Bộ Tư lệnh Quân khu 7 kiểm tra tiến độ thi công khu lưu niệm hành trình sang Việt Nam tìm đường cứu nước của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen.
Tuyến đường X16 có chiều dài 6,066km, bề rộng mặt đường 12m, bề rộng nền đường 32m, kết cấu mặt đường cấp cao A1. Đường X16 có điểm đầu giao với QL13b, tại Km8+765, điểm cuối giáp với biên giới Campuchia. Công trình do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư với kinh phí khoảng 154 tỷ đồng. Xác định đây là công trình có ý nghĩa chính trị, ngoại giao rất lớn giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia, do vậy, Công ty TNHH MTV xây dựng Nam Thành, đơn vị trúng thầu thi công, đã huy động nhân, vật lực, tranh thủ thời tiết nắng ráo, thi công 3 ca/ngày, đêm để bù ngày mưa, qua đó đã hoàn thành đúng kế hoạch.
Ông Hồ Quang Khánh, Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh cho biết: Quá trình xây dựng đường X16 có 22 hộ dân và 4 doanh nghiệp ảnh hưởng. Dù vậy, nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của tuyến đường nên ai cũng đồng thuận, công tác giải phóng mặt bằng từ đó rất thuận lợi.
“Con đường này đi qua Campuchia sẽ thúc đẩy kinh tế thương mại - dịch vụ phát triển. Sau này, tới đời con, cháu mình sẽ có tương lai tốt hơn” - ông Phạm Minh Trí ở ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh tin tưởng. Gia đình ông Trí là hộ ảnh hưởng nhiều nhất khi tuyến đường X16 được xây dựng.
Nằm ngay biên giới với nước bạn Campuchia, chốt số 2 của Đồn biên phòng Lộc Thiện ngày đêm thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19 tại đây. Trung úy Trần Minh Đức, Trưởng chốt số 2 phấn khởi: “Trước đây, điều kiện công tác của cán bộ, chiến sĩ gặp nhiều khó khăn. Mùa mưa đường đi sình lầy, trơn trượt. Nay có đường X16 rộng đẹp, chất lượng thì điều kiện đi lại công tác tuần tra biên giới được cải thiện đáng kể. Chúng tôi luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đặc biệt không để xảy ra hoạt động xuất nhập cảnh trái phép và không để dịch bệnh lây lan qua biên giới vào nội địa”.
Những ngày thi công con đường X16, ông Bùi Quý Bi ở xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh thường ra đây để chứng kiến sự thay đổi mỗi ngày trong quá trình con đường hình thành và ôn lại lịch sử. Năm 1977, ông Bi là du kích ấp, đã trực tiếp chứng kiến sự kiện Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen cùng cộng sự sang nhờ chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân ta giúp đỡ.
Ông Bi nhớ lại: Khi ông Hun Sen đề nghị cho gặp người lãnh đạo cao nhất ở đây, anh Hùng (một người dân) báo cáo và cho gặp dân quân, ấp đội; ấp đội báo về xã, xã cử người xuống. Ông Hun Sen cùng 4 người nữa mang vũ khí, thông tin điện đài, có cả bác sĩ nữa là 6 vị. Lúc đó, chúng tôi không biết là ai, sau này mới biết đó là ông Hun Sen. Nay Bình Phước xây dựng tuyến đường X16 cũng như cụm công trình lưu niệm này, chúng tôi cảm thấy rất tự hào. Bởi công trình sẽ lưu lại lịch sử lâu dài cho con cháu đời sau biết và hun đúc, gắn kết tình hữu nghị với nước bạn.
Tuyến đường X16 và các công trình lưu niệm không chỉ có ý nghĩa khẳng định tinh thần vô tư, trong sáng của Việt Nam trong việc giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, mà còn củng cố, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh biên giới. Đồng thời, người dân còn hy vọng X16 sẽ là tuyến giao thông huyết mạch để thúc đẩy mạnh mẽ việc hợp tác đầu tư phát triển về mọi mặt, nhất là kinh tế, xã hội, du lịch, dịch vụ, thương mại giữa hai nước Việt Nam - Campuchia.