nam nhớ Bác không nguôi”
Ba câu thơ cuối cùng tác giả dùng điệp từ “muốn làm” được nhắc đi, nhắc lại cùng các hình ảnh đứng sau đó: Con chim, đóa hoa, cây tre…đã tạo nên nhịp thơ dồn dập diễn tả tình cảm tha thiết, khát vọng trào dâng mãnh liệt và ước nguyện chân thành của nhà thơ và tất cả mọi người muốn được hóa thân thành vạn vật, cây cỏ để ngày ngày được gần Bác, được cống hiến cho dân tộc…vẫn là hình ảnh cây tre lại được khắc họa một lần nữa với một ý nghĩa mới, tầm cao mới, hình ảnh cây tre ngoài việc dẻo dai, kiên cường, bất khuất trong giông bão, đến đây đã được khẳng định thêm tố chất trung hiếu của con người Việt Nam, lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, cần cù chăm chỉ trong lao động góp phần xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh và xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
“Viếng lăng Bác” của nhà thơ Viễn Phương là một bài thơ đặc sắc với những câu thơ nền nã, thì thầm, man mác bâng khuâng và có gì đấy như day dứt không nguôi, diễn tả niềm kính yêu và lòng biết ơn vô hạn của nhà thơ cũng như của toàn dân, toàn quân ta đối với Bác Hồ. Bài thơ nhanh chóng đi vào lòng bạn đọc và nhất là sau khi được nhạc sỹ Hoàng Hiệp phổ nhạc thành ca khúc cùng tên đã trở thành ca khúc đi cùng năm tháng.
Bài hát sau khi ra đời đã được Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Hoa thể hiện rất thành công và được phát đi rất nhiều lần trên Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam.. sau này có rất nhiều nghệ sỹ hát nhưng nổi bật hơn cả phải kể đến tiếng hát của nghệ sỹ ưu tú Thanh Thúy và ca sỹ Trọng Tấn.
Đại tá Lê Huy Chung
Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước